Báo Đồng Nai điện tử
En

Công ty đóng cửa, nợ lương: Người lao động có được nộp đơn mở thủ tục phá sản?

07:12, 14/12/2022

Tình trạng công ty đột ngột đóng cửa, chủ bỏ trốn, không liên lạc được xảy ra trên địa bàn Đồng Nai không nhiều. Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra, để giải quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ), không đơn giản.

Tình trạng công ty đột ngột đóng cửa, chủ bỏ trốn, không liên lạc được xảy ra trên địa bàn Đồng Nai không nhiều. Tuy nhiên, khi vụ việc xảy ra, để giải quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động (NLĐ), không đơn giản.

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) giải đáp thắc mắc cho 15 lao động. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (Liên đoàn Lao động tỉnh) giải đáp thắc mắc cho 15 lao động. Ảnh: Đ.Phú

* Cần có biện pháp ngăn ngừa

Nhiều công nhân Công ty TNHH May mặc M.G. (đóng tại KP.6, P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, rất đồng tình với nội dung trong bài báo Tăng cường bảo vệ quyền lợi NLĐ đăng trên Báo Đồng Nai ngày
13-12.

Những ngày qua, hơn 15 lao động của Công ty TNHH May mặc M.G. như ngồi trên lửa khi doanh nghiệp (DN) nơi họ làm việc đóng cửa, không liên lạc được với chủ DN. Họ không chỉ mất việc làm mà các chế độ chính sách khác không biết đến bao giờ mới được thụ hưởng. Hiện công ty nợ 2,5 tháng lương (lương tháng 8 và tháng 11, 1/2 lương tháng 10); nợ 2 tháng bảo hiểm xã hội (tháng 10 và tháng 11).

“Hiện công nhân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn về chi phí nhà trọ, sinh hoạt cá nhân và gia đình. Cơ quan có thẩm quyền cần phối hợp tìm giải pháp nhằm giúp đỡ, tháo gỡ được phần nào khó khăn mà công nhân chúng tôi đang gặp phải”-  chị Thu Hà (công nhân Công ty TNHH May mặc M.G.) cho biết.

Trước đây, vào tháng 2-2018, vụ việc công ty nợ lương công nhân, chủ bỏ trốn từng xảy ra tại Công ty Texwell Vina (Khu công nghiệp Bàu Xéo, H.Trảng Bom). Trên 1.900 công nhân đang làm việc tại công ty này đột ngột mất việc, với số tiền lương bị nợ gần 13,7 tỷ đồng. Chính quyền địa phương khi đó đã kịp thời vào cuộc hỗ trợ lao động có tiền về quê đón Tết cùng gia đình.

Do đó, nhiều công nhân Công ty TNHH May mặc M.G. kiến nghị các ngành chức năng tăng cường phối hợp có biện pháp hỗ trợ tạm thời cho NLĐ vượt qua khó khăn trong giai đoạn cận Tết để trang trải cuộc sống trong thời gian tìm việc mới; hỗ trợ tiền về quê đón Tết cùng gia đình.

Về lâu về dài, nhiều NLĐ cho rằng, Liên đoàn Lao động tỉnh và các ngành chức năng cần có biện pháp ngăn ngừa tình trạng công ty đóng cửa, chủ bỏ trốn. Theo đó, cần tăng cường giám sát tình hình chấp hành các quy định pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động năm 2019, các quy định pháp luật về tổ chức Công đoàn cơ sở; đặc biệt ở các DN nợ lương, nợ BHXH kéo dài; tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động, trong đó có biện pháp xử lý theo đúng quy định pháp luật khi DN xảy ra nợ lương, nợ BHXH kéo dài hoặc không thực hiện đúng các quy định pháp luật về lao động…

* Khi nào nộp đơn mở thủ tục phá sản?

Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Công đoàn (thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, vụ việc Công ty TNHH May mặc M.G. đang được các ngành chức năng vào cuộc tìm cách giải quyết, bảo vệ quyền lợi cho NLĐ.

Về góc độ pháp lý, theo luật sư Vũ Ngọc Hà, do các công nhân trên bị đột ngột ngưng việc, nghỉ việc không đúng theo trình tự quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013, Luật BHXH năm 2014, Luật Phá sản năm 2014 nên gặp rất nhiều bất lợi.

Chẳng hạn, do DN chưa tuyên bố phá sản, chưa được tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản nên việc giải quyết các chế độ như: khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, bảo hiểm y tế đối với NLĐ, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết chưa thể thực hiện được. Do đó, NLĐ phải chờ tới khi tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản, thực hiện xong thủ tục phá sản, định giá, bán tài sản… Các thủ tục này cần rất nhiều thời gian và tài sản còn lại của DN khi bán đấu giá, sau khi trừ chi phí phá sản phải còn dư thì mới tiến hành chi trả các khoản về nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH… cho NLĐ được.

Cũng theo luật sư Vũ Ngọc Hà, để bảo vệ quyền lợi cho mình khi chủ DN bỏ trốn, không chủ động tuyên bố phá sản thì NLĐ vẫn được quyền nộp đơn mở thủ tục phá sản nếu đáp ứng Khoản 2, Điều 5 Luật Phá sản năm 2014. Nghĩa là hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với NLĐ mà DN không thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì họ mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Do đó, trước tình thế này, các lao động nói trên nhanh chóng liên hệ với cơ quan BHXH nơi DN đăng ký đóng BHXH cho họ để được hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị xác nhận thời gian đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp để chốt sổ và tiến hành làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.

“Cuối năm, NLĐ mất việc làm, tạm hoãn hợp đồng lao động, giảm giờ làm hoặc trường hợp mất việc làm khi DN đóng cửa, chủ DN không liên lạc được gây nhiều khó khăn. Chính vì vậy, với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ làm hết khả năng trong việc hỗ trợ pháp lý cho NLĐ để đòi quyền lợi và đề xuất với lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh xem xét, hỗ trợ” - luật sư Vũ Ngọc Hà bày tỏ.

 Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Hướng dẫn tìm việc tại VietnamWorks