Còn chưa tới 2 tháng nữa là sổ hộ khẩu, tạm trú không còn giá trị sử dụng theo Luật Cư trú năm 2020. Để người dân không gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các giao dịch hành chính có liên quan đến nơi cư trú, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang gấp rút đẩy nhanh kết nối Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.
Còn chưa tới 2 tháng nữa là sổ hộ khẩu, tạm trú không còn giá trị sử dụng theo Luật Cư trú năm 2020. Để người dân không gặp khó khăn, vướng mắc khi thực hiện các giao dịch hành chính có liên quan đến nơi cư trú, các cơ quan chức năng trong tỉnh đang gấp rút đẩy nhanh kết nối Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư.
Công an H.Vĩnh Cửu đến tận nhà làm căn cước công dân cho một người dân đi lại khó khăn ở TT.Vĩnh An. Ảnh: K.Liễu |
Công việc kết nối CSDL sẽ hoàn thành theo kế hoạch đề ra là trước ngày 30-12-2022 nếu như các sở, ngành có thể khắc phục được các khó khăn, vướng mắc hiện nay.
* Nhiều khó khăn, vướng mắc
Hiện các cơ quan chức năng trong tỉnh đang gấp rút rà soát lại các thủ tục, làm “sạch” dữ liệu và đẩy nhanh kết nối CSDL quốc gia về dân cư. Một số sở, ngành đã hoàn thành kết nối CSDL. Cụ thể như, khi liên hệ giải quyết công việc liên quan đến các thủ tục hành chính tại cơ quan công an, Sở LĐ-TBXH và Sở Nội vụ, người dân không phải xuất trình sổ hổ khẩu mà chỉ cần xuất trình thẻ CCCD.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số sở, ngành yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính. Trong đó, Sở Tư pháp đã số hóa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 hơn 1,7 triệu dữ liệu hộ tịch nhưng vẫn còn 17 thủ tục yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu khi giải quyết thủ tục hành chính. Ở lĩnh vực đất đai, Sở TN-MT đã làm sạch hơn 1 triệu dữ liệu về đất đai liên quan đến thay đổi dữ liệu cư trú công dân, hiện vẫn còn 15 thủ tục; các lĩnh vực y tế có 6 thủ tục, thuế có 2 thủ tục… còn yêu cầu người dân phải xuất trình sổ hộ khẩu.
Theo cơ quan chức năng, nguyên nhân là chờ hướng dẫn của các cơ quan ngành dọc, bộ, ngành từ Trung ương điều chỉnh một số thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, do mô hình kết nối hệ thống trục liên thông dữ liệu, xác thực bảo mật, dịch vụ công và một cửa điện tử còn tồn tại những yếu tố mất an ninh an toàn nên chưa thể kết nối.
Mới đây, tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh (đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025 tầm nhìn đến năm 2030), đại diện Sở GT-VT cho biết, chưa thực hiện được thủ tục hành chính đổi giấy phép lái xe trên dịch vụ công mức độ 4 do Bộ Y tế chưa hoàn thiện phần mềm kết nối dữ liệu khám sức khỏe điện tử cho người lái xe kết nối với CSDL quốc gia về dân cư.
Tương tự, đại diện Sở TN-MT cũng cho rằng, do kết nối CSDL về đất đai với CSDL quốc gia về dân cư chưa thực hiện được, dẫn đến chưa triển khai thực hiện dịch vụ công thiết yếu đối với thủ tục: đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất do thay đổi thông tin người được cấp giấy chứng nhận (đổi tên hoặc giấy tờ pháp nhân, giấy tờ nhân thân, địa chỉ)…
* Để việc kết nối CSDL quốc gia nhanh hơn
Để giải quyết tồn tại, vướng mắc nêu trên, Sở TN-MT đề nghị Công an tỉnh phối hợp Sở TT-TT có hướng dẫn cụ thể, cấp tài khoản thực hiện tích hợp và thống nhất phương án kết nối, liên thông giữa CSDL đất đai với CSDL quốc gia về dân cư. Đồng thời, sớm hoàn thành việc nâng cấp phần mềm, phần cứng đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin đảm bảo cho việc kết nối các CSDL.
Sở LĐ-TBXH kiến nghị Bộ LĐ-TBXH có định hướng, hướng dẫn trong xây dựng một phần mềm quản lý dữ liệu chuyên ngành thống nhất từ Trung ương đến địa phương để sử dụng; hoặc chỉ đạo, hướng dẫn địa phương xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chuyên ngành, hạn chế việc cùng một lúc xây dựng nhiều phần mềm theo lĩnh vực công tác (lĩnh vực bảo trợ xã hội có phần mềm MISPosaSoft, lĩnh vực trẻ em có phần mềm quản lý trẻ em, người có công và các lĩnh vực khác...) tạo thuận lợi cho địa phương, đặc biệt là cán bộ cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện, cập nhật, quản lý dữ liệu ngành.
Riêng Sở TT-TT kiến nghị Bộ Công an, đối với nội dung “xác thực tài khoản người dùng” xác thực tách riêng theo đối tượng tài khoản. Cụ thể, không thực hiện xác thực đối với tài khoản của người sử dụng là cán bộ, công chức trên phần mềm một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh (vì các tài khoản này được khởi tạo và quản lý theo thông tin cán bộ, công chức của cơ quan, địa phương công tác); chỉ thực hiện xác thực đối với tài khoản người sử dụng là người dân, doanh nghiệp (lý do tài khoản người dân, doanh nghiệp tự thực hiện đăng ký và quản lý thông tin cá nhân đã đăng ký để thực hiện các thủ tục hành chính)…
Để đẩy nhanh tiến độ kết nối CSDL quốc gia, tại buổi làm việc với các cơ quan liên quan nhằm rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án 06 diễn ra vào ngày 21-10, lãnh đạo tỉnh đề nghị các sở, ngành, đơn vị chủ động thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch phân công; báo cáo khi phát sinh các khó khăn, vướng mắc để tỉnh chỉ đạo giải quyết cũng như kiến nghị trung ương kịp thời…
Đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh, Bộ Công an phối hợp với Sở TT-TT đã xác định được những lỗ hổng bảo mật, nhu cầu đầu tư về phần mềm và thiết bị điện tử. Hiện chờ Sở TT-TT thực hiện xong các giải pháp về nâng cấp bổ sung phần mềm, phần cứng, nâng cấp hệ thống đảm bảo an ninh, an toàn để cơ quan chức năng đánh giá đảm bảo an ninh, an toàn để kịp kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và CSDL quốc gia về dân cư trước ngày 31-12-2022 phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khi không còn giá trị sử dụng. |
Kim Liễu