Báo Đồng Nai điện tử
En

Chia tài sản hình thành trong tương lai của người chết ra sao?

08:07, 10/07/2023

Tài sản do người chết đứng tên quyền sở hữu, sử dụng khi còn sống sẽ rất thuận lợi cho việc phân chia cho những người được hưởng thừa kế.

Tài sản do người chết đứng tên quyền sở hữu, sử dụng khi còn sống sẽ rất thuận lợi cho việc phân chia cho những người được hưởng thừa kế.

Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh (bên phải) tư vấn cho người dân xã Phú Thịnh (H.Tân Phú) về pháp luật, trong đó có Bộ luật Tố tụng dân sự
Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư tỉnh (bên phải) tư vấn cho người dân xã Phú Thịnh (H.Tân Phú) về pháp luật, trong đó có Bộ luật Tố tụng dân sự. Ảnh: Đ.Phú

Tuy nhiên trong thực tế vẫn có những loại tài sản mà khi còn sống người chết vẫn chưa xác lập quyền sở hữu, sử dụng. Lúc này, những người được hưởng di sản rất lúng túng không biết mình có được thụ hưởng và phân chia tài sản đó ra sao.

* Chia tài sản “chưa có thực”

Năm 2020, ông P.V.L. (ngụ P.Hóa An, TP.Biên Hòa) khởi kiện bà N.V. (ngụ cùng địa phương) đòi  quyền sử dụng 400m2 đất vì cho rằng bà V. đang chiếm dụng bất hợp pháp của ông trước năm 2010. Vụ việc đang được tòa án thụ lý giải quyết thì đầu năm 2023 ông L. bị bệnh và qua đời.

Sau khi ông P.V.L. qua đời, bà C.T.M. (vợ của ông) và các con của ông được xem là người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng theo khoản 1, Điều 74, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Chính vì vậy, bà C.T.M. và các con của bà muốn biết, nếu tòa án phán quyết bằng bản án có hiệu lực pháp luật qua việc tuyên quyền sử dụng 400m2 đất đang tranh chấp với bà V. thuộc tài sản riêng của ông P.V.L. (do ông P.V.L. khai phá trước khi lấy bà C.T.M.) thì chia tài sản đó ra sao?

Hay như trường hợp bà L.T.Y.O. (ngụ xã Hàng Gòn, TP.Long Khánh) thắc mắc, chồng bà trước khi bị tai nạn giao thông qua đời vào cuối năm 2022, ông có nói với bà về việc hùn vốn với ông P.K. (ngụ TP.HCM) thuê 5 ha vườn cây, ao cá của một người dân ở H.Tân Phú trong 5 năm (từ 2018-2023) và trong hợp đồng ghi tiền góp vốn thuê là 1 tỷ đồng/người và có lãi thì chia đều. Theo đó, suốt 4 năm qua, chồng bà đều được chia lãi 100 triệu đồng/năm. Vậy nay chồng bà đã chết và bà có được hưởng phần lãi này từ việc hùn hạp làm ăn của chồng không?

Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh), đối với tài sản của chồng bà C.T.M. và chồng bà L.T.Y.O. hiện chưa hình thành mà trong tương lai tài sản này sẽ có hoặc không có. Nghĩa là nếu tòa án tuyên 400m2 đất mà chồng bà C.T.M. đang tranh chấp với bà V. là của ông P.V.L. thì lúc này nó mới được xem là di sản của ông P.V.L. nên bà C.T.M., các con, và cha, mẹ của ông P.V.L. (nếu còn sống) sẽ được chia theo pháp luật (vì ông L. chết không để lại di chúc về vấn đề này). Còn nếu tòa án tuyên đất đang tranh chấp thuộc bà V. thì đất đó không phải là di sản của chồng bà C.T.M. nên không ai được hưởng.  

Riêng trường hợp của bà L.T.Y.O., nếu cuối năm 2023 việc hùn vốn của chồng bà với bạn có lãi thì phần lãi này và vốn góp sẽ được xem là di sản thừa kế của chồng bà và di sản này sẽ được chia đều cho những đồng thừa kế hàng thứ nhất (vợ, con và cha, mẹ của chồng nếu còn sống). Ngược lại nếu việc hùn vốn không có lãi vào cuối năm 2023, thì bà và những người đồng thừa kế chỉ được hưởng di sản là phần vốn góp.

* Quy định về phân chia tài sản được hình thành trong tương lai

“Việc chia di sản là tài sản hình thành trong tương lai của người chết để lại cũng như chia di sản mà người chết đã xác lập quyền sở hữu, sử dụng khi còn sống đều được chia theo di chúc hoặc theo pháp luật” - luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết.

Trên thực tế có rất nhiều loại tài sản mà khi còn sống người chết cũng không biết được tương lai có hình thành tài sản đó hay không hoặc giá trị của tài sản đó ra sao như: hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản gốc; tài sản tranh chấp đang trong quá trình thưa kiện; quyền sở hữu trí tuệ về công trình sáng tạo của người chết…

“Vậy khi tài sản chưa hình thành hoặc có khả năng hình thành trong tương lai mà người chết khi còn sống chưa xác lập quyền sở hữu (nhà, máy móc, nữ trang có giá trị), quyền sử dụng (đất đai) thì liệu vợ, con họ có được hưởng hay không” - ông Nguyễn Cao (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) đặt vấn đề.

Trao đổi về nội dung này, luật sư Nguyễn Quang Khiêm (Đoàn Luật sư tỉnh) giải thích, tài sản của người chết để lại có 2 dạng gồm: tài sản hiện có và sản được hình thành trong tương lai.

Theo Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định tài sản hiện có là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; bất động sản và động sản. Còn tài sản hình thành trong tương lai gồm: tài sản chưa hình thành; tài sản đã hình thành nhưng chủ thể xác lập quyền sở hữu tài sản sau thời điểm xác lập giao dịch.

Theo căn cứ quy định nêu trên thì tài sản hình thành trong tương lai được xem là một loại tài sản của di sản thừa kế nên cũng được chuyển giao, phân chia cho những người hưởng thừa kế. Việc chuyển giao đó do các bên tự thỏa thuận phân chia hoặc yêu cầu tòa án phân chia nếu người chết không có di chúc.

Cũng theo luật sư Nguyễn Quang Khiêm, hoa lợi (tức sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại) và lợi tức (tức khoản lợi nhuận thu được từ việc khai thác tài sản), quyết định công nhận quyền sở hữu trí tuệ, sử dụng tài sản… của người chết trong các vụ việc tranh chấp đều được xem là tài sản hình thành trong tương lai nên nó chính là di sản của người chết để lại cho người hưởng thừa kế. Ngược lại nếu tài sản đó không phát sinh hoa lợi, lợi tức hay công nhận quyền sở hữu, sử dụng thuộc về người chết thì không phải di sản hình thành trong tương lai của người chết. Do đó, người dân cũng cần hiểu đúng vấn đề nhằm tránh phát sinh tranh chấp những di sản không có thực, không hình thành được trong tương lai mà tốn thời gian, vật chất, tình thân bất hòa.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều