Trong hôn nhân, nhiều người lầm tưởng tình yêu như tài sản nên người này thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu của người kia và ngược lại.
Trong hôn nhân, nhiều người lầm tưởng tình yêu như tài sản nên người này thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu của người kia và ngược lại.
Một luật sư trong Đoàn Luật sư Đồng Nai phát tài liệu tuyên truyền pháp luật về hôn nhân - gia đình cho người dân xã Trà Cổ (H.Tân Phú) tại buổi tuyên truyền pháp luật do Đoàn Luật sư Đồng Nai tổ chức. Ảnh minh họa: Đ.PHÚ |
Luật gia Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh bày tỏ, pháp luật chỉ quy định trách nhiệm, nghĩa vụ vợ chồng đối với nhau trong hôn nhân, chứ không quy định vấn đề sở hữu, chiếm hữu nhau.
* Vợ/chồng phải là của riêng nhau?
Mặc dù không đăng ký kết hôn, chỉ chung sống với nhau, nhưng chị V.D.T. (ngụ H.Tân Phú) vẫn xem anh H.V.H. (ngụ cùng địa chỉ) là chồng. Chính vì vậy, chị yêu cầu mọi mối quan hệ của anh H. với mọi người bên ngoài, với người thân thích phải thông báo và do chị kiểm soát thì chị mới vui vẻ, không chì chiết anh.
Chính vì quan niệm anh H. thuộc sở hữu của mình, chị T. thường hay ghen tuông với tất cả những phụ nữ có thái độ thân thiện, vui vẻ với anh. Điều này đôi lúc cũng làm anh H. bức xúc, khó chịu. Tuy vậy, khi được chị T. giải thích, vợ chồng phải thuộc sở hữu của riêng nhau và anh H. cũng có quyền ghen, kiểm soát mối quan hệ của chị thì anh ậm ờ cho qua chuyện.
Theo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022, hành vi ngăn cản thành viên gia đình gặp gỡ người thân, có quan hệ xã hội hợp pháp, lành mạnh hoặc hành vi khác nhằm cô lập, gây áp lực thường xuyên về tâm lý cũng được xem là bạo lực gia đình. |
Hay như vấn đề bà H.T.K. (ngụ H.Định Quán) yêu cầu chồng là ông L.M.D. (ngụ cùng địa chỉ, có kết hôn hợp pháp) không được tiếp xúc, trò chuyện thân mật, vui vẻ với người phụ nữ nào; thường xuyên kiểm soát điện thoại cá nhân của ông... Trước hành vi quản lý quá chặt của vợ, ông D. cảm thấy mình bị mất tự do nhưng cũng đành nín nhịn để vợ chồng tránh xung đột.
Luật gia Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho biết, quan niệm và hành xử của chị T. đối với anh H. và bà K. đối với ông D. như vậy là trái với pháp luật về hôn nhân - gia đình. Pháp luật công nhận nguyên tắc 1 vợ, 1 chồng, nhưng không có nghĩa là luật quy định vợ chồng phải thuộc sở hữu của nhau như tài sản được.
Hơn nữa, đối với trường hợp chị T. và anh H., do cả 2 đang sống chung và coi nhau như vợ chồng, chứ về mặt pháp lý họ chưa phải là vợ chồng hợp pháp như những cặp vợ/chồng đã có đăng ký kết hôn. Do đó, cả 2 không bị Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 ràng buộc theo mối quan hệ vợ chồng về nhân thân như: bình đẳng về quyền, nghĩa vụ giữa vợ, chồng; tình nghĩa vợ chồng; tôn trọng danh dự, nhân phẩm, uy tín của vợ, chồng… mà là mối quan hệ giữa 2 cá nhân với nhau trong cuộc sống, sinh hoạt.
“Mọi công dân có quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân và quyền này chỉ bị pháp luật hạn chế trong một số trường hợp cụ thể, chứ không phải do vợ hoặc chồng quyết định hay tự đặt ra” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn lưu ý.
* Không phải kết hôn là mất quyền tự do
Nhiều người cho rằng, hôn nhân dẫn tới mất quyền tự do cá nhân so với chưa kết hôn, hay vợ chồng có quyền chiếm hữu cơ thể của nhau.
Vấn đề này theo luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư Đồng Nai), đó chỉ là cách hiểu và nói cho vui giữa những người có gia đình với nhau, còn thực tế pháp luật không có quy định và không lấy đi quyền nào của cá nhân khi họ kết hôn. Ngược lại, pháp luật còn trao cho họ nhiều quyền hơn so với cá nhân chưa lập gia đình như: quyền vợ chồng đối với nhau, với con chung, với cha mẹ 2 bên; quyền thừa kế của nhau…
Riêng vấn đề chiếm hữu cơ thể của nhau thì hoàn toàn sai. Bởi pháp luật chỉ quy định vợ chồng có quyền, nghĩa vụ sống chung; thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình… hoàn toàn không có quy định chiếm hữu, sở hữu lẫn nhau về cơ thể. Chính vì hiểu sai và không đúng nên vợ/chồng có hành vi đánh đập hoặc cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn với nhau là hành vi bạo lực gia đình.
Luật sư Cao Sơn Hà chỉ rõ, đối với hành vi đánh đập gây thương tích; lăng mạ, chì chiết, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; kích động tình dục hoặc lạm dụng thân thể đối với vợ/chồng bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng theo các điều: 52, 54 và 55 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình.
Riêng việc cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ/chồng trong thời kỳ hôn nhân, hay nam nữ sống chung như vợ chồng nếu cấu thành tội hiếp dâm sẽ bị xử lý hình sự theo Khoản 1 và 2, Điều 141 Bộ luật Hình sự sửa đổi năm 2017 với mức hình phạt từ 2-15 năm tù.
Đoàn Phú