Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao học sinh, sinh viên không thuộc diện tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình?

07:12, 17/12/2022

Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ với các mức đóng giảm dần theo số lượng thành viên trong gia đình đã và đang thu hút nhiều gia đình tham gia BHYT.

Bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình được Nhà nước hỗ trợ với các mức đóng giảm dần theo số lượng thành viên trong gia đình đã và đang thu hút nhiều gia đình tham gia BHYT.

Tuy nhiên, nhiều người có ý kiến tại sao học sinh, sinh viên (HSSV) không thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình, mà buộc phải tham gia tại trường học với mức đóng cao hơn khi tham gia theo hộ gia đình…

* Người dân thắc mắc và đề xuất

Trong một số cuộc tiếp xúc cử tri vừa qua tại H.Thống Nhất và TP.Biên Hòa, nhiều ý kiến cử tri thắc mắc vì sao HSSV bắt buộc phải tham gia BHYT theo đơn vị trường học, mà không tham gia theo hình thức hộ gia đình…

Bà Nguyễn Thị Lan (ngụ xã Gia Kiệm, H.Thống Nhất) cho biết, nhà bà có 5 người, trong đó có 3 con đang theo học THPT và đại học, nhưng các con bà đều phải tham gia BHYT tại trường học với mức đóng khoảng 563 ngàn đồng/người/năm (dù đã được Nhà nước hỗ trợ 30%). Trong khi đó, nếu 3 con của bà tham gia BHYT hộ gia đình thì được giảm dần với các mức lần lượt là 475,3 ngàn đồng, 392 ngàn đồng và 326 ngàn đồng. Như vậy, 3 con của bà tham gia BHYT tại trường, tổng số tiền mua thẻ BHYT cao hơn khoảng 500 ngàn đồng so với tham gia BHYT theo hộ gia đình.

Theo quy định, học sinh tham gia bảo hiểm y tế theo đơn vị trường học Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Hùng Vương trong giờ học ngoại ngữ
Theo quy định, học sinh tham gia bảo hiểm y tế theo đơn vị trường học. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Hùng Vương trong giờ học ngoại ngữ. Ảnh minh họa: P.Liễu

Tương tự, ông Trần Đình Nghiêm (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cũng cho rằng, BHYT bây giờ rất cần thiết với mọi người. Tuy nhiên, lựa chọn tham gia BHYT theo hình thức nào thì hãy để người dân tự chọn, không nên bắt buộc HSSV phải tham gia BHYT tại trường. Hơn nữa, đối tượng HSSV thường là người trẻ, khỏe, ít ốm đau bệnh tật, hầu như Quỹ BHYT thanh toán chi phí khám chữa bệnh cho đối tượng này cũng rất ít. Phí tham gia BHYT của đối tượng này cũng chủ yếu dùng để chia sẻ và đỡ đần chi phí khám chữa bệnh ở nhóm người già, người nhiều bệnh tật. Do đó, nên để gia đình tự chọn tham gia BHYT cho các em theo hình thức nào thuận tiện và có lợi nhất.

Tương tự, bà Võ Thị Thanh Bình (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho rằng, khi HSSV bắt buộc phải tham gia BHYT tại trường, số lượng thành viên trong gia đình sẽ giảm xuống và không đủ để nhận mức giảm phí tham gia BHYT tốt nhất theo hộ gia đình. Như vậy, việc giảm mức phí lần lượt từ 70%, 60% và 50% được quy định theo hình thức tham gia BHYT hộ gia đình không có ý nghĩa trong nhiều trường hợp. Bởi phần lớn thành viên trong gia đình khi còn nhỏ phải tham gia BHYT bắt buộc tại trường, lớn lên đi làm thì tham gia BHYT bắt buộc tại đơn vị làm việc, số ít người còn lại trong gia đình vẫn phải tham gia BHYT ở mức đóng 100% hoặc giảm nhiều lắm là được ở mức 70%, rất ít khi ở mức 60%, nói chi đến mức giảm 50%.

Do đó, nhiều ý kiến đề xuất cho HSSV hoặc phụ huynh các em được lựa chọn hình thức tham gia BHYT theo ý của mình.

* HSSV bắt buộc phải tham gia BHYT tại trường

Trao đổi với chúng tôi về lý do HSSV phải tham gia BHYT theo đơn vị trường học, không được tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành khẳng định, HSSV thuộc đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT theo quy định của Luật BHYT năm 2008.

Theo ông Thành, Luật BHYT năm 2008 đã quy định lộ trình thực hiện BHYT cho nhóm đối tượng HSSV từ tự nguyện chuyển sang đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Theo đó, bắt đầu từ ngày 1-1-2010, HSSV trở thành nhóm đối tượng có trách nhiệm tham gia BHYT.

Tuy nhiên, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII ngày 13-6-2014, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2015, gọi tắt là Luật BHYT sửa đổi năm 2014) quy định BHYT đối với nhóm HSSV là hình thức bảo hiểm bắt buộc do Nhà nước tổ chức nhằm nâng cao chất lượng y tế cộng đồng, đảm bảo cho người dân được chăm sóc y tế tốt hơn. Trong lộ trình thực hiện BHYT bắt buộc toàn dân, nhóm đối tượng HSSV được đặc biệt quan tâm và tiếp tục được lựa chọn là nhóm đối tượng cần sớm được bao phủ BHYT.

Trả lời những ý kiến về vấn đề HSSV muốn được tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình, ông Phạm Minh Thành cho biết, Khoản 4, Điều 12 Luật BHYT sửa đổi năm 2014 quy định HSSV tham gia BHYT theo nhóm 4 là nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng, trong khi đóng BHYT theo hộ gia đình thuộc nhóm 5. Luật BHYT sửa đổi năm 2014 cũng quy định đối với những đối tượng thuộc đồng thời nhiều nhóm đóng BHYT, thì đóng BHYT theo đối tượng đầu tiên mà người đó được xác định theo thứ tự của các đối tượng quy định tại Điều 12 của Luật BHYT sửa đổi năm 2014.

Theo quy định này, HSSV thuộc đối tượng tham gia BHYT thuộc nhóm thứ 4 thì phải tham gia BHYT tại các cơ sở giáo dục và đào tạo, trừ trường hợp đã tham gia BHYT theo nhóm đối tượng có thẻ ưu tiên (trẻ em dưới 6 tuổi, trẻ khuyết tật) mà không được tham gia BHYT theo hộ gia đình vì hộ gia đình thuộc nhóm 5.

Hiện nay, mức đóng BHYT cho HSSV hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở và được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Thành cho biết thêm, ngoài quy định hỗ trợ chung áp dụng trên toàn quốc thì riêng tại Đồng Nai, một số đối tượng trên địa bàn tỉnh ngoài mức hỗ trợ 30% từ ngân sách trung ương còn được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm từ 20-70% mức đóng. Chẳng hạn như đối tượng HSSV khuyết tật đang được nuôi dưỡng tại các trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật được hỗ trợ 100% mức phí tham gia BHYT; hoặc HSSV thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì được hỗ trợ thêm 50% phí tham gia BHYT.

Phương Liễu

Tin xem nhiều