Báo Đồng Nai điện tử
En

Khai thác tiện ích từ tài khoản định danh cá nhân

07:10, 28/10/2022

Theo Luật Cư trú năm 2020, đến hết ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng. Người dân cần đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử để thuận tiện trong việc thực hiện thủ tục hành chính và giao dịch dân sự.

Theo Luật Cư trú năm 2020, đến hết ngày 31-12-2022, sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ không còn giá trị sử dụng, người dân cần đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử để thuận tiện trong việc thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) và giao dịch dân sự.

Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử trên phần mềm VNeID để hoàn tất thủ tục làm hộ chiếu online. Ảnh: K.Liễu
Cán bộ Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử trên phần mềm VNeID để hoàn tất thủ tục làm hộ chiếu online. Ảnh: K.Liễu

Liên quan đến việc sử dụng tài khoản định danh điện tử, đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (TTXH) Công an tỉnh cho biết, tài khoản định danh điện tử được liên thông với hệ thống Cổng dịch vụ công quốc gia nên công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập trên Cổng dịch vụ công quốc gia và thực hiện các TTHC trực tuyến do các bộ, ngành, địa phương niêm yết mà không cần phải đến trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận.

* Tài khoản định danh điện tử sử dụng ra sao và có những tiện ích gì, thưa ông?

- Căn cứ theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP ngày 5-9-2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử, tài khoản định danh điện tử do Bộ Công an quản lý, cung cấp cho công dân sử dụng thông qua ứng dụng VNeID. Để sử dụng được phần mềm, người dân cần phải đăng ký tài khoản định danh điện tử gồm có 2 mức độ. Cụ thể:

- Đối với mức độ 1: Công dân cần có căn cước công dân (CCCD) có gắn chíp; sau đó tải phần mềm trên các điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Adroid (tại CH Play) và IOS (tại App Store) để cài đặt; cuối cùng là dùng CCCD để đăng ký tài khoản định danh mức độ 1 theo hướng dẫn trên phần mềm.

- Đối với mức độ 2: Công dân cần đến các điểm thu nhận hồ sơ cấp CCCD có gắn chíp của cơ quan công an để thực hiện thủ tục đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2; thực hiện cài đặt ứng dụng VNeID trên các điện thoại, kích hoạt tài khoản sử dụng. Công dân sẽ được tích hợp, đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử bao gồm các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, cơ quan ngang bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an.

Ảnh: Công an cung cấp
Ảnh: Công an cung cấp

Khi đó, công dân chỉ cần cung cấp CCCD có gắn chíp hoặc tài khoản định danh điện tử mức độ 2 mà không cần cung cấp các giấy tờ đã được tích hợp khi thực hiện các TTHC có liên quan, giúp giảm thiểu việc cung cấp nhiều giấy tờ khi thực hiện các TTHC.

* Việc đăng ký tài khoản định danh trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện ra sao, thưa ông?

- Đến thời điểm này, Công an tỉnh đã thu nhận hơn 352 ngàn hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử. Tùy yêu cầu của từng loại TTHC trên dịch vụ công trực tuyến, thông tin của công dân sẽ được điền sẵn vào biểu mẫu điện tử (form) giúp công dân tiết kiệm nhiều chi phí trong đi lại và kê khai các biểu mẫu giấy tờ liên quan. Các thông tin (tùy theo dịch vụ) gồm: họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; nơi thường trú; họ; chữ đệm và tên của cha, mẹ, vợ hoặc chồng; số chứng minh nhân dân đã được cấp; ngày cấp; ngày hết hạn (của thẻ CCCD); số thẻ CCCD (hoặc số định danh cá nhân)…

Ngoài ra, các thông tin cơ bản của công dân cũng được tích hợp hiển thị trên ứng dụng VNeID để người dân, cơ quan, tổ chức sử dụng để phục vụ giải quyết TTHC và các giao dịch dân sự. Các doanh nghiệp, tổ chức cần kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử của Bộ Công an để sử dụng xác thực điện tử tài khoản định danh điện tử của người dân.

Hiện tại, ngoài các TTHC thuộc lĩnh vực giải quyết của công an, Sở LĐ-TBXH, Sở Nội vụ khi tiếp nhận giải quyết không yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì TTHC thuộc các lĩnh vực khác của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị vẫn còn một số TTHC yêu cầu công dân phải xuất trình sổ hộ khẩu. Trong đó, nhiều nhất là trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường 15 thủ tục, lĩnh vực tư pháp hộ tịch 17 thủ tục.

* Người dân cần liên hệ ở đâu để lấy giấy xác nhận về cư trú, giấy thông báo số định danh?

- Ngoài phương thức sử dụng thẻ căn CCCD gắn chíp điện tử và ứng dụng VNeID để thực hiện các giao dịch hành chính, người dân còn có thể sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú và giấy thông báo số định danh cá nhân được khai thác trực tiếp từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thực hiện thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Công dân có thể trực tiếp đến cơ quan đăng ký cư trú trong cả nước không phụ thuộc vào nơi cư trú của công dân để đề nghị cấp “giấy xác nhận thông tin về cư trú”. Giấy xác nhận thông tin về cư trú được cấp dưới hình thức văn bản hoặc văn bản điện tử, có giá trị 30 ngày kể từ ngày cấp và có giá trị 6 tháng kể từ ngày cấp đối với trường hợp công dân đang thực tế cư trú nhưng chưa đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú.

Hiện tại, ngành Công an đã thực hiện cấp thông báo số định danh cho 100% người dân chưa được cấp CCCD trên toàn quốc để người dân sử dụng giải quyết các TTHC, các giao dịch dân sự cần chứng minh nơi cư trú của công dân.

* Xin cảm ơn ông!

Phần mềm VNeID đã được triển khai sử dụng trên các điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Adroid và IOS. Việc đăng ký, sử dụng định danh điện tử mức 1, 2 trên phần mềm VNeID được Bộ Công an hướng dẫn chi tiết tại trang web: https://vneid.gov.vn.

Kim Liễu (thực hiện)

Tin xem nhiều