Báo Đồng Nai điện tử
En

Tránh xung đột khi dừng, đậu xe nơi công cộng

07:09, 07/09/2022

Văn hóa dừng, đậu xe nơi công cộng không phải là câu chuyện mới nhưng vẫn luôn gây tranh cãi, thậm chí là bức xúc trong cộng đồng.

Văn hóa dừng, đậu xe nơi công cộng không phải là câu chuyện mới nhưng vẫn luôn gây tranh cãi, thậm chí là bức xúc trong cộng đồng. Có ý kiến cho rằng, nơi nào không cấm thì được dừng, đậu xe; nhưng không ít ý kiến lại cho rằng, dù có nơi không cấm dừng, đậu xe nhưng nếu người nào dừng, đậu xe gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người khác cũng bị coi là có ý thức cộng đồng kém…

* Muôn kiểu “dằn mặt”…

Thời gian gần đây, trên các kênh mạng xã hội đăng tải nhiều clip, hình ảnh, thông tin liên quan đến câu chuyện văn hóa ứng xử hết sức gay gắt và cũng thật hài hước trong những tình huống đậu xe chắn cửa nhà dân, lấn hẻm, chắn lối đi lại.

2 ô tô đậu lấn chiếm hẻm công cộng, gây cản trở việc đi lại của người dân trong một con hẻm thuộc KP.6, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu
2 ô tô đậu lấn chiếm hẻm công cộng, gây cản trở việc đi lại của người dân trong một con hẻm thuộc KP.6, P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu

Tình trạng dừng, đậu xe “kém duyên” đã dẫn đến nhiều kiểu “dằn mặt” dở khóc dở cười trên mạng xã hội. Nhẹ thì nhắc nhở: “Xe ra vào thường xuyên, không đậu xe đầu hẻm”; hay một tờ giấy dán lên kính xe: “Gửi bác tài xế. Nhà này em thuê có chút mặt tiền để kinh doanh. Bác tài đừng đậu xe cả ngày tội em nhé. Nếu thông cảm thì em không giận đâu. Cảm ơn ạ”; hay “Đậu xe chỗ này thì xe mát, nhưng chủ nhà thì “nóng” đấy nhé chàng trai”. Gay gắt hơn là: “Đậu xe ngu thế” hoặc “Lần sau đậu xe ở đây thì đừng trách tao!”…

Vì bức xúc tình trạng xe dừng, đậu xe che chắn lối ra vào nhà mình, vào hẻm, che khuất mặt bằng kinh doanh nên nhiều trường hợp đã không ngần ngại trả đũa theo kiểu “chơi lớn”:  đập vỡ kính xe, xịt sơn, vẽ bậy lên xe, đem rác đổ lên xe, chất gạch đá trên capo, dùng xích khóa tay nắm cửa ô tô vào cột đèn, dán đầy băng vệ sinh lên kính xe…

Anh Đinh Ngọc Ánh (ngụ P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết, chiếc xế hộp tiền tỷ của anh từng bị ai đó “kéo” cho vài nhát xước bên hông khi anh đậu xe tại con hẻm đối diện nhà vào buổi trưa, làm khuất tầm nhìn một tiệm bán đồ điện. Lần đó, anh tốn vài triệu đồng sơn lại chỗ trầy xước. “Buổi trưa họ đóng cửa hàng tôi mới đậu xe. Hơn nữa, hẻm không có bảng cấm thì tôi đậu, chứ đâu có đậu trên đất nhà họ đâu mà họ cấm”.

Người dân tại một số tuyến đường ở TP.Biên Hòa phản ánh  thường xảy ra tình trạng đậu xe lấn chiếm đường như: Hưng Đạo Vương, Cách Mạng Tháng Tám, Hà Huy Giáp... Đặc biệt, trên tuyến đường Hưng Đạo Vương (đoạn trước trụ sở UBND TP.Biên Hòa cũ), vốn đã chật lại thường xảy ra tình trạng xe ô tô nối đuôi nhau đậu san sát hai bên đường, khiến con đường càng bị thu hẹp.

Không chỉ các trục đường chính, các tuyến hẻm nhỏ cũng thường có xe đậu chắn lối đi. Bà Nguyễn Thị Bê (ngụ KP.6, P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, con hẻm vào nhà bà rộng chừng 2m nhưng nhà hàng xóm thường cho xe ô tô đậu ngay đầu hẻm khiến người dân ra vào hẻm bị cản trở. Nhiều người dân trong hẻm vì ngại va chạm nên không góp ý, có người có ý kiến phàn nàn nhưng đâu cũng lại vào đấy.

* Quan trọng nhất vẫn là ý thức

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng nêu trên, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hiện nay có tình trạng một số người dừng, đậu xe lấm chiếm lòng lề đường, lối đi chung công cộng. Để xử lý vấn đề này, UBND TP.Biên Hòa đã có kế hoạch kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm trật tự đô thị tại các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, trong đó có xử lý hành vi dừng, đậu xe gây cản trở đi lại, sinh hoạt của người khác. Đồng thời, UBND TP.Biên Hòa chỉ đạo các phòng, ban của thành phố, đặc biệt là Phòng Quản lý đô thị, Công an thành phố và lãnh đạo 30 phường, xã tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm về lấn chiếm lòng, lề đường, nơi công cộng trên các tuyến đường và khu dân cư.

Ngoài ra, để tránh xung đột khi dừng, đậu xe, người điều khiển xe cần chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông liên quan đến dừng, đậu xe. Cụ thể, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đậu xe tại các vị trí sau: song song với một xe khác đang dừng, đậu; tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe...

Còn Điều 19 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, người điều khiển phương tiện khi dừng, đậu xe trên đường phố phải tuân theo một trong các quy định như: phải cho xe dừng, đậu sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi của mình; bánh xe gần nhất không được cách xa lề đường, hè phố quá 0,25m và không gây cản trở, nguy hiểm cho giao thông. Trường hợp đường phố hẹp, phải dừng xe, đậu xe ở vị trí cách ô tô đang đậu bên kia đường tối thiểu 20m. Từ những căn cứ trên cho thấy, tại nơi phần đường, các hẻm có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe thì người điều khiển phương tiện không được dừng, đậu ô tô.

Nói về văn hóa dừng, đậu xe nơi công cộng, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho rằng chủ xe được dừng, đậu xe ở những nơi không có biển cấm và không vi phạm quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, nhưng để tránh gây bức xúc, khi đậu xe phía trước nhà người khác, chủ xe nên nói với chủ nhà một lời, quan sát chỗ dừng, đậu xe không làm chắn bít lối vào hẻm, cửa ra vào nhà người khác. Còn phía chủ nhà, khi thấy xe dừng, đậu trước cửa nhà mình cũng nên bình tĩnh, yêu cầu tài xế di dời xe đi chỗ khác, tránh hành động bộc phát như: đập xe, viết, vẽ bậy lên xe… Hành vi hủy hoại tài sản của người khác tùy mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự.

Hơn ai hết, mỗi tài xế, chủ xe cần chủ động, có ý thức phòng tránh những xung đột do việc đậu xe gây ra. “Hiện nay, lượng xe ô tô đang gia tăng, chỗ dừng, đậu xe ở Biên Hòa bắt đầu trở nên khan hiếm và dễ gây bức xúc khi dừng, đậu lâu ở những khu dân cư đông đúc. Do đó, khi dừng, đậu xe, tôi thường để số điện thoại phía trước hoặc sau xe, để người khác có thể gọi báo cho tôi khi cần tôi di chuyển xe đi nơi khác, tránh tình trạng bức xúc đập phá, viết, vẽ bậy lên xe” - chị Huỳnh Thị Tuyết Dung (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) chia sẻ kinh nghiệm.

Người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về dừng, đậu xe theo Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 bị phạt từ 800 ngàn đến 1 triệu đồng theo Điểm e, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Phương Liễu

Tin xem nhiều