Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần quản lý chặt rác thải điện tử

06:11, 17/11/2022

Ngày 15-11, Đồn Công an Khu công nghiệp Biên Hòa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa tiến hành lập hồ sơ xử lý vụ phát hiện một cơ sở bóc tách phế liệu điện tử có dấu hiệu vi phạm về môi trường tại một nhà xưởng ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (đóng tại P.An Bình, TP.Biên Hòa).

Ngày 15-11, Đồn Công an Khu công nghiệp Biên Hòa phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an TP.Biên Hòa tiến hành lập hồ sơ xử lý vụ phát hiện một cơ sở bóc tách phế liệu điện tử có dấu hiệu vi phạm về môi trường tại một nhà xưởng ở Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (đóng tại P.An Bình, TP.Biên Hòa).

Kiểm tra tại hiện trường, lực lượng công an xác định cơ sở này có hơn 100 tấn chất thải là các linh kiện điện tử (như: máy tính xách tay, điện thoại, ti vi…), bo mạch đã qua sử dụng đang được tập kết tại đây để bóc tách lấy phế liệu. Làm việc với cơ quan công an, chủ cơ sở không xuất trình được bất kỳ giấy tờ liên quan đến hoạt động bóc tách phế liệu này.

Hiện nay, theo xu hướng chung, tỷ lệ tiêu thụ thiết bị điện và điện tử ngày một cao, trong khi vòng đời các thiết bị ngày một ngắn, dẫn đến số rác thải điện tử bị thải loại ngày một nhiều. Trong khi đó, tỷ lệ rác thải điện tử được tái chế cũng rất thấp. Nếu một lượng lớn rác thải điện tử không được chôn lấp, xử lý đúng cách, bị vứt bừa bãi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường và nguồn nước vì trong rác thải điện tử chứa nhiều chất độc hại như: chì, asen và cadmium…

Do đó, vấn đề kiểm soát rác thải điện tử cần được các ngành chức năng quan tâm hơn nữa. Nhất là việc chú trọng thực hiện Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22-5-2015 của Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ để tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở phân phối, đơn vị vận chuyển, xử lý chất thải và tổ chức, cá nhân thu gom trong việc thu hồi, xử lý sản phẩm điện tử thải bỏ.

Theo đó, các ngành chức năng cần chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ. Thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, cần chú trọng ban hành chính sách, thực hiện hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất thiết lập các điểm thu hồi và triển khai hoạt động thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ trên địa bàn theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14-2-2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Về phía người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trước khi quyết định loại bỏ một sản phẩm điện tử. Nếu sản phẩm còn có thể sửa chữa thì nên sửa chữa để sử dụng. Nếu sản phẩm còn giá trị thì có thể trao đổi mua bán. Trong trường hợp sản phẩm không thể sử dụng nên đưa nó đến nơi tái chế hoặc bán lại cho người có nhu cầu tái chế; tránh vứt bỏ bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường.

Thu Uyên (TP.Biên Hòa)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích