Việc người dân hiến tặng đất cho chính quyền địa phương để làm đường giao thông nông thôn, phúc lợi xã hội luôn là nghĩa cử tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thắc mắc khi hiến tặng đất cho địa phương làm đường thì dễ, còn tặng cho người khác lại khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.
Việc người dân hiến tặng đất cho chính quyền địa phương để làm đường giao thông nông thôn, phúc lợi xã hội luôn là nghĩa cử tốt đẹp. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thắc mắc khi hiến tặng đất cho địa phương làm đường thì dễ, còn tặng cho người khác lại khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều.
Ảnh có tính chất minh họa: Các luật sư thuộc Đoàn Luật sư Đồng Nai (phải) tư vấn cho người dân xã Núi Tượng (H.Tân Phú) chính sách pháp luật về đất đai hiện hành. Ảnh: K.Liễu |
* Hiến tặng đều tuân thủ pháp luật
Để triển khai các công trình giao thông nông thôn, nhiều địa phương, ban điều hành ấp, khu phố vận động các hộ dân có đất dọc hai bên tuyến đường hiến đất để mở rộng đường. Chủ trương này nhanh chóng được đại đa số người dân đồng thuận khi họ hy sinh một phần diện tích đất của gia đình để đổi lại xã hội, cộng đồng dân cư và ngay cả chính bản thân mình có được con đường rộng, đẹp để đi lại.
Ông V.A.C. (ngụ ấp Suối Đục, xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) từng hiến 200m2 đất rẫy để địa phương mở tuyến đường tổ 2, ấp Suối Đục cho biết, thủ tục hiến tặng đất cho chính quyền mở đường rất đơn giản, chỉ cần người có đất hiến tặng ký các giấy tờ xác nhận hiến tặng theo đề nghị của chính quyền địa phương là xong, nhất là việc điều chỉnh lại diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) khi hiến tặng đất được địa phương hỗ trợ về vật chất lẫn thủ tục.
“Hiến đất và thu hồi đất là 2 khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hiến tặng là hành vi pháp lý đơn phương, hoàn toàn tự nguyện của người có quyền sử dụng đất. Còn thu hồi đất là quy định bắt buộc, người bị thu hồi đất phải tuân thủ, không thực thi thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định pháp luật” - luật sư ĐỖ VĂN GỌN (Hội Luật gia tỉnh) lưu ý. |
Tuy nhiên, ông C. cũng như nhiều người dân hiến đất khác vẫn còn thắc mắc, cũng là tặng cho QSDĐ nhưng tặng cho đất với chính quyền, cộng đồng để mở đường, làm trụ sở văn phòng ấp thì loại đất gì, nhiều hay ít đều được; còn tặng cho con cháu, người thân thì phải đảm bảo quy định về diện tích tối thiểu, đúng đối tượng, quy định.
Thắc mắc này được luật sư Đỗ Văn Gọn (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, khi người dân hiến tặng đất đang sử dụng là loại đất có mục đích sử dụng gồm: đất ở, đất trồng lúa, cây lâu năm, ngắn ngày, nuôi trồng thủy sản… cho địa phương làm đường giao thông thì đất này đã được địa phương đưa vào kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất hằng năm là loại đất phi nông nghiệp để quản lý. Vậy nên thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất đó do chính quyền địa phương thực hiện, chứ không phải do người hiến tặng đất thực hiện.
Riêng người dân tặng cho con cháu QSDĐ thì việc này do người dân thực hiện. Đồng thời, việc tặng cho đó phải tuân thủ đúng các quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn. Cụ thể, phải tuân thủ về điều kiện tách thửa, tình trạng thửa đất đang sử dụng (có tranh chấp hay không, thuộc loại đất gì, ở khu vực nào), đối tượng nhận tặng cho là ai…
“Do 2 đối tượng tặng cho đất đai khác nhau nên việc ràng buộc về thủ tục, quy định của Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn cũng khác nhau” - luật sư Đỗ Văn Gọn nói thêm.
* Hiến tặng là tự nguyện
Việc Nhà nước, chính quyền địa phương triển khai các chương trình xây dựng giao thông nông thôn thời gian qua thật sự tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc vận chuyển nông sản, hàng hóa, đi lại. Tuy vậy, vẫn còn không ít người dân chưa hiểu việc hiến đất để địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn khác với việc địa phương thực hiện thu hồi đất để mở đường nên trong lòng vẫn còn thắc mắc.
Ông Phạm Năm (ngụ xã Suối Nho, H.Định Quán), bà Kiều Thị Lựu (ngụ xã Núi Tượng, H.Tân Phú) đặt vấn đề, khi địa phương có chủ trương mở đường giao thông qua rẫy của gia đình ông, bà và nhiều người khác, trường hợp người dân không tự nguyện hiến đất thì bị cưỡng chế, như vậy là đúng hay sai?
Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, Khoản 4, Điều 146 Luật Đất đai năm 2013 có quy định cộng đồng dân cư xây dựng, chỉnh trang các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước hỗ trợ thì việc tự nguyện góp quyền sử dụng đất, bồi thường hoặc hỗ trợ do cộng đồng dân cư và người sử dụng đất đó thỏa thuận. Chính vì vậy, người dân cần phải hiểu đúng rằng việc hiến đất không phải là trường hợp ép buộc, không có yếu tố cưỡng chế mà là sự tự nguyện.
Cũng theo luật gia Phan Văn Châu, để công khai, minh bạch trong việc hiến tặng đất cho cộng đồng dân cư, địa phương mở đường, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT của Bộ TN-MT ngày 30-6-2021 sửa đổi bổ sung một số điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có quy định, trường hợp người sử dụng đất tặng cho một phần diện tích của thửa đất trên giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp cho một thửa đất để làm đường giao thông, thủy lợi hoặc công trình công cộng khác thì giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp được ghi đã tặng cho đất để làm đường giao thông hoặc công trình công cộng khác và diện tích còn lại là bao nhiêu.
Trường hợp người sử dụng đất tặng cho toàn bộ thửa đất thì giấy chứng nhận QSDĐ đã cấp được ghi đã tặng cho toàn bộ thửa đất để làm đường giao thông hoặc công trình công cộng khác.
“Pháp luật quy định hướng dẫn như vậy để việc hiến tặng đất được rạch ròi, công khai, tuân thủ pháp luật. Đồng thời, địa phương có cơ sở ghi nhận, tôn vinh nghĩa cử của người hiến đất trong việc mở đường trong xây dựng nông thôn mới” - luật gia Phan Văn Châu bày tỏ.
Đoàn Phú