Báo Đồng Nai điện tử
En

Quy định khung giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu: Thuận lợi cho bệnh viện, đừng để thiệt thòi cho bệnh nhân

08:07, 18/07/2023

Từ ngày 15-8-2023, người bệnh chọn khám, chữa bệnh theo yêu cầu tại một số bệnh viện sẽ phải chi trả viện phí theo quy định vừa được Bộ Y tế ban hành.

Từ ngày 15-8-2023, người bệnh chọn khám, chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu (TYC) tại một số bệnh viện sẽ phải chi trả viện phí theo quy định vừa được Bộ Y tế ban hành.

Nhân viên y tế khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tư vấn cho một bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Phi
Nhân viên y tế khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tư vấn cho một bệnh nhân. Ảnh: Nguyễn Phi

Theo Thông tư 13/2023/TT-BYT ngày 29-6-2023 của Bộ Y tế quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ KCB TYC do cơ sở KCB của Nhà nước cung cấp, các bệnh viện có thể xây dựng giá dịch vụ KCB TYC tối đa 500 ngàn đồng/lượt và tối đa 4 triệu đồng/giường/ngày; giá xét nghiệm và kỹ thuật chênh lệch tối thiểu và tối đa dao động từ 20-50%.

* Người bệnh nửa mừng, nửa lo 

Điều chỉnh khung giá dịch vụ KCB TYC của Bộ Y tế đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo các bệnh viện và người dân. Theo Bộ Y tế, việc điều chỉnh khung giá KCB TYC lần này phù hợp với xu thế hiện đại, là cơ sở để các bệnh viện tăng chất lượng KCB, đáp ứng nhu cầu muốn được sử dụng những dịch vụ cao cấp, song vẫn đảm bảo cho người có thu nhập trung bình, người có BHYT tiếp cận khi cần. Tuy nhiên, không ít người dân còn băn khoăn.

Ông Nguyễn Minh Trí (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết: “Người bệnh đã lựa chọn KCB TYC thì phải chi trả thêm là tất nhiên. Thực ra, giá KCB TYC có thể tăng lên tối đa 500 ngàn đồng/lượt cũng có thể chấp nhận được nếu bù lại người bệnh không phải chờ đợi lâu và có cơ hội chọn bác sĩ có chuyên môn giỏi khám bệnh cho mình”.

Bộ Y tế khẳng định, việc điều chỉnh khung giá KCB TYC không ảnh hưởng đến những bệnh nhân có thẻ bảo hiểm y tế và bệnh nhân không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng không tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB TYC. Bởi, quy định khung giá mới chỉ áp dụng cho những bệnh nhân tự nguyện sử dụng các dịch vụ KCB TYC.

Tuy nhiên, nhiều người dân cũng cho rằng, hiện đời sống kinh tế khó khăn, bệnh tật ngày một nhiều, việc tăng giá dịch vụ KCB TYC khiến nhiều người bệnh “ngại” KCB dịch vụ.

Bà Trần Thị Thiên Thanh (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, do khu khám bệnh thường ở Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khá đông nên bà thường chọn KCB TYC, bởi phí khám chênh lệch chỉ từ 50-70 ngàn đồng/lượt là chấp nhận được. Nếu giờ có thể tăng lên tối đa 500 ngàn đồng/lượt, mức chênh lệch giữa khám thường và khám dịch vụ sẽ là vài trăm ngàn đồng thì bà phải cân nhắc.

Nhiều ý kiến lo lắng việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB TYC lên khá cao so với giá cũ sẽ làm tăng khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa bệnh nhân giàu và nghèo, gây thêm áp lực cho bệnh nhân.

Bà Nguyễn Thị Hoan, giáo viên ngụ P.Tân Mai (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Tôi băn khoăn, việc tăng giá KCB TYC có thể khiến các bệnh viện chỉ tập trung đầu tư, trang bị những điều kiện tốt nhất cho khu dịch vụ để thu hút bệnh nhân, “bỏ bê” đầu tư cải thiện chất lượng ở khu khám thường. Như thế, dẫn đến những thiệt thòi cho người bệnh không có điều kiện KCB ở khu dịch vụ”.

* Tăng giá phải đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ

Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 4 bệnh viện công lập có khoa KCB TYC gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Theo các bệnh viện, hiện giá dịch vụ KCB TYC tại các bệnh viện qua nhiều năm đã lạc hậu, việc Bộ Y tế điều chỉnh giá dịch vụ KCB TYC từ ngày 15-8-2023 sẽ giúp các bệnh viện tự chủ hơn về nguồn tài chính, nâng chất lượng điều trị, cải thiện thu nhập cho cán bộ y tế.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB TYC của Bộ Y tế đã tạo cơ hội cho bệnh viện phát triển phục vụ TYC của bệnh nhân, tạo điều kiện thuận lợi và thoải mái cho người bệnh; ngoài ra cũng góp phần rất lớn trong phát triển toàn diện bệnh viện, giúp bệnh viện có thể tuyển dụng đội ngũ nhân lực có trình độ chuyên môn cao, chủ động trong mua sắm trang thiết bị, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân...

“Bệnh viện sẽ có điều kiện trả lương theo năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng. Điều này sẽ kích thích được đội ngũ nhân viên y tế phát huy hết khả năng để nâng cao chất lượng chuyên môn, phục vụ bệnh nhân toàn diện, hạn chế được tình trạng bác sĩ bỏ việc” - BS Ngô Đức Tuấn nhấn mạnh.

Tương tự, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho hay, quy định mới này sát với thực tế và là cơ hội để mang đến những dịch vụ KCB tốt nhất cho người bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu người bệnh muốn được khám bệnh, điều trị bằng các kỹ thuật cao, các kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến, hiện đại ngay tại địa phương mà không cần chuyển lên các bệnh viện tuyến trên.

“Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ KCB TYC đã “cởi trói” cho nhiều bệnh viện. Qua đó, giúp bệnh viện chủ động “nâng chất” hoạt động khoa khám bệnh và điều trị TYC, đem đến thuận tiện cho người dân, góp phần giảm tải cho các khoa liên quan. Ngoài ra, còn giúp đem về nguồn thu để bệnh viện thực hiện an sinh xã hội, hỗ trợ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn; tăng thu nhập để đội ngũ nhân viên y tế bệnh viện yên tâm làm việc, dành thời gian học tập, nghiên cứu nâng cao chất lượng chẩn đoán, KCB cho người dân” - BS Phạm Văn Dũng cho biết.

Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các bệnh viện hiện nay, theo lãnh đạo một số bệnh viện, quy định điều chỉnh khung giá dịch vụ KCB TYC của Bộ Y tế với cơ chế “mở”, biên độ dao động lớn, nếu bệnh viện nào chỉ chăm chăm tăng giá nhưng chất lượng khám và điều trị bệnh, thái độ phục vụ, các tiện ích không tương xứng thì sẽ không được bệnh nhân lựa chọn.

Thông tư 13/2023/TT-BYT là bước ngoặt lớn cho nhiều bệnh viện có KCB TYC. Để bước ngoặt này thực sự trở thành cơ hội cho các bệnh viện ổn định và nâng chất hoạt động KCB, đúng nghĩa phục vụ người bệnh, rất cần có cơ chế giám sát của đơn vị chức năng.

Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, việc ban hành khung giá KCB TYC được xây dựng sẽ là hướng dẫn, pháp lý giúp thống nhất giá dịch vụ KCB TYC trong toàn quốc, để các cơ sở y tế không thực hiện dịch vụ vượt quá khung cho phép.

Ngoài việc góp phần giải quyết khó khăn về tài chính giúp các bệnh viện tích lũy nguồn thu để có chế độ đãi ngộ nhân viên y tế phù hợp nhằm giữ chân bác sĩ, thông tư này cũng quy định một số nguyên tắc, chỉ tiêu chất lượng mà các cơ sở y tế sẽ phải thực hiện như: quy định về tỷ lệ giường bệnh theo yêu cầu không quá 20% so với giường thực hiện bình quân của năm trước, tỷ lệ thời gian các chuyên gia, bác sĩ giỏi tham gia KCB TYC tối đa không quá 30%.

“Sở Y tế sẽ có cơ chế giám sát và yêu cầu các bệnh viện phải thực hiện như: phân biệt rõ ràng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm y tế; giá cả phải công khai, minh bạch; phải giải thích cho người bệnh nếu lựa chọn dịch vụ bệnh nhân sẽ được thụ hưởng những gì; không được “ép” bệnh nhân hoặc lạm dụng dịch vụ để khiến bệnh nhân tốn kém” - Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết.

Phương Liễu

Tin xem nhiều