Báo Đồng Nai điện tử
En

Người nhiễm HIV ngại tham gia bảo hiểm y tế

08:12, 10/12/2022

Hiện nay, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS  đã được đối xử bình đẳng trong công tác chăm sóc sức khỏe như những người bệnh khác. Việc khám và điều trị bệnh, cấp phát thuốc kháng virus ARV hay làm xét nghiệm HIV nay cũng đã được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Hiện nay, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS  đã được đối xử bình đẳng trong công tác chăm sóc sức khỏe như những người bệnh khác. Việc khám và điều trị bệnh, cấp phát thuốc kháng virus ARV hay làm xét nghiệm HIV nay cũng đã được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả.

Người nhiễm HIV nên tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng nhiều quyền lợi về chăm sóc sức khỏe và theo dõi bệnh tật cũng như các dịch vụ tầm soát liên quan đến HIV/AIDS. Trong ảnh: Một người nhiễm HIV đến Khoa Phòng chống HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhận thuốc ARV
Người nhiễm HIV nên tham gia bảo hiểm y tế để được hưởng nhiều quyền lợi về chăm sóc sức khỏe và theo dõi bệnh tật cũng như các dịch vụ tầm soát liên quan đến HIV/AIDS. Trong ảnh: Một người nhiễm HIV đến Khoa Phòng chống HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) nhận thuốc ARV. Ảnh: P.Liễu

Thực tế, BHYT gánh đỡ rất nhiều chi phí khám, chữa bệnh cũng như tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS, nhưng vẫn còn nhiều người nhiễm không tham gia BHYT hoặc tham gia BHYT ở nơi khác… vì ngại “lộ” thông tin cá nhân.

* Lo bị tiết lộ thông tin nhiễm HIV

Hiện nay, chi phí mua thuốc kháng virus ARV hằng tháng, cũng như viện phí điều trị các bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS là không nhỏ. Tuy nhiên, việc cấp thuốc ARV để duy trì sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cũng như điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV đã được Quỹ BHYT chi trả phần lớn. Lợi ích là thế nhưng nhiều người nhiễm HIV vẫn không muốn tham gia BHYT, vì sợ phải tiết lộ thông tin bệnh của mình.

 Lo ngại bị kỳ thị, phân biệt đối xử tại các cơ sở khám chữa bệnh nên nhiều người nhiễm HIV không muốn đến khám, chữa bệnh cũng như cung cấp thông tin để tham gia BHYT. Đặc biệt, một số bệnh nhân tuy có thẻ BHYT nhưng sẵn sàng bỏ tiền túi ra khám, chữa bệnh hoặc đi khám dịch vụ để giấu tình trạng bệnh của mình.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tính đến tháng 10-2022, toàn tỉnh có hơn 8,3 ngàn người nhiễm HIV, gần 3 ngàn người đã tử vong và hơn 5,9 ngàn người nhiễm đang được quản lý, trong đó có 1,2 ngàn người nhiễm HIV của Đồng Nai đang điều trị tại TP.HCM.

Là một kỹ sư xây dựng, 4 năm qua, anh N.T.M.Q. (ngụ TP.Biên Hòa) - tên nhân vật đã được đổi theo yêu cầu - sống chung với HIV chỉ sau một lần nhậu say rồi đi “tăng 3” vui vẻ cùng bạn bè. Dù biết tham gia BHYT sẽ đỡ được nhiều chi phí khi điều trị bằng thuốc kháng virus ARV, nhưng anh Q. vẫn không muốn lộ diện trong mỗi lần đi khám bệnh, lấy thuốc. Điều kiện kinh tế khá giả, hằng tháng anh Q. tự ra tiệm mua thuốc ARV về uống. Anh cho biết, mỗi tháng chi phí mua thuốc ARV khoảng 900 ngàn đồng.

Anh Q. cho rằng: “Tham gia BHYT, vấn đề tôi ngại nhất là phải đăng ký, khai báo thông tin cá nhân, công khai tình trạng bệnh khi tham gia khám chữa bệnh BHYT. Vì công việc, tôi không thể để mọi người biết tôi là người nhiễm HIV. Nếu cơ quan BHXH không bảo đảm bí mật thông tin bệnh nhân, tôi sẽ không tham gia BHYT”.

Cũng chính vì tâm lý e ngại lộ thông tin căn bệnh nhạy cảm nên có tình trạng bệnh nhân ở Đồng Nai sang tỉnh Bình Dương hoặc TP.HCM điều trị. Một thực tế hiện nay, 4 cơ sở y tế của Đồng Nai có nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS cũng đang tiếp nhận khám, điều trị và cấp thuốc ARV cho nhiều bệnh nhân HIV/AIDS ở các tỉnh, thành khác đến.

Chẳng hạn, trường hợp của chị T.T.P.O. (ngụ TP.Biên Hòa) bị nhiễm HIV từ chồng tiêm chích ma túy. Vì đang kinh doanh mỹ phẩm nên chị không muốn ai biết mình bị nhiễm HIV nên đã đăng ký nhận thuốc ARV định kỳ ở Trung tâm Y tế TP.Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Chị O. cho hay, đi qua đó nhận thuốc và khám bệnh tuy có vất vả nhưng không ai biết mình là ai, bệnh gì nên cũng bớt ngại.

* Người nhiễm HIV cần yên tâm tham gia BHYT

Theo TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (Sở Y tế), khi đã nhiễm HIV, nhất là khi người bệnh đã chuyển sang giai đoạn AIDS, sức đề kháng rất kém, vì thế người bệnh có nguy cơ nhiễm bệnh nhiều và nặng hơn người khác. Chưa kể thuốc kháng virus ARV là thuốc đặc trị nên giá khá đắt, phải điều trị liên tục và suốt đời; nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV rất khó có đủ khả năng chi trả chi phí điều trị lâu dài.

Cũng theo TS-BS Trần Minh Hòa, từ năm 2019, thuốc ARV được cấp phát và được Quỹ BHYT chi trả. Cho nên, người nhiễm HIV/AIDS cần tham gia BHYT để được hỗ trợ điều trị ARV. Bởi khi tham gia BHYT, bệnh nhân sẽ được cung cấp thuốc ARV định kỳ theo chỉ định chuyên môn và theo dõi tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS khi tham gia BHYT sẽ được hưởng nhiều lợi ích trong việc tiếp cận với các dịch vụ y tế như: khám chữa bệnh, làm xét nghiệm HIV, mua thuốc ARV, điều trị dự phòng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai, điều trị dự phòng nhiễm trùng cơ hội…

Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26-10-2018 của Bộ Y tế về hướng dẫn thực hiện BHYT và khám bệnh, chữa bệnh liên quan đến HIV/AIDS quy định: trẻ em dưới 6 tuổi nhiễm HIV, người nhiễm HIV là người nghèo, người dân tộc thiểu số được BHYT chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh; người cận nghèo, người đã nghỉ hưu được chi trả mức 95% và các đối tượng nhiễm HIV khác là 80%. Như vậy, người nhiễm HIV chỉ phải chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề người nhiễm HIV ngại tham gia BHYT vì sợ lộ thông tin, Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, người nhiễm HIV yên tâm tham gia BHYT, vì hiện nay thông tin ghi trên thẻ BHYT không có ký hiệu nào thể hiện việc người tham gia BHYT bị nhiễm HIV/AIDS, do đó thông tin cá nhân của người nhiễm HIV không thể bị lộ trong quá trình cấp thẻ BHYT. Trong tờ khai tham gia BHYT cũng không có nội dung về việc người tham gia BHYT có hay không nhiễm HIV, nên khi người tham gia BHYT nhiễm HIV làm thủ tục đăng ký tham gia BHYT đừng ngại kê khai đầy đủ địa chỉ nơi mình sinh sống. Bởi quy định của Luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) sửa đổi, bổ sung năm 2020 nghiêm cấm việc tiết lộ cho người khác biết việc một người nhiễm HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó. Cá nhân hay tập thể có hành vi tiết lộ thông tin cá nhân của người nhiễm HIV thì người đó phải chịu trách nhiệm và bị phạt từ 10-15 triệu đồng cùng một số biện pháp kèm theo.

Hiện việc cấp phát thuốc ARV và chi phí điều trị bệnh cho người nhiễm HIV/AIDS đã được Quỹ BHYT chi trả. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở có chức năng khám, chữa bệnh cho bệnh nhân HIV/AIDS gồm: Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Phòng khám Đa khoa thuộc Trung tâm Y tế H.Long Thành (H.Long Thành), Phòng khám điều trị HIV/AIDS thuộc Trung tâm Y tế TP.Long Khánh và Phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS (thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Theo thông tin từ BHXH tỉnh, trong 11 tháng của năm 2022, BHXH tỉnh đã chi đến 5,1 tỷ đồng cho hoạt động khám, chữa bệnh và cấp thuốc ARV cho người nhiễm HIV tại 4 cơ sở điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Ông Phạm Minh Thành cho biết thêm, để tạo điều kiện thuận lợi cho người nhiễm HIV tham gia BHYT, đặc biệt trong việc bảo mật thông tin cá nhân, BHXH Việt Nam đã xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV từ nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV, tiến tới 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT để được chăm sóc sức khỏe và điều trị. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế tăng cường truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị bằng ARV về tầm quan trọng của BHYT. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng, cũng như hưởng thụ chính sách an sinh xã hội từ Quỹ BHYT, người nhiễm HIV cần tham gia BHYT.      

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích