Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ

08:12, 27/12/2022

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) được bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2023) được bổ sung nhiều quy định mới so với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005.

Khi bản quốc ca Việt Nam vang lên thì tiếng bị tắt trên một số kênh YouTube tiếp sóng trận đấu giữa Việt Nam và Saudi Arabia tại vòng loại World Cup 2022 tối 16-11 vì lý do bản quyền. Nguồn: internet
Khi bản quốc ca Việt Nam vang lên thì tiếng bị tắt trên một số kênh YouTube tiếp sóng trận đấu giữa Việt Nam và Saudi Arabia tại vòng loại World Cup 2022 tối 16-11 vì lý do bản quyền. Nguồn: internet

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu bày tỏ, việc sửa đổi, bổ sung trên nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và giải quyết các vấn đề còn bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sau 17 năm thi hành.

* Không được ngăn chặn, cản trở phổ biến quốc ca

Kênh YouTube của FPT đã không thể bật được chế độ kiếm tiền trận Việt Nam - Saudi Arabia tối 16-11 tại vòng loại World Cup 2022. Bởi vì, nhà tổ chức dùng bản ghi Tiến quân ca do hãng đĩa Marco Polo sản xuất. Được biết, không chỉ quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng mà doanh nghiệp này cũng cẩn thận cắt luôn quốc ca các nước khác trên kênh YouTube của họ để không bị xác nhận bản quyền âm nhạc. Sự cố này khiến nhiều người cảm thấy khó hiểu, bức xúc. Sự việc cũng thể hiện công tác bản quyền ở Việt Nam còn nhiều bất cập và chưa được quan tâm đúng mức.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi. Do đó, bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó buộc phải xin phép nhà sản xuất.

Tại Điều 3, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 quy định, luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023, trừ trường hợp quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022 (trước ngày luật được ban hành); Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2024.

Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 sẽ khắc phục được một số tồn tại, hạn chế của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Một trong những điểm mới nổi bật của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 là quy định không được ngăn chặn, cản trở phổ biến quốc ca Việt Nam.

Tại Khoản 2, Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã sửa đổi, bổ sung Khoản 2, Điều 7, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 như sau: Việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quốc kỳ, quốc huy, quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng quốc kỳ, quốc huy, quốc ca.

Như vậy, theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022, mọi tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng quốc ca của bất cứ hãng đĩa nào ghi. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng. Điều này đồng nghĩa với việc Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 không bảo hộ sở hữu trí tuệ đối với cá nhân, tổ chức bỏ tiền, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi quốc ca. Hay nói cách khác, cá nhân, tổ chức được quyền sử dụng bản ghi quốc ca của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà không bị ngăn cấm, xin phép, bắt buộc phải trả phí.

Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 21, Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 (sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 73 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005) quy định, các dấu hiệu sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa nhãn hiệu: dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với quốc kỳ, quốc huy, quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca…

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu bày tỏ, sự cố trên không cần chờ tới ngày 1-1-2023 khi Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có hiệu lực, mà nó đã được khắc phục sớm kể từ ngày 14-1-2022. Bởi Khoản 2, Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14-1-2022.

* Những quy định hoàn toàn mới

Cũng theo Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có rất nhiều quy định hoàn toàn mới so với Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005. Chẳng hạn như thuật ngữ: tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận bút, tiền thù lao.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng quy định biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan. Truyền đạt đến công chúng là việc truyền đến công chúng tác phẩm; âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn; âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện của âm thanh, hình ảnh được định hình trong bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện nào ngoài phát sóng….

Hay như quy định về tác giả, đồng tác giả, tại Khoản 4, Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 có quy định, tác giả là người trực tiếp sáng tạo tác phẩm. Trường hợp có từ 2 người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó là các đồng tác giả. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là tác giả, đồng tác giả. Việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần riêng biệt có thể tách ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác…

Đáng chú ý, tại Khoản 7, Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 còn có quy định thêm các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật mà Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 chưa quy định như: người khuyết tật, người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật được quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm.

Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 cũng quy định, người khuyết tật hoặc người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật hoặc tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ có quyền nhập khẩu bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tác phẩm từ tổ chức tương ứng theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên vì lợi ích của người khuyết tật mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả…

  Đoàn Phú

Tin xem nhiều