Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ trình Chính phủ ban hành với nhiều nội dung được dư luận quan tâm như: giao tiếp, ứng xử với công dân; sử dụng thời giờ làm việc…
Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ trình Chính phủ ban hành. Với 5 chương, 25 điều, dự thảo này có nhiều quy định được dư luận quan tâm như: giao tiếp, ứng xử với công dân; ứng xử nơi công cộng; sử dụng thời giờ làm việc…
Người dân giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch). Ảnh minh họa: Đ.PHÚ |
Khi dự thảo được Chính phủ thông qua sẽ góp phần xây dựng hình ảnh cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trong và ngoài giờ làm việc đẹp và chỉn chu hơn.
* Chú trọng quy chuẩn ứng xử với dân
Tại Điều 17, Luật Cán bộ, công chức năm 2008 có quy định, cán bộ, công chức phải gần gũi với nhân dân; có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, khiêm tốn; ngôn ngữ giao tiếp phải chuẩn mực, rõ ràng, mạch lạc. Cán bộ, công chức không được hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà cho Nhân dân khi thi hành công vụ.
Còn tại Khoản 5, Điều 17, Luật Viên chức năm 2010 có quy định, khi phục vụ Nhân dân, viên chức phải tuân thủ các quy định sau: có thái độ lịch sự, tôn trọng Nhân dân; có tinh thần hợp tác, tác phong khiêm tốn; không hách dịch, cửa quyền, gây khó khăn, phiền hà đối với Nhân dân; chấp hành các quy định về đạo đức nghề nghiệp.
Ông Phạm Nghĩa, cán bộ hưu trí P.Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cho hay, mặc dù luật quy định như vậy nhưng vẫn có nơi, có chỗ CB-CC-VC chưa thật sự làm tốt những gì được luật quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm, bổn phận của mình đối với Nhân dân. Chính vì có người không làm tốt, không đúng quy định nên không ít người dân cảm thấy chưa hài lòng hoặc có thái độ phản ứng như: khiếu nại, tố cáo.
Ông Nghĩa rất đồng tình với Điều 9, dự thảo Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ quy định về giao tiếp, ứng xử của CB-CC-VC với công dân như: có tác phong, thái độ lịch sự, nghiêm túc, đúng mực; ngôn ngữ giao tiếp rõ ràng, mạch lạc, văn minh, không chửi thề, không nói tiếng lóng, quát, dọa nạt; không có hành vi, lời nói hạch sách, nhũng nhiễu, gây căng thẳng, bức xúc, gợi ý nhằm trục lợi cá nhân.
Cũng tại Điều 9, Dự thảo Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ quy định, CB-CC-VC tận tình giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về quy trình, thủ tục và những thắc mắc, vướng mắc của công dân liên quan đến giải quyết công việc; khiêm tốn, tiếp thu các ý kiến góp ý của công dân; ưu tiên giải quyết công việc đối với người già, yếu, người khuyết tật, đau ốm, phụ nữ mang thai. Chỉ được tiếp công dân tại cơ quan, không hẹn gặp, không tiếp công dân bên ngoài cơ quan, ngoài giờ làm việc, tại nhà riêng…
* Quy định cả cách ứng xử ngoài giờ làm việc, ngoài trụ sở
Dự thảo Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ còn điều chỉnh cách ứng xử của CB-CC-VC ngoài giờ làm việc, ngoài trụ sở cơ quan như: ứng xử trong gia đình (Điều 15), ứng xử nơi cư trú (Điều 16), ứng xử nơi công cộng (Điều 17), ứng xử, giao tiếp qua điện thoại (Điều 18).
Theo đó, CB-CC-VC phải biết nói “không” với việc tổ chức tiệc cưới, ăn hỏi, đám ma, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các công việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi; can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của cơ quan, tổ chức, công dân nơi cư trú; tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức tại nơi cư trú; có lời nói, cử chỉ, hành động gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến hình ảnh CB-CC-VC.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng, việc dự thảo quy định như vậy không chỉ ngăn chặn được các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu của CB-CC-VC có thể xảy ra trong giờ làm việc mà còn điều chỉnh cả mối quan hệ của CB-CC-VC ngoài giờ, ngoài trụ sở làm việc, trong sinh hoạt xã hội, giữ hình ảnh CB-CC-VC đẹp hơn, luôn gương mẫu khi sinh hoạt trong cộng đồng dân cư.
Tại Điều 22 của Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ đã quy định rất rõ, CB-CC-VC có hành vi vi phạm các nội dung của Dự thảo nghị định này, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Phó chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Thanh Sơn cho hay, tại Khoản 1, Điều 6, Nghị định 112/2020/NĐ-CP ngày 18-9-2020 của Chính phủ về xử lý kỷ luật CB-CC-VC chỉ quy định các hành vi bị xử lý kỷ luật đối với CB-CC-VC như: có hành vi vi phạm các quy định về nghĩa vụ của CB-CC-VC; những việc CB-CC-VC không được làm; nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị; vi phạm đạo đức, lối sống hoặc vi phạm pháp luật khác khi thi hành công vụ thì bị xem xét xử lý kỷ luật.
Trong khi Điều 20, Dự thảo Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ nêu rõ hơn các việc CB-CC-VC không được làm liên quan đến việc sử dụng thời giờ làm việc của CB-CC-VC như sau: không đến muộn hoặc về sớm không có lý do chính đáng; không làm việc riêng và tham gia các hoạt động khác không liên quan đến công việc trong giờ làm việc; không chơi các trò chơi, sử dụng các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc; không tụ tập ăn, uống đông người trong giờ làm việc; không quảng cáo thương mại, bán hàng, tiếp thị bán hàng tại nơi làm việc…
“Nếu vi phạm các quy định nêu trên sẽ tạo nên hình ảnh không đẹp, dễ làm người dân bức xúc khi đến giao dịch. Cho nên dự thảo cấm và có biện pháp chế tài khi phát hiện CB-CC-VC lạm dụng thời gian làm việc để làm việc riêng, cụ thể như: bán hàng online, chơi điện tử, xem phim… nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, nề nếp công vụ là hợp lý. Theo tôi quy định càng cụ thể càng dễ thực hiện” - luật gia Nguyễn Thanh Sơn bày tỏ.
Khi thực hiện nhiệm vụ, CB-CC-VC phải hành xử nghiêm túc, đúng mực, lịch thiệp, không được có lời nói, cử chỉ, hành động, trang phục phản cảm theo khoản 1, Điều 6, Dự thảo Nghị định quy định Bộ Quy tắc đạo đức công vụ. |
Đoàn Phú