Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Đồng Nai đã tiếp nhận một số trường hợp bị rắn cắn. Điều đáng nói, đã có những trường hợp tử vong hoặc phải tháo khớp vì hoại tử bởi chủ quan không đến bệnh viện hoặc dùng các phương pháp chữa rắn cắn dân gian không có cơ sở khoa học.
Thời gian gần đây, các bệnh viện trên địa bàn Đồng Nai đã tiếp nhận một số trường hợp bị rắn cắn. Điều đáng nói, đã có những trường hợp tử vong hoặc phải tháo khớp vì hoại tử bởi chủ quan không đến bệnh viện hoặc dùng các phương pháp chữa rắn cắn dân gian không có cơ sở khoa học.
Sức khỏe của cháu N.P.N.K. đã ổn định nhưng vẫn đang được theo dõi nhiễm trùng tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai sau khi bị rắn hổ mèo cắn. Ảnh: P.Liễu |
Theo các chuyên gia y tế, người dân nên tìm hiểu cách sơ cứu sau khi bị rắn cắn và đến ngay bệnh viện để được xử lý kịp thời, tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
* Nhiều trường hợp bị rắn cắn nguy hiểm
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất và Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, mỗi năm mỗi bệnh viện tiếp nhận từ 40-50 trường hợp bị rắn cắn. Trong đó, có những ca tử vong do đến bệnh viện quá trễ và cũng từng có ca phải tháo khớp chân do bị hoại tử vì đắp thuốc gây nhiễm trùng nặng.
Sau 5 ngày điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai do bị rắn hổ mèo cắn, em N.P.N.K. (11 tuổi, ngụ TT.Vĩnh An, H.Vĩnh cửu) đã ổn định sức khỏe. Tuy nhiên, em vẫn được lưu lại theo dõi về tình trạng hoại tử của vết thương.
Trước đó, ngày 19-12, K. đi học về, khi xuống bếp lấy cơm ăn thì bỗng nhiên một con rắn khá to ở góc nhà cắn vào chân phải, vết cắn nhói đau và máu chảy rất nhiều.
Bà Phạm Thị Lan Hương, mẹ bé K. vội rửa vết thương rồi đưa con đi bệnh viện. Được cấp cứu kịp thời nên K. chưa bị biến chứng nguy hiểm đến thận. Tuy nhiên, nọc của rắn hổ mèo rất độc nên gây hoại tử nhanh chóng phần mô mềm nơi vết cắn khiến các bác sĩ phải điều trị chống nhiễm trùng tích cực.
Dù đã được ngành Y tế khuyến cáo, khi bị rắn cắn nên đến bệnh viện để được xem xét, điều trị kịp thời. Tuy vậy, vẫn có những người chủ quan để rồi phải trả giá bằng cả sinh mạng. Một trong những trường hợp đó là bệnh nhân T.V.C., 55 tuổi (ngụ xã Phú Hội. H.Nhơn Trạch) đã tử vong vào giữa tháng 7-2022 sau khi bị rắn hổ mang chúa cắn.
Thông tin từ gia đình ông C. cho hay, ngày 10-7-2022 khi nghe hàng xóm hô hoán có rắn bò vào nhà bắt gà, ông C. cùng con trai chạy sang giúp hàng xóm vây bắt con rắn. Khi rắn chui vào hang, ông C. dùng tay không để bắt và bịt đầu rắn bằng một chiếc bao bố. Tuy nhiên, con rắn đã cắn thủng bao bố và găm răng vào tay trái của ông C. Tưởng đây chỉ là rắn hổ vện không độc nên ông C. chỉ băng bó tại nhà mà không đến bệnh viện.
Song, không ngờ con rắn dài 2m, nặng 3kg mà ông bắt được là rắn hổ mang chúa. Loại này có nọc cực độc nên chỉ 2 ngày sau khi bị rắn cắn, cánh tay ông C. thâm tím có dấu hiệu hoại tử, gia đình lo lắng đưa ông thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu. Mặc dù đã được các bác sĩ tiến hành lọc máu liên tục để giải độc nhưng nọc độc của rắn đã di căn khiến thận không thể phục hồi, dẫn đến tử vong.
* Bị rắn cắn, nên đến bệnh viện ngay
Có đến 24 năm công tác tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai và cũng là người trực tiếp điều trị cho hàng trăm trẻ bị rắn cắn, BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc bệnh viện cho biết, người lớn hay trẻ em khi bị rắn cắn, dù chưa biết rắn độc hay không đều nên đến bệnh viện ngay. Bởi không đến bệnh viện kịp thời, tính mạng và sức khỏe sẽ bị đe dọa, nếu một khi bị rắn độc cắn.
Qua kinh nghiệm điều trị các trường hợp bị rắn cắn, căn cứ vào vết cắn và các triệu chứng của bệnh nhân, BS Nghĩa cho hay, có thể biết được rắn nhóm nào cắn, có độc hay không. Vết cắn của rắn độc thường để lại 2 dấu răng, còn rắn không độc thì để dấu nguyên hàm. Các triệu chứng khi bị rắn độc cắn: đau rát dữ dội tại chỗ cắn, có cảm giác ngứa, tê và sưng tấy sau một vài giờ. Nếu lúc này không đến bệnh viện, người bị rắn cắn có thể chuyển sang tình trạng bỏng rát dữ dội, chóng mặt, ngất xỉu, sốc, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim và phù phổi… Nặng hơn có thể bị liệt toàn thân, đau cơ, cứng hàm, suy thận cấp nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh phải chịu các biến chứng lâu dài như: phải cắt cụt chi, suy thận mãn, suy giảm thần kinh mãn tính.
Theo BS Nghĩa, đề phòng rắn cắn bằng việc phát quang các bụi rậm, cây cỏ quanh nhà. Còn khi đã bị rắn cắn nên làm sạch vết thương bằng xà bông và nước muối sinh lý, dùng gạc sạch băng kín vùng bị rắn cắn và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất. Tuyệt đối không được dùng các loại lá, hóa chất đắp lên vết rắn cắn.
Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF), Việt Nam có khoảng 200 loài rắn sinh sống, trong đó có 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc 2 họ rắn lục và rắn hổ. Chỉ riêng tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tiếp nhân từ 3-5 bệnh nhân bị rắn cắn. |
Phương Liễu