Trước nguy cơ dịch chồng dịch, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế là cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng.
Tính từ đầu năm 2022 đến ngày 11-8, Đồng Nai đã có 16 ca tử vong do sốt xuất huyết (SXH). Riêng từ đầu tháng 7-2022 đến ngày 11-8 có thêm 3 ca tử vong và 26 ca nguy kịch do nhiễm Covid-19. Thêm vào đó là nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta cũng rất cao.
Bãi rác tự phát gần một khu nhà trọ ở KP.4, P.Long Bình (TP.Biên Hòa) có nhiều vật dụng chứa nước là nơi muỗi sốt xuất huyết sinh sản. Ảnh: Phương Liễu |
* Còn chủ quan, lơ là
Trước nguy cơ dịch chồng dịch, việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành Y tế là cần thiết để bảo vệ bản thân và cộng đồng. Thế nhưng, hiện có nhiều người không còn quan tâm đến các biện pháp phòng dịch, tối thiểu là đeo khẩu trang nơi công cộng (chợ, siêu thị, khu vui chơi, công viên)... Nguyên nhân của tình trạng này là không ít người chủ quan cho rằng đã tiêm 2-3 mũi vaccine ngừa Covid-19 là an toàn; xuất hiện tâm lý dịch bệnh đã thoái trào, có nhiễm triệu chứng cũng nhẹ.
Anh T.V.Đ. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Anh Đ. cho biết, anh đã tiêm mũi 3 vaccine ngừa Covid-19, từng 2 lần nhiễm Covid-19 nên anh không còn lo sợ dịch bệnh. Hiện nay, anh vẫn đi làm và tụ tập cùng bạn bè, đối tác mà không cần đeo khẩu trang, vì theo anh tiêm vaccine ngừa Covid-19 rồi nên không lo bệnh diễn tiến nặng.
Tương tự, dù dịch bệnh SXH đang lan rộng (tính từ đầu năm 2022 đến ngày 10-8, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 16,4 ngàn ca bệnh SXH, đã có tới 16 ca tử vong), nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh SXH được ngành Y tế tăng cường nhưng tại nhiều nơi người dân vẫn chưa thực sự quan tâm hoặc thực hiện chưa đúng theo hướng dẫn phòng bệnh của ngành Y tế.
Đến một khu nhà trọ ở KP.An Hòa, P.Hóa An (TP.Biên Hòa), chúng tôi ghi nhận nhiều hộ công nhân ở trọ tại đây vẫn chưa quan tâm dọn dẹp xung quanh khu vực nhà trọ để phòng tránh dịch bệnh SXH. Tại khu vực xung quanh các dãy nhà trọ vẫn tồn đọng những đống rác lâu ngày không dọn với nhiều chai nhựa, đồ nhựa chứa nước, là nơi muỗi gây bệnh SXH sinh sản.
Khi được hỏi về cách phòng tránh bệnh SXH, chị V., công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) đang ở khu nhà trọ này, trả lời rất đúng, đầy đủ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh. Tuy nhiên, chị lại chỉ dọn sạch phòng trọ mà không dọn dẹp khu vực bên ngoài phòng trọ. Chính vì vậy, trong những đống rác, chai lọ, lon sữa chứa nước mưa lâu ngày không dọn có nguy cơ biến thành nơi muỗi sinh sản.
* Ý thức phòng bệnh rất quan trọng
Theo Sở Y tế, trong tháng 7-2022, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng, đặc biệt là khi tỉnh ghi nhận 4 ca nhiễm biến thể phụ BA.5 của biến chủng Omicron. Số ca bệnh Covid-19 đặc biệt tăng nhanh trong 2 tuần gần đây. Cụ thể, ngày 24-7, tỉnh ghi nhận 7 ca mắc Covid-19 mới; tăng lên 27 ca vào ngày 25-7, rồi 35 ca vào ngày 28-7, 40 ca ngày 1-8, 52 ca ngày 2-8 và 60 ca ngày 4-8. Trong ngày 5-8, tỉnh ghi nhận 43 ca.
Ở góc độ điều trị, BS Lê Thế Dương, Phó trưởng khoa Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, cho biết từ đầu tháng 8-2022 đến nay, khoa đã tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị Covid-19 nặng. Nhiều ca trong số này tái nhiễm nhiều lần và nhiễm Covid-19 kéo dài. Hiện khoa đang quá tải bệnh nhân Covid-19 nặng.
“Nếu người dân không tuân thủ các biện pháp phòng bệnh để tự bảo vệ bản thân, trong điều kiện thiếu hụt nhân viên y tế như hiện nay, sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 cũng như một số dịch bệnh truyền nhiễm khác sẽ dẫn đến tình trạng quá tải bệnh viện, việc chăm sóc, điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn” - BS Lê Thế Dương bày tỏ lo lắng.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được chủ quan với dịch bệnh Covid-19. Đây vẫn đang là loại dịch bệnh nguy hiểm toàn cầu. Người dân cần chủ động tiêm đủ các liều vaccine ngừa Covid-19 theo khuyến cáo của ngành Y tế, đeo khẩu trang nơi công cộng và thường xuyên khử khuẩn.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, vấn đề quan trọng hiện nay là ý thức tự phòng tránh lây nhiễm dịch bệnh Covid-19 của mỗi người dân. Bởi hơn ai hết, trong một môi trường có dịch bệnh, lại phải mở cửa để phát triển kinh tế và duy trì hoạt động xã hội, được thoải mái đi lại sinh hoạt, làm việc, học tập thì cần phải có sự tuân thủ các biện pháp phòng tránh dịch bệnh của ngành Y tế khuyến cáo mới tạo ra sự miễn nhiễm của toàn cộng đồng.
Tương tự, để dập nhanh dịch bệnh SXH đang lan rộng, mới đây UBND tỉnh đã phê duyệt dự toán kinh phí cho chương trình phòng, chống SXH với tổng kinh phí hơn 16,9 tỷ đồng cho việc dự trữ sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân, mua sắm hóa chất diệt côn trùng để cung cấp cho các đơn vị, địa phương.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai ra quân phòng, chống dịch bệnh SXH từ 7-9 giờ sáng thứ bảy hằng tuần (kể từ ngày 13-8-2022) nhằm tổng vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, loại bỏ các vật dụng có thể chứa nước quanh nhà và trong nhà dân để ngăn chặn sự phát triển của muỗi, lăng quăng…
Thiết nghĩ, việc làm này cần được mỗi người dân nhiệt tình hưởng ứng, chung tay làm sạch nơi mình sinh sống để môi trường sống trở nên an toàn, sạch đẹp và từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Theo Sở Y tế, hiện toàn tỉnh đã tiêm được gần 8,3 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 cho hơn 3,2 triệu người từ 5 tuổi trở lên trong tỉnh. Tỷ lệ bao phủ vaccine phòng Covid-19 của tỉnh đối với mũi 1 và 2 cho người từ 5 tuổi trở lên xấp xỉ đạt 100%; mũi 3 đạt 57,1%, mũi 4 đạt 12,6%. Hiện tỉnh đang tiếp tục triển khai tiêm gần 300 ngàn liều vaccine ngừa Covid-19, chủ yếu là vaccine Pfizer. |
Phương Liễu