Báo Đồng Nai điện tử
En

Rút tiền ngân hàng trước hạn vẫn có lãi hấp dẫn

07:08, 19/08/2022

Lâu nay, người gửi tiền ngân hàng có kỳ hạn muốn rút một phần trong khoản này trước kỳ hạn thì không được, mà buộc phải rút hết khoản tiền gửi và hưởng lãi suất theo mức không kỳ hạn 0,1-0,2%/năm. Nhưng theo quy định mới, người gửi có thể rút một phần tiền trước kỳ hạn và phần còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất như ban đầu.

Lâu nay, người gửi tiền ngân hàng có kỳ hạn muốn rút một phần trong khoản này trước kỳ hạn thì không được, mà buộc phải rút hết khoản tiền gửi và hưởng lãi suất theo mức không kỳ hạn 0,1-0,2%/năm. Nhưng theo quy định mới, người gửi có thể rút một phần tiền trước kỳ hạn và phần còn lại vẫn được giữ nguyên lãi suất như ban đầu.

Ngân hàng SHB là đơn vị sớm triển khai áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi dành cho khách hàng. Ảnh: Website Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội
Ngân hàng SHB là đơn vị sớm triển khai áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi dành cho khách hàng. Ảnh: Website Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội

Đó là một trong những nội dung mới của Thông tư số 04/2022/TT/NHNN ngày 16-6-2022 của Ngân hàng Nhà nước quy định về áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi tắt là Thông tư 04) đang được người dân quan tâm và đồng thuận. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1-8.

* Rút tiền gửi trước kỳ hạn vẫn hưởng đủ lãi

Lâu nay, người gửi tiền ngân hàng có kỳ hạn khi cần rút một phần tiền và rút trước kỳ hạn, người gửi buộc phải rút toàn bộ số tiền và chỉ được hưởng lãi suất tối đa bằng lãi suất không kỳ hạn chỉ từ 0,1-0,2%/năm. Điều này khiến người gửi chịu nhiều thiệt thòi, vì gần như mất trắng lãi suất nếu rút sớm trước hạn.

Tuy nhiên, Thông tư 04 quy định, từ ngày 1-8, người gửi rút toàn bộ tiền gửi trước hạn sẽ nhận được mức lãi suất bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất theo đối tượng khách hàng, hoặc theo loại đồng tiền đã gửi; nhưng nếu rút trước hạn một phần tiền gửi thì phần tiền gửi rút trước hạn sẽ áp dụng mức lãi suất tối đa bằng mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn thấp nhất, nhưng phần tiền gửi còn lại sẽ vẫn được hưởng mức lãi suất đang áp dụng trong kỳ hạn. Quy định này được người dân đồng thuận, bởi so với quy định cũ, cách tính lãi khi rút trước hạn một phần tiền gửi, người gửi có lợi hơn.

Ví dụ, một khách hàng gửi tiết kiệm 1 tỷ đồng tại ngân hàng, kỳ hạn 1 năm, lãi suất 6%/năm. Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn là 0,1-0,2%/năm. Nhưng do có việc đột xuất, người gửi rút 300 triệu đồng trong khoản tiền gửi thì theo quy định mới, khoản tiền 300 triệu đồng này sẽ được tính lãi không kỳ hạn 0,1%/năm. Khoản tiền gửi còn lại là 700 triệu đồng vẫn được tính lãi suất 6%/năm.

* Thuận tiện và có lợi cho người gửi tiền

Biết được thông tin này, nhiều người gửi tiền tiết kiệm khá phấn khởi. Ông Nguyễn Văn Minh Trí (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình ông có một số tiền gửi tiết kiệm. Trước đây, ông thường phải chia nhỏ khoản tiền gửi thành nhiều sổ vì sợ có việc cần dùng phải rút hết toàn bộ tiền, mất lãi nhiều. Nhưng từ giờ ngân hàng cho rút một phần tiền trong sổ mà lãi suất vẫn được bảo toàn, ông chỉ cần gửi một sổ tiết kiệm duy nhất, vừa dễ theo dõi, lại giữ được lãi suất như trong kỳ hạn. Như vậy rất tiện và lợi cho khách hàng.

Là chủ một doanh nghiệp tư nhân kinh doanh nghề gỗ, đồ mộc, bà Trần Thị Thanh (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cho biết, có thời điểm dòng tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp từ vài tỷ lên đến chục tỷ đồng. Những lúc như vậy, kênh tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng là lựa chọn hàng đầu cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng có khi biến động nên bà hay phân vân khi chọn gửi có kỳ hạn, nhất là kỳ hạn dài.

Bà Thanh chia sẻ, gửi không kỳ hạn thì lãi suất rất thấp, còn gửi có kỳ hạn lãi suất cao hơn, nhưng lúc cần đến phải rút trước kỳ hạn thì lãi suất lại rơi vào không kỳ hạn, chỉ từ 0,1-0,2%. Như có thời điểm bà gửi 7,5 tỷ đồng kỳ hạn 3 tháng với lãi suất 5,6%/năm, tính ra mỗi kỳ bà được khoảng 42 triệu đồng tiền lãi, tương đương với 14 triệu đồng lãi/tháng. Nhưng khi cần tiền và phải rút trước kỳ hạn một phần thì tiền lời từ 14 triệu đồng/tháng rơi thẳng xuống chỉ còn hơn 2 triệu đồng/tháng vì bị áp dụng lãi suất không kỳ hạn. Vì vậy, mỗi khi cần tiền đột xuất, bà không dám rút mà cầm cố sổ tiết kiệm này để vay lại ngân hàng với lãi suất cao đến 12%/năm.

“Nay rút trước kỳ hạn một phần và được bảo toàn lãi suất như trong kỳ hạn thì đó là một quy định phù hợp, khuyến khích người dân yên tâm gửi tiền tiết kiệm và có thể rút ra một phần mà không bị thiệt thòi quá lớn” - bà Thanh cho hay.

Hiện nay, sau khi Thông tư 04 có hiệu lực, hàng loạt ngân hàng đã ra thông báo về việc cho khách hàng được rút trước hạn. Sớm nhất phải kể đến Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đã chính thức ra mắt tính năng rút gốc một phần tiền gửi trước hạn đối với các sản phẩm tiết kiệm bậc thang và hợp đồng tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với phương thức trả lãi cuối kỳ.

Cụ thể, phần tiền gửi rút trước hạn của SHB được áp dụng mức lãi suất không kỳ hạn theo quy định. Lãi suất sẽ do SHB áp dụng theo từng loại tiền tệ tại thời điểm rút và tính trên số ngày thực gửi của khoản tiền. Đặc biệt, số lần rút không giới hạn, phần số dư duy trì đến ngày đáo hạn sẽ tiếp tục được hưởng lãi suất như cam kết tại thời điểm khách hàng tham gia.

Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, Thông tư 04 không chỉ đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền mà bản thân các ngân hàng cũng hưởng lợi. Cụ thể là khuyến khích khách hàng gửi tiết kiệm nhiều và dài hạn hơn, tối đa hóa lợi nhuận từ nguồn vốn nhàn rỗi cũng như bớt thiệt hơn trong trường hợp cần vốn đột xuất phải rút tiền gửi trước hạn, từ đó các ngân hàng cũng sẽ hút được nguồn tiền gửi trung, dài hạn từ khách hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng có thể gặp khó khăn khi nguồn vốn rút linh động trước hạn nhiều, dẫn đến nguồn tiền gửi giảm tính ổn định, ít nhiều ảnh hưởng đến thanh khoản của các ngân hàng. Do đó, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng dự trữ an toàn đối với các sản phẩm có tính linh hoạt cao.

Ngoài Ngân hàng SHB, đến nay nhiều ngân hàng khác như: Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietAbank), Ngân hàng TMCP Thương Tín (Vietbank)… cũng đồng loạt áp dụng lãi suất rút trước hạn tiền gửi dành cho khách hàng cá nhân với phương thức trả lãi cuối kỳ.

Phương Liễu

Tin xem nhiều
Thanh toán vnpay pr app từ thẻ tín dụng VPBank NEO