Báo Đồng Nai điện tử
En

Dấu xưa xe ngựa...

11:01, 26/01/2014

Tiếng vó ngựa khua lốc cốc leng keng, lúc nhanh lúc chậm; tiếng tróc mã của người đánh xe, giọng huyên náo của người bán hàng đi chợ sớm… là những âm thanh mà nhiều người lớn tuổi ở Biên Hòa vẫn còn nhớ khi nhắc về những chuyến xe ngựa ngày trước...

Tiếng vó ngựa khua lốc cốc leng keng, lúc nhanh lúc chậm; tiếng tróc mã của người đánh xe, giọng huyên náo của người bán hàng đi chợ sớm… là những âm thanh mà nhiều người lớn tuổi ở Biên Hòa vẫn còn nhớ khi nhắc về những chuyến xe ngựa ngày trước...

Hình ảnh chiếc xe ngựa hay còn gọi là xe thổ mộ đã rất quen thuộc với người dân Biên Hòa từ những thập niên 50 của thế kỷ 20. Bởi nó từng là phương tiện đi lại chính của người dân thành phố và các vùng lân cận.

Một thời ngang dọc

Tên thổ mộ có nguồn gốc từ chữ “thụ mã” mà người Hoa ở Việt Nam thường đọc là “thụ mạ” và đọc trại âm nhiều lần rồi thành thổ mộ. Người Pháp gọi chiếc xe này là Boite d’allumettes (xe hộp quẹt). Mặt khác, xe thổ mộ có thùng liền với mui cong cong giống như một ngôi mộ đất.

Không ít người sinh sống ở TP.Biên Hòa lâu đời vẫn còn nhớ và kể vanh vách những ký ức về xe thổ mộ. Ở quận Châu Thành (nay là TP.Biên Hòa), khi đó có 2 bến xe ngựa lớn là bến đò ngựa gần chợ Biên Hòa và một bến ở gần ga xe lửa Biên Hòa với cả trăm xe hoạt động tất bật suốt ngày. Lý giải về một thời nhộn nhịp của loại xe này, ông Trần Quang Toại, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai, người có quá trình nghiên cứu về lịch sử Biên Hòa, cho rằng dạo ấy ngoài việc đi lại bằng ghe xuồng trên sông Đồng Nai thì xe ngựa được xem là phương tiện duy nhất dùng chở khách và hàng hóa trên đường bộ. Xe được người dân đặc biệt ưa chuộng vì nó rong ruổi ở khắp các tuyến đường hoặc đón khách thập phương đến ga Biên Hòa. Đồng thời, khi ghe chở người cùng hàng hóa từ các địa phương khác, như: Tân Uyên (tỉnh Bình Dương), Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu) cặp vào các bến đò nằm dọc sông Đồng Nai tại bến đò Trạm, bến Bình Hòa, bến chợ Biên Hòa… sẽ được chuyển sang xe ngựa để tiếp tục hành trình đến các chợ và các điểm khác trong thành phố.

Dấu ấn khó phai

“Tiếng vó ngựa lóc cóc gõ trên mặt đường mỗi buổi sáng sớm giống như tiếng đồng hồ báo thức báo hiệu một ngày mới. Âm thanh đặc trưng ấy vừa lạ, vừa hay rất khó tả” - ông Trương Thông, người sống ở gần bến đò ngựa chợ Biên Hòa trước đây nhớ lại. Theo ông Thông, ngày xưa bến đò ngựa rất đông xe và nhộn nhịp. Xe vào bến phải xếp tài để chở  hàng, còn những xe chở khách thì chờ khi nào đủ 4- 6 người thì mới lên đường.

Đề cập về xe ngựa, nhà văn Nguyễn Thái Hải và ông Trần Quang Toại có cùng một suy nghĩ về việc phục hồi lại hoạt động của xe ngựa như một sản phẩm du lịch độc đáo. Theo ông Hải, khi tuyến bờ kè dọc sông Đồng Nai ở Biên Hòa được xây dựng hoàn tất, nên tổ chức một số tuyến xe ngựa chở khách từ đường bờ sông lên Khu du lịch Bửu Long và ngược lại để phục vụ khách tham quan. Riêng ông Toại thì cho rằng mô hình xe ngựa du lịch nên bố trí ở các làng cổ đã có quy hoạch phục dựng, như: làng Phú Hội, làng Hiệp Phước (huyện Nhơn Trạch) và Cù lao Phố (TP.Biên Hòa) là phù hợp nhất.

Đối với nhà văn Nguyễn Thái Hải, người có nhiều tác phẩm về Biên Hòa xưa, thì xe ngựa gắn liền với ký ức tuổi thơ của ông. Nhà văn kể: “Năm tôi 7 tuổi, gia đình mua một chiếc xe ngựa và thuê một người đánh xe nên tôi thường xuyên được đi loại xe này. Thích nhất là được ngồi phía sau xe, hai chân thòng xuống đung đưa, hoặc gác lên cái bửng sắt nhỏ dùng làm chỗ leo lên xe rất thoải mái. Khi lớn hơn một chút, dù tiếc nhưng tôi không đi xe ngựa nữa vì sợ các bạn trêu chọc, bởi khách hàng đi xe ngựa lúc bấy giờ chủ yếu là phụ nữ đi chợ. Đến những năm cuối của thập niên 70 thế kỷ trước thì xe ngựa trở nên hiếm, sau đó không bao lâu nó bị xóa sổ hoàn toàn”.

Hình ảnh những chiếc xe ngựa như gắn liền với cuộc sống của nhiều người dân Biên Hòa. Dù đang sống giữa một thành phố đông đúc với đủ loại phương tiện đi lại hiện đại, nhưng nhiều người vẫn thấy lưu luyến khi có ai đó nhắc tới xe ngựa. Tại một số khu du lịch ngày nay và cả bảo tàng còn trưng bày những chiếc xe thổ mộ một thời ngang dọc. Nhắc về xe ngựa là để nhớ về một phương tiện đã góp phần tô đẹp thêm cho nét văn hóa của Biên Hòa xưa.

 

KIM LIỄU

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều