Báo Đồng Nai điện tử
En

Luật sư có nên làm chứng đối với giao dịch đất bằng giấy tay?

08:04, 20/04/2023

Việc luật sư, văn phòng luật sư thực hiện ký xác nhận làm chứng đối với đất đai không đủ điều kiện giao dịch như: đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đủ điều kiện và diện tích tách thửa… là thực tế đã xảy ra trên địa bàn Đồng Nai.

Việc luật sư, văn phòng luật sư thực hiện ký xác nhận làm chứng đối với đất đai không đủ điều kiện giao dịch như: đất chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không đủ điều kiện và diện tích tách thửa… là thực tế đã xảy ra trên địa bàn Đồng Nai.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm Luật sư làm chứng đối với việc mua bán quyền sử dụng đất bằng giấy tay - thực trạng và giải pháp do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức ngày 14-4. Ảnh: Đ.PHÚ
Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh phát biểu tại buổi tọa đàm Luật sư làm chứng đối với việc mua bán quyền sử dụng đất bằng giấy tay - thực trạng và giải pháp do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức ngày 14-4. Ảnh: Đ.PHÚ

Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu chuyển nhượng đất làm chỗ ở của một bộ phận người dân hạn hẹp về nguồn lực tài chính, thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc cố tình lách luật để việc giao dịch được suôn sẻ mà bất chấp hậu quả.

* Chấn chỉnh việc luật sư làm chứng giao dịch đất

Trước thực trạng này, Sở Tư pháp đã có văn bản yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh phối hợp thực hiện một số nội dung như: quán triệt đến các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có trách nhiệm nghiêm túc phối hợp, tạo điều kiện cung cấp hồ sơ cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi họ có yêu cầu theo quy định pháp luật.

Sở Tư pháp nhấn mạnh, hiện nay pháp luật không ghi nhận việc làm chứng cho các thỏa thuận mua bán đất (xác nhận vào biên bản, giao dịch liên quan đến đất đai) của luật sư. Việc làm chứng cho các giao dịch nêu trên của luật sư trong bối cảnh thiếu hiểu biết pháp luật của người dân là hành động gián tiếp tiếp tay cho hành vi lừa đảo của một số đối tượng. Bởi thời gian qua, hậu quả của nhiều trường hợp làm chứng (với ký tên và đóng dấu mộc đỏ của luật sư) là một trong những nguyên nhân gây ra việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo của người dân.

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho biết, mặc dù đội ngũ luật sư của tỉnh không thực hiện hành vi ký xác nhận làm chứng đối với những giao dịch về đất đai không đủ điều kiện về giao dịch, bị các tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực từ chối, nhưng trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng luật sư bên ngoài tỉnh thực hiện việc ký xác nhận này, gây bức xúc dư luận, dẫn tới hiểu nhầm luật sư thuộc thành viên Đoàn Luật sư tỉnh thực hiện.

Do đó, Đoàn Luật sư tỉnh sẽ phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan có thẩm quyền làm rõ, kiến nghị xử lý theo đúng quy định đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã tổ chức một số hội thảo về nội dung luật sư có nên ký xác nhận làm chứng đối với giao dịch đất đai bằng giấy tay để tìm giải pháp cho vấn đề này.

* Còn ý kiến tranh luận trái chiều

Tại buổi tọa đàm Luật sư làm chứng đối với việc mua bán quyền sử dụng đất bằng giấy tay - thực trạng và giải pháp do Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức vào chiều 14-4, còn một số ý kiến tranh luận trái chiều.

Một số ít ý kiến cho rằng, mặc dù việc ký xác nhận vào giao dịch đất đai không đủ điều kiện giao dịch của luật sư không có giá trị pháp lý, nhưng có thể có giá trị như một chứng cứ hợp pháp để đương sự có thể sử dụng tại cơ quan giải quyết tranh chấp (tòa án hoặc trọng tài) và đó là một thực tế cần phải được nghiêm túc nhìn nhận. Đồng thời, nó phù hợp với thực tiễn pháp luật đang có hướng quy định mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư và do quy định pháp luật hiện nay về vấn đề này còn chỗ trống, chưa rõ nên luật sư được làm.

Để xử lý hành vi luật sư ký xác nhận làm chứng vào giao dịch đất đai thuộc lĩnh vực công chứng, chứng thực, theo Phó cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) ĐẶNG KIM HOA, phải chứng minh trước khi ký xác nhận làm chứng, luật sư có giải thích cho khách hàng về hậu quả, tính pháp lý của việc ký xác nhận hoặc có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền cho rằng việc ký xác nhận đó ảnh hưởng tiêu cực đối với công tác quản lý nhà nước, trật tự xây dựng hay không.

Tuy nhiên, cũng tại buổi tọa đàm này, rất nhiều luật sư, chuyên gia pháp lý khẳng định, pháp luật không ghi nhận việc làm chứng cho các thỏa thuận mua bán đất của luật sư vì nó thuộc lĩnh vực của tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực.

 Do đó, luật sư, tổ chức hành nghề luật sư thực hiện hành vi ký xác nhận với tư cách người làm chứng vào giao dịch đó không giải quyết được vấn đề giúp cho giao dịch có giá trị pháp lý khi giao dịch, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường như: tiếp tay cho hành vi lừa đảo, gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước về đất đai…

Đồng thời, việc làm đó không chỉ vi phạm Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam do Hội đồng Luật sư toàn quốc ban hành năm 2019, mà còn vi phạm Luật Đất đai năm 2013, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật Luật sư năm 2012, Luật Công chứng năm 2014.

Kiểm sát viên Lê Văn Cao (Viện KSND tỉnh) bày tỏ quan điểm, việc luật sư ký xác nhận làm chứng theo yêu cầu của người dân đối với đất đai không đủ điều kiện giao dịch theo quy định nhằm thay cho công chứng, chứng thực, tất yếu giao dịch đó không có giá trị pháp lý. Do đó, cần phải bổ sung hành vi này vào các hành vi bị nghiêm cấm theo Điều 9 Luật Luật sư năm 2012, từ đó sẽ không còn tranh luận nữa.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
công ty làm Dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp thuê luật sư tranh chấp đất đai giỏihướng dẫn soạn hợp đồng hợp đồng chuẩn luật sư ly hôn biên hòa