Trong quá trình hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh có quyền chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động.
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, hộ kinh doanh có quyền chấm dứt hoặc tạm dừng hoạt động.
Các luật sự thuộc Đoàn Luật sư tỉnh (phải) tư vấn cho người dân xã Trà Cổ (H.Tân Phú) về việc đăng ký hộ kinh doanh tại buổi tuyên truyền pháp luật do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức vào tháng 7-2023. Ảnh: Đoàn Phú |
Luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, khi chấm dứt hay tạm dừng hoạt động, hộ kinh doanh phải có nghĩa vụ thông báo, thực hiện nghiêm các nghĩa vụ về thuế thì mới được xem là đã chấm dứt hay tạm dừng hoạt động hợp pháp.
* Quên “khai tử”
Năm 2017, ông L.V.R. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) xây dựng 10 phòng trọ và đưa vào kinh doanh. Trước khi đưa nhà trọ vào hoạt động kinh doanh, ông R. đã thực hiện xong thủ tục đăng ký thành lập hộ kinh doanh nhà trọ và đã được cấp phép hoạt động. Đến năm 2021, nhà trọ của ông vắng khách thuê nên ông R. ngưng kinh doanh nhưng không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền biết về việc này. Ông R. muốn biết, việc ông tự ý ngừng kinh doanh như vậy có đúng quy định không?
Hay như trường hợp của bà C.T.L. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đăng ký hộ kinh doanh là buôn bán tạp hóa, một thời gian sau bà mở thêm dịch vụ cầm đồ. Dù công việc kinh doanh cầm đồ của bà là nguồn thu nhập chính nhưng nó vẫn không được công khai. Do đó, nay bà muốn “khai tử” hình thức kinh doanh tạp hóa và mở ra dịch vụ kinh doanh cầm đồ có được không?
Trao đổi về những thắc mắc trên, luật sư Lưu Hồng Khanh (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, việc tạm ngưng, chấm dứt, thay đổi ngành nghề kinh doanh của hộ kinh doanh được thực hiện theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 4-1-2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Do đó, với trường hợp của ông L.V.R., muốn chấm dứt việc kinh doanh nhà trọ thì ông phải thực hiện theo quy định của Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Cụ thể, ông L.V.R. phải gửi thông báo về việc chấm dứt hoạt động hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cấp huyện nơi đã đăng ký trước đó. Đồng thời, pháp luật buộc ông phải thực hiện xong nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác nếu có trước khi nộp hồ sơ chấm dứt hoạt động. Khi đó, cơ quan ĐKKD cấp huyện xem xét tính hợp lệ của hồ sơ và ra thông báo về việc chấm dứt hoạt động của hộ kinh doanh cho ông. Việc ông tự ý chấm dứt hoạt động mà không có động thái thông báo là chưa đúng quy định và việc kinh doanh nhà trọ của ông dù không còn nhưng vẫn được xem là đang tồn tại.
Riêng trường hợp của bà C.T.L., luật sư Lưu Hồng Khanh cho hay, bà không cần phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động kinh doanh tạp hóa mà chỉ cần làm thủ tục thay đổi nội dung, ngành nghề kinh doanh với cơ quan ĐKKD cấp huyện là được.
* Ai được đăng ký hộ kinh doanh?
“Chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh; đồng thời chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ”- luật sư LƯU HỒNG KHANH (Đoàn Luật sư tỉnh) bày tỏ. |
Việc ĐKKD đối với cá nhân, thành viên hộ gia đình được pháp luật khuyến khích, cho dù họ thuộc đối tượng pháp luật không bắt buộc phải đăng ký hộ kinh doanh như: hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.
Theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, muốn thành lập hộ kinh doanh thì cá nhân, thành viên hộ gia đình phải là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ một số trường hợp khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, pháp luật không cho phép cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hơn một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc; cá nhân, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại; ngành nghề kinh doanh bị cấm.
Việc đăng ký hộ kinh doanh của cá nhân, thành viên hộ gia đình nếu thuộc trường hợp pháp luật bắt buộc phải thực hiện đăng ký hộ kinh doanh theo đúng quy định mà không thực hiện việc đăng ký thì sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng theo Điểm c, khoản 1, Điều 62, Nghị định 122/2021/NĐ-CP ngày 28-12-2021 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Cũng theo luật gia Phan Văn Châu, tại Điều 62 và Điều 63, Nghị định 122/2021/NĐ-CP còn xử phạt từ 5-20 triệu đồng với các hành vi như: ĐKKD nhiều hơn một hộ kinh doanh; không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh; không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan ĐKKD cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi; tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan ĐKKD cấp huyện nơi đã đăng ký; chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan ĐKKD cấp huyện...
Đoàn Phú