Sau vụ cướp tiền tại Phòng giao dịch Tam Phước - chi nhánh TP.Biên Hòa, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, đóng tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) vào ngày 8-9, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai PHẠM QUỐC BẢO về công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Sau vụ cướp tiền tại Phòng giao dịch Tam Phước - chi nhánh TP.Biên Hòa, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, đóng tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) vào ngày 8-9, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai PHẠM QUỐC BẢO về công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh. Ông Bảo cho biết:
- Vụ việc xảy ra chính là tiếng chuông cảnh báo về tình hình an ninh, an toàn trong hoạt động của các ngân hàng. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cần tăng cường đảm bảo an ninh, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trộm cắp tài sản, cướp tiền.
* Từ vụ cướp tiền ngân hàng vừa xảy ra trên địa bàn tỉnh, theo ông các tổ chức tín dụng cần rút ra bài học gì cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các điểm giao dịch?
- Đây là vụ cướp ngân hàng táo tợn thứ 2 xảy ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian gần đây. Vụ thứ nhất diễn ra tại Phòng giao dịch Hóa An của Ngân hàng NN-PTNT (chi nhánh Bắc Đồng Nai, đóng tại P.Hóa An, TP.Biên Hòa) vào ngày 26-11-2020. Đối tượng thực hiện vụ cướp đi vào quầy giao dịch rồi bất ngờ rút trong ba lô vật giống lựu đạn để uy hiếp nhằm cướp tài sản. Quá sợ hãi, các nhân viên đã bỏ quầy chạy vào bên trong thì đối tượng lục các ngăn kéo tìm tài sản, nhưng không lấy được gì và bỏ đi. Riêng vụ cướp xảy ra tại Phòng giao dịch Tam Phước mới đây, đối tượng quá liều lĩnh, dùng súng uy hiếp và thực hiện trót lọt việc cướp tiền mang đi khỏi chi nhánh ngân hàng.
Ngân hàng là nơi tập trung, lưu trữ nhiều tiền bạc và luôn là mục tiêu nhìn ngó của tội phạm hình sự. Vì vậy, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng cường hơn nữa công tác an ninh tại trụ sở làm việc. Các tổ chức tín dụng có thể bổ sung lực lượng bảo vệ ngay cả bên trong trụ sở. Nếu “khách hàng” có biểu hiện nghi vấn thì có thể báo động từ xa và chủ động hơn trong việc phòng ngừa các hành vi phạm tội nhằm hạn chế được sự liều lĩnh của những đối tượng có ý định cướp tiền.
Từ các vụ việc xảy ra, các tổ chức tín dụng có thể quan sát qua hình ảnh, truy xuất tại hiện trường qua hệ thống camera giám sát… để xây dựng kịch bản xử lý tình huống cho đơn vị mình khi xảy ra sự cố tương tự.
* Với vai trò của mình, thời gian qua, NHNN đã có những hỗ trợ gì trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn tại các ngân hàng trên địa bàn, thưa ông?
- Việc thực hiện các giải pháp an ninh, an toàn là công việc nội bộ của từng ngân hàng. NHNN không can thiệp vào các hoạt động thường xuyên này của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, với vai trò của mình, chúng tôi thường xuyên triển khai các giải pháp, có công văn nhắc nhở các tổ chức tín dụng đề cao cảnh giác, quan tâm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo an ninh, phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm trộm cắp, cướp tiền tại ngân hàng.
Ngoài ra, NHNN chi nhánh Đồng Nai có ký kết văn bản phối hợp với Công an tỉnh. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và các lực lượng công an cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến, cập nhật các thông tin về phương thức, thủ đoạn gây án của tội phạm và những sơ hở tội phạm thường lợi dụng nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho giao dịch viên và lực lượng bảo vệ.
Đặc biệt, cần chú ý cảnh giác trong thời điểm chuẩn bị nghỉ giao dịch vắng khách, lượng tiền kiểm đếm lớn; trang bị đầy đủ các công cụ hỗ trợ cho lực lượng bảo vệ theo quy định. Cần tăng cường tổ chức tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ phòng vệ cho giao dịch viên và lực lượng bảo vệ ngân hàng sử dụng thành thạo công cụ hỗ trợ, kỹ năng phát hiện đánh giá công cụ, phương tiện, đối tượng sử dụng để gây án, các tình huống xử lý khi xảy ra trộm cắp, cướp tiền ngân hàng; nhanh chóng kết nối tín hiệu báo động khẩn cấp của chi nhánh phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng với cơ quan công an nơi gần nhất.
Công an có mặt tại hiện trường điều tra vụ cướp tiền tại Phòng giao dịch Tam Phước - chi nhánh TP.Biên Hòa, Vietcombank. Ảnh: CTV |
* Theo ông, các ngân hàng cần thực hiện các giải pháp gì để tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn; phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm trộm cắp, cướp tài sản trong thời gian tới?
- NHNN Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản gửi các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn tỉnh yêu cầu các tổ chức tín dụng chú trọng tập trung các giải pháp đảm bảo an ninh. Cụ thể, kiểm tra, rà soát thực hiện lắp đặt và bảo trì, bảo dưỡng hệ thống thiết bị an toàn kho tiền nơi giao dịch (gồm: hệ thống camera giám sát; hệ thống báo động kết nối đến cơ quan công an; các nút ấn báo động tại trụ sở, quầy giao dịch và các khu vực liên quan…); trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ, kinh nghiệm, kỹ năng xử lý tình huống cho lực lượng bảo vệ; bảo quản tiền mặt, tài sản vào giờ giao dịch trong két sắt, thùng/hòm/xe/tủ lưới sắt… có khóa; bảo quản trong gian đệm hoặc bảo quản trong kho tiền trong trường hợp số tiền thu trong giờ giao dịch quá lớn. Khi thực hiện công tác chuyển tiền cần bố trí khu vực phòng riêng kín đáo.
Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cần chú trọng đầu tư trang bị, áp dụng các giải pháp phòng, chống tội phạm trộm, cướp tài sản bằng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại phù hợp với thực tế hoạt động khả năng tài chính, thẩm quyền của tổ chức tín dụng.
Các tổ chức tín dụng cũng cần xem xét điều chỉnh các quy định làm việc, tiếp khách; hạn chế các sơ hở đối tượng tội phạm có thể lợi dụng gây án. Tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát khách hàng đến giao dịch; đồng thời, có biện pháp phù hợp để đối chiếu, xác thực lại bằng giấy tờ tùy thân của khách hàng, không cho khách hàng đội mũ trùm kín đầu và mặt vào ngân hàng để góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)