Tiền thách cưới hay còn gọi là tiền cưới, tiền chợ, nạp tài, cheo… mà nhà trai phải đưa cho nhà gái trước khi tổ chức lễ cưới. Số tiền này nhiều hay ít phụ thuộc vào sự thỏa thuận của 2 gia đình. Trường hợp nhà gái đòi tiền quá cao, không sử dụng đúng mục đích hoặc hôn nhân tan vỡ rất dễ dẫn đến xích mích, tranh chấp.
Tiền thách cưới hay còn gọi là tiền cưới, tiền chợ, nạp tài, cheo… mà nhà trai phải đưa cho nhà gái trước khi tổ chức lễ cưới. Số tiền này nhiều hay ít phụ thuộc vào sự thỏa thuận của 2 gia đình. Trường hợp nhà gái đòi tiền quá cao, không sử dụng đúng mục đích hoặc hôn nhân tan vỡ rất dễ dẫn đến xích mích, tranh chấp.
* Tranh chấp tiền thách cưới
Theo lời bà O. (H.Tân Phú), anh Y. con trai bà và chị G. (con gái bà M., ngụ H.Định Quán) muốn tiến tới hôn nhân. Do đó, hai bên gia đình gặp nhau bàn chuyện hôn sự cho đôi trẻ và có thỏa thuận nhà trai đưa tiền cưới cho nhà gái 30 triệu đồng. Ngoài số tiền này, bà có đưa cho con trai 20 triệu đồng nữa để chụp hình, quay phim, trang điểm cô dâu, mua mâm bàn ngày cưới. Tuy nhiên, đám cưới được tổ chức xong chưa tròn tháng thì con trai và con dâu chia tay. Bà O. muốn biết bà có đòi lại tiền thách cưới, tiền chụp hình, quay phim, nữ trang đã đưa cho nhà gái và cho con dâu không?
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) giải thích, tranh chấp giữa bà O. với nhà gái, cô dâu là tranh chấp đòi lại tài sản tặng, cho. Việc nhà trai giao tiền cho nhà gái chuẩn bị tiệc cưới là hoàn toàn tự nguyện, điều này phù hợp với truyền thống và phong tục, tập quán của địa phương về cưới hỏi và mọi việc đã được tổ chức xong. Điều đó có nghĩa là nhà gái thực hiện đúng nghĩa vụ đã cam kết, thỏa thuận với nhà trai trước đó. Riêng về việc đôi bạn trẻ ly hôn sau khi tổ chức đám cưới, đó là quyền của họ và quyền này được pháp luật công nhận (ly hôn tự nguyện) không có liên quan gì tới việc 2 gia đình thỏa thuận trước đó.
Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, thách cưới là tập quán lạc hậu hiện đang được pháp luật và xã hội vận động xóa bỏ. Nhất là hiện nay, pháp luật, phong tục, tập quán cũng không quy định trường hợp vợ chồng ly hôn thì nhà gái có trách nhiệm trả lại tiền mà nhà trai đã đưa cho nhà gái để tổ chức lễ cưới hay tặng cho con dâu ngày cưới. Do đó, bà không có cơ sở để đòi lại toàn bộ số tiền để đưa cho nhà gái, cô dâu.
* Tiền thách cưới có phải là tiền cọc?
Ông Lê Văn Ba (chức sắc đình Bình Tự, KP.Nhất Hòa, P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, trước đây tiền thách cưới (tiền chợ) được coi như món quà, là lời cảm ơn chân thành của nhà trai dành cho nhà gái vì đã có công sinh thành, nuôi dưỡng con dâu mà họ sắp rước về. Đồng thời, nó được xem như là nhà trai góp một phần công sức, tiền của vào việc chăm lo cho con dâu trước ngày kết hôn. Nhà gái có thể sử dụng số tiền này để chuẩn bị đám cưới, hoặc được đưa cho cô dâu để sắm sửa quần áo, tư trang trước khi về nhà chồng.
“Theo tôi, nếu đã cho con tiền thách cưới rồi còn đòi lại khi đôi trẻ xảy ra trục trặc thì cũng không hay. Vì làm vậy chẳng khác nào xem tiền thách cưới là tiền đặt cọc để cưới con dâu, hoặc xem con dâu như món hàng nhằm đem ra đổi chác” - ông Lê Văn Ba bộc bạch.
Trong đám hỏi, nhà trai thường đưa tiền cưới cho nhà gái “Bản chất của tiền thách cưới là thỏa thuận dân sự. Cho nên, nếu có phát sinh tranh chấp phải căn cứ vào pháp luật dân sự, tập quán để giải quyết” - luật sư NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết. |
Xét về mặt pháp lý, luật sư Ngô Văn Định cho rằng, bản chất giữa thách cưới, đặt cọc là giao dịch dân sự. Vì là giao dịch, thỏa thuận dân sự nên các bên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như: tự nguyện, không bị cưỡng ép, lừa dối, không được trái pháp luật, đạo đức xã hội… Tuy vậy, không có nghĩa tiền thách cưới được xem là tiền cọc như hành vi xác tín trong các giao dịch dân sự liên quan tới tài sản được.
Bởi vì, tại Điểm đ, Khoản 2, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có nghiêm cấm hành vi yêu sách của cải trong hôn nhân. Yêu sách của cải trong kết hôn tức là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng và coi đó là điều kiện để kết hôn nhằm cản trở việc kết hôn tự nguyện của nam, nữ. Do đó, hành vi thách cưới gắn liền với tiền bạc, vật chất bị pháp luật nghiêm cấm, vi phạm có thể bị xử phạt hành chính, hình sự. Còn tiền đặt cọc nhằm xác tín trong giao dịch dân sự không bị pháp luật nghiêm cấm, nếu vi phạm pháp luật chỉ bị pháp luật tuyên bố giao dịch vô hiệu nhưng không bị xử lý hành chính hay hình sự.
Cũng theo luật sư Ngô Văn Định, tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 59 Nghị định 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15-7-2020 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, HTX có quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với hành vi yêu sách của cải trong hôn nhân. Nếu hành vi này cấu thành tội cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ, cản trở ly hôn tự nguyện theo Điều 181 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Đoàn Phú