Lương hưu (hay chế độ hưu trí) là khoản phí được chi trả cho những người lao động (NLĐ) đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Chế độ này sẽ giúp bảo đảm cho NLĐ khi về già sẽ có khoản chi phí cần thiết để chi trả cho nhu cầu sống cơ bản, chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Lương hưu (hay chế độ hưu trí) là khoản phí được chi trả cho những người lao động (NLĐ) đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật. Chế độ này sẽ giúp bảo đảm cho NLĐ khi về già sẽ có khoản chi phí cần thiết để chi trả cho nhu cầu sống cơ bản, chăm sóc sức khỏe của bản thân.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành |
Tuy nhiên, hiện còn nhiều vấn đề bất cập trong chính sách lương hưu, gây thắc mắc và thiệt thòi cho người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH). Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về thực trạng này, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết: “Chính sách lương hưu vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện để bảo đảm công bằng cho những người tham gia BHXH”.
* Thưa ông, từ ngày 1-7-2023, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh tăng từ 1,490 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng. Vậy lương hưu sẽ tăng như thế nào?
- Từ ngày 1-7-2023, lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng được điều chỉnh tăng theo Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29-6-2023 của Chính phủ. Theo đó, sẽ tăng thêm 12,5% trên mức lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng; tăng thêm 20,8% với người nhận lương hưu, trợ cấp hàng tháng chưa được tăng lương từ ngày 1-1-2022.
Ngoài ra, những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hàng tháng từ trước ngày 1-1-1995 có mức hưởng thấp hơn 3 triệu đồng/tháng sẽ được tăng thêm 300 ngàn đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng trở xuống; và tăng lên bằng 3 triệu đồng/người/tháng đối với những người có mức hưởng từ 2,7 triệu đồng/tháng đến dưới 3 triệu đồng/tháng.
* Nguyên tắc đóng BHXH nhiều thì hưởng nhiều, nhưng hiện nay có những người hưởng lương hưu rất cao (cá biệt đợt này có người nhận lương hưu tới 140 triệu đồng/tháng), trong khi có những người hưởng lương hưu quá thấp. Ông giải thích vấn đề này như thế nào?
- Mới đây, BHXH Việt Nam công bố, người nhận mức lương hưu cao nhất nước là ông P.P.N.T. (ngụ TP.HCM) với 124,7 triệu đồng/tháng (tính đến thời điểm tháng 6-2023). Từ ngày 1-7, mức lương cơ sở được điều chỉnh, lương hưu của ông T. sẽ nhận là hơn 140 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 15,5 triệu đồng/tháng).
Theo BHXH tỉnh, hiện trên địa bàn Đồng Nai có gần 65 ngàn người hưởng các chế độ hưu trí và trợ cấp hàng tháng. |
Theo giải thích từ BHXH Việt Nam, trước khi nghỉ hưu, ông T. làm tổng giám đốc một công ty có vốn đầu tư nước ngoài với mức lương là 250 triệu đồng/tháng. Từ tháng 4-2015, ông T. nghỉ hưu với mức lương hưu là 87 triệu đồng/tháng, sau nhiều lần điều chỉnh, nay mức lương hưu của ông là hơn 124 triệu đồng/tháng và sẽ là hơn 140 triệu đồng/tháng từ ngày 1-7-2023.
Để có được mức lương hưu như hiện tại, thời điểm từ năm 2015 trở về trước, mức tiền lương đóng BHXH bình quân của ông T. là hơn 200 triệu đồng/tháng.
Sở dĩ, có tình trạng nhận lương hưu rất cao này là do vào thời điểm trước năm 2006, số tiền đóng bảo hiểm không bị Luật BHXH giới hạn mức trần. Nhưng từ năm 2006, Luật BHXH đã quy định lại mức trần đóng BHXH là không quá 20 tháng lương cơ sở tại thời điểm đóng BHXH.
* Hiện nay, nhiều NLĐ ở khối doanh nghiệp tư nhân cho rằng, cách tính lương hưu hiện hành khiến họ thiệt thòi hơn so với khối công chức nhà nước. Ông nhận định vấn đề này thế nào?
- Theo Luật BHXH năm 2006, NLĐ làm việc toàn bộ thời gian tham gia BHXH tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, mức hưởng lương hưu được tính dựa trên bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian mà NLĐ tham gia BHXH.
Còn đối với cán bộ, công chức, viên chức có chế độ lương do nhà nước quy định có toàn bộ thời gian làm việc tham gia BHXH theo chế độ lương nhà nước thì sẽ tùy vào các mốc thời gian tham gia BHXH mà sẽ tính lương bình quân tháng đóng BHXH theo mức 5 năm, 6 năm, 8 năm, 10 năm, 15 năm, 20 năm cuối đóng BHXH.
Lý do, bởi tiền lương của NLĐ khối doanh nghiệp là căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hàng năm, còn lương của NLĐ khối nhà nước, người có trình độ đại học cũng chỉ tính theo bậc với mức khởi điểm là 2,34. Lương tối thiểu cho NLĐ khu vực doanh nghiệp chưa qua đào tạo như hiện nay là 4,680 triệu đồng/tháng đối với vùng 1 và lương của NLĐ khối doanh nghiệp được điều chỉnh tăng hàng năm.
Còn khu vực nhà nước thì 3 năm mới điều chỉnh tiền lương một lần. Tuy nhiên, bắt đầu từ ngày 1-1-2025 trở đi, bình quân lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu cả 2 khối sẽ như nhau, đó là dựa trên toàn bộ thời gian tham gia BHXH.
Lương cơ sở tăng, lương hưu cũng tăng, nhiều người hưu trí phấn khởi. Trong ảnh: Một người hưu trí nhận lương hưu tại Bưu cục Khu công nghiệp Biên Hòa. Ảnh: Hồ Tú |
* Mức đóng BHXH bắt buộc năm 2023 là bao nhiêu, thưa ông?
- Mức đóng BHXH bắt buộc năm 2023 được tính bằng cách lấy tỷ lệ đóng BHXH nhân (x) với tiền lương tháng tính đóng BHXH bắt buộc. Ví dụ: Tỷ lệ đóng BHXH hàng tháng của NLĐ là 10,5%, còn tiền lương tính đóng BHXH bắt buộc là 10 triệu đồng/tháng thì mức đóng BHXH bắt buộc của NLĐ sẽ bằng 10 triệu đồng x 10,5% = 1,050 triệu đồng đồng/tháng.
* Hiện nay, nhiều người vẫn đang nhận mức lương hưu quá thấp, không đủ chi cho điều kiện sống tối thiểu. Theo ông, Nhà nước cần có chủ trương hỗ trợ gì cho những đối tượng này?
- Như đã nói ở trên, trong đợt điều chỉnh tăng lương hưu lần này, Chính phủ đã xem xét tăng lương hưu đối với những đối tượng nghỉ hưởng lương hưu trước năm 1995.
Theo đó, sau khi điều chỉnh mà lương hưu hưởng vẫn dưới 3 triệu đồng/tháng thì sẽ được tăng thêm. Cụ thể: Người hưởng dưới 2,7 triệu đồng/tháng được tăng thêm 300 ngàn đồng/tháng; người hưởng từ 2,7 đến dưới 3 triệu đồng/tháng được tăng lên mức bằng 3 triệu đồng/tháng.
Việc điều chỉnh tăng này nhằm hỗ trợ thêm những đối tượng hưởng lưu thấp để họ có điều kiện sống tốt hơn. Việc tăng lương hưu này được tính từ ngày
14-8-2023.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (ghi)