Bà Lê Thị Phương Nga là người gốc Việt duy nhất đang sống tại Cainta, một thị trấn yên bình với dân số chỉ khoảng 300.000 người của tỉnh Rizal, thuộc vùng Calabarzon trên đất nước Philippines. Nghe dông dài vậy chứ thực ra cái thị trấn Cainta hiền hòa này chỉ cách thủ đô Manila 20km về phía đông.
Ông Carlito Fernandez. |
Bà Lê Thị Phương Nga là người gốc Việt duy nhất đang sống tại Cainta, một thị trấn yên bình với dân số chỉ khoảng 300.000 người của tỉnh Rizal, thuộc vùng Calabarzon trên đất nước Philippines. Nghe dông dài vậy chứ thực ra cái thị trấn Cainta hiền hòa này chỉ cách thủ đô Manila 20km về phía đông. Thế mà khi nghe tôi điện là sẽ đến thăm, từ 4 giờ chiều bà Phương Nga đã cho con trai chở lên Manila để đón chuyến tàu của chúng tôi cặp bến cảng số 4 Bắc Manila vào lúc 8 giờ tối do sợ bị kẹt xe. Hết sức bất ngờ, ra đón chúng tôi tận cầu cảng còn có cả ông chồng người Phi của bà Phương Nga đã 76 tuổi.
Người đàn ông có dáng dấp nhỏ thó với nước da ngăm đen này thoạt nhìn thấy trẻ hơn so với tuổi rất nhiều, mới gặp lần đầu đã tỏ ra cởi mở, thân thiện, chuyện trò khá hóm hỉnh bằng tiếng Việt. Độc đáo hơn nữa là ông luôn đội trên đầu cái nón vải dù có quốc kỳ Việt Nam màu đỏ sao vàng với vẻ rất tự hào. Thực sự thì cả hai vợ chồng này chúng tôi đều mới gặp lần đầu. Vì đây cũng là lần thứ nhất tôi đặt chân đến xứ sở ngọc trai, quê hương dừa sáp cũng đồng thời là nơi có nhiều núi lửa nhất thế giới này. Tôi chỉ mới biết được số điện thoại của bà Phương Nga qua sự giới thiệu của một người bạn ở Biên Hòa. Đồng hương gặp nhau nơi đất khách thật xiết bao xúc cảm, bởi có nhiều điều nhắc nhớ và muốn nói.
Thẻ nhân viên của ông Carlito Fernandez khi làm việc tại Biên Hòa. |
Percival Fernandez (con trai lớn của bà Phương Nga) sinh vào tháng 12-1973 tại Bảo sanh viện Hạnh Phước (Biên Hòa), nay là nhân viên thẩm định tài sản thế chấp của một ngân hàng lớn ở Manila, nên ngày nào cũng lăn bánh trên đường, vậy mà cầm lái chở được chúng tôi về đến nhà cũng hơn 10 giờ tối. Đêm đó, trong ngôi nhà khá rộng có trưng bày tủ, tranh sơn mài, tượng Phật… “Made in Việt Nam” trong khu Greenland Subd của thị trấn Cainta, hầu hết là dân theo đạo Thiên Chúa thuộc dòng Our Lady of light Parish (Đức Mẹ Giáo xứ ánh sáng), chúng tôi ngồi lai rai bên chai Brandy Red Horse (Xích Mã) to đùng, thưởng thức các món đặc sản nổi tiếng của Phi, như: Liempo (sườn heo quay), Chicharon (da heo chiên giòn)… với pizza đã “địa phương hóa”. Và tâm tình với nhau bằng mấy loại ngôn ngữ trộn lẫn của những người vừa mệt vừa ngật ngừ say mà lại vô cùng hứng khởi. Qua đó tôi nhận ra ở đôi vợ chồng Phi - Việt này có khá nhiều điều lý thú.
Carlito Fernandez sinh năm 1938 ngay trên mảnh đất Cainta thời đó rất hoang vắng, trải dài những cánh đồng lúa trong một gia đình có cha đi làm bảo vệ, mẹ làm thợ may, chứ không phải một nắng hai sương vất vả như phần lớn nông dân nghèo khổ ở đây. Tốt nghiệp trung học, Carlito được gửi lên Manila học nghề sửa máy xe hơi. Lành nghề, Carlito quay lại Cainta mở garage sửa xe tại nhà, nhưng thời đó, Cainta vẫn còn thuần nông nên công việc làm ăn rất khó khăn. Được tin tòa đại sứ Mỹ ở Manila cần tuyển thợ máy người Phi để đưa qua miền Nam Việt Nam làm nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì xe hơi, Carlito xin ứng tuyển và được thu dụng. Năm 1965, Carlito qua Sài Gòn và được chuyển đến Lãnh sự quán Biên Hòa (nay là trụ sở cơ quan Viễn thông Đồng Nai) nằm cạnh bờ sông Đồng Nai, trên đường Nguyễn Văn Trị.
Ông bà Carlito Fernandez (trái) và vợ chồng tác giả. |
Với tư cách là một ngoại kiều công tác cho phái bộ Mỹ, Carlito cùng với mấy thợ máy người Việt hình thành bộ phận bảo trì sửa xe do Carlito làm trưởng toán, chịu trách nhiệm phụ trách kỹ thuật cho các tỉnh: Biên Hòa, Bình Dương, Hậu Nghĩa, Tây Ninh, Phước Long.
Đầu năm 1970, trong một lần thử xe, Carlito nhìn thấy xe bán sinh tố bên đường Thành Thái (nay là đường Huỳnh Văn Lũy) cạnh sân banh Biên Hòa nên ghé vào kêu ly rau má. Bất chợt nhìn thấy cô gái bán sinh tố, anh chàng người Phi Carlito đâm lòng thương mến. Cô gái bán sinh tố ấy là Lê Thị Phương Nga, nữ sinh lớp đệ nhị Trường Ngô Quyền, lúc ấy mới 18 tuổi, đang được khá nhiều chàng trai đeo đuổi, còn Carlito đã 32 tuổi và nói tiếng Việt chưa rành. Sinh ngữ chính của Phương Nga là Pháp văn nên cô nói tiếng Pháp rất khá, còn tiếng Anh là sinh ngữ phụ nên chỉ nói được bập bẹ, nhờ vậy Carlito có được cơ hội hướng dẫn thêm. Trong mắt của cô nữ sinh Phương Nga, Carlito là một người đàn ông hiền lành, ân cần và tốt bụng, nhiều khi còn rất rụt rè chứ không có nét hào hoa, biết ga lăng như những chàng “lính kiểng” thường đeo theo tán tỉnh cô lúc bấy giờ, nên không biết tự lúc nào Phương Nga cũng đâm ra có cảm tình với người đàn ông Phi Luật Tân tha phương cầu thực này. Khi biết được tình cảm của hai người dành cho nhau, cha mẹ của Phương Nga (ông Hai Sắc, dân xe be) phản đối dữ dội và ra lệnh cấm cửa “thằng Phi làm sở Mỹ”, nhưng hai người vẫn lặng lẽ tìm đến với nhau. Sau cùng ông Hai sắc đành chịu thua, buộc Carlito xin phép về Phi đem giấy xác nhận tình trạng còn độc thân, có cả chữ ký xác nhận của cha mẹ “chàng rể tương lai” ông mới chịu cho làm đám cưới vào cuối năm 1971. Sau đó, lần lượt 3 đứa con mang dòng máu Việt - Phi của họ ra đời trên đất Biên Hòa. Cuối tháng 4-1975, gia đình này rời Việt Nam. Về đến quê hương của Carlito, bà Phương Nga gửi cả ba đứa con của mình lại cho hai người chị chồng nuôi dưỡng để theo chồng sang Iran công tác. 3 năm sau đó, khi Carlito rời Iran để làm cho một hãng máy bay ở Ả Rập thì bà Phương Nga quay về Phi chăm sóc con. Tính ra người thợ cơ khí lành nghề này đã cần cù làm việc trên 20 năm, trong đó vùng đất Trung Đông ông cũng đã ở đến hơn 10 năm trước ngày nghỉ hưu.
Giáo đường Our lady of light Parish cổ xưa. |
Ông Carlito Fernandez cho rằng quãng đời đẹp nhất và đáng nhớ nhất của ông là thời gian 10 năm ông sống tại Biên Hòa. Chính tại đây ông đã tìm ra được hạnh phúc của mình. Và cho đến giờ, trải qua 43 năm chung sống, trong mắt ông, bà Phương Nga vẫn là người phụ nữ Việt Nam “number one” nhất trên đời này. 76 tuổi vậy mà người đàn ông cả đời tha phương lưu lạc này vẫn nhớ khá nhiều những chuyện lớn nhỏ ở Biên Hòa, từ chuyện tưởng đốt pháo, ai dè “Vi Xi” (V.C - cách quân Mỹ gọi giải phóng quân) tấn công Tết Mậu Thân 1968 “kinh hồn”. Ông nhớ cả tiệm hớt tóc Đặng Châu mà ông là khách “mối”, cũng như món càri dê Tư Dữ ở Vườn Mít, bánh canh đầu cá ở Chợ Đồn…
Trở lại Việt Nam lần đầu vào năm 1987, đến nay ông đã về Biên Hòa đến 6 lần. Bà Phương Nga cho rằng ông Carlito mê thích Việt Nam, trong đó có Biên Hòa một cách đặc biệt. Hàng năm, bà đều cùng con hoặc bạn bè đi du lịch một số nơi trên thế giới, ông Carlito rất ít khi đi theo mà thường cố thủ ở nhà, suốt ngày đọc sách trên một căn gác gỗ nhỏ biệt lập do ông tự thiết kế. Nhưng khi bà về Việt Nam thì ông phấn khởi về theo, ông cho rằng người Việt thân thiện, hiếu khách và sống rất tình cảm. “Chàng rể” già của Biên Hòa này ngoài cái thú ra bờ sông Đồng Nai ngồi quán cà phê cóc đọc sách, còn rất mê các món ăn ở Biên Hòa mà bây giờ có nhiều thứ quá so với thời ông đã sống ở đây.
Hai người con trai của ông bà Fernandez là Percival làm ở Ngân hàng RCBC, Ollie làm ở Toshiba đều đã 3 lần về quê mẹ. Riêng Kim, cô con gái lớn của họ làm nữ điều dưỡng ở Singapore thì về Biên Hòa rất nhiều lần, dẫn theo cả bạn bè do quá mê những món ăn ở quê hương Việt Nam.
Sống ở Cainta vậy mà năm nào cả gia đình Fernandez cũng lên Manila “ăn Tết” mừng Đảng, mừng Xuân do Đại sứ quán Việt Nam tổ chức cho đồng bào ta sống khắp Philippines đến dự. Ông Carlito Fernandez cho rằng “ăn Tết” ở Đại sứ quán Việt Nam rất vui vì có văn nghệ và có đủ các món ăn truyền thống của người Việt trong ngày Tết Nguyên đán, nhưng đặc biệt nhất là không khí ấm áp, thân thiện của bà con Việt kiều làm cho ông - một “rể ngoại” vẫn cảm thấy mình gần gũi, gắn bó với cộng đồng này nhiều hơn.
BÙI THUẬN