Báo Đồng Nai điện tử
En

Cứu người đuối nước: Cần có kiến thức và kỹ năng

07:06, 18/06/2022

Vào mùa hè thường xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Để hạn chế những tai nạn đau lòng do đuối nước ở trẻ em, BSCKII ĐẶNG HÀ HỮU PHƯỚC, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết:

Vào mùa hè thường xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tích ở trẻ em, đặc biệt là tai nạn đuối nước. Để hạn chế những tai nạn đau lòng do đuối nước ở trẻ em, BSCKII ĐẶNG HÀ HỮU PHƯỚC, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết:

BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hướng dẫn cách sơ cấp cứu nạn nhân đuối nước trong buổi tập huấn về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai vào ngày 14-6. Ảnh: P.Liễu
BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hướng dẫn cách sơ cấp cứu nạn nhân đuối nước trong buổi tập huấn về kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu cho cán bộ, phóng viên Báo Đồng Nai vào ngày 14-6. Ảnh: P.Liễu

Ngoài việc cho cho trẻ học bơi để tránh đuối nước thì những người tham gia cứu hộ cần được trang bị kiến thức, kỹ năng cứu và sơ cấp cứu người đuối nước để đảm bảo cả nạn nhân lẫn người cứu hộ đều được an toàn.

* Đuối nước là tai nạn khá phổ biến với trẻ em Việt Nam, đặc biệt trong mùa hè. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

- Theo thông tin từ Bộ LĐ-TBXH, tỷ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam khá cao so với các nước trong khu vực, với mỗi năm khoảng 2 ngàn trẻ tử vong do đuối nước. Tôi nghĩ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ đuối nước như: Việt Nam là một quốc gia có nhiều ao, hồ, sông, suối và biển; nhiều hoạt động ngoài trời của trẻ thường xuyên và gắn liền với sông nước; nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ chưa thực sự quan tâm đến việc phòng, chống đuối nước cho trẻ; nhiều trường chưa dạy bơi và chưa trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ.

* Khi phát hiện người bị đuối nước, người cứu hộ hay người có mặt tại khu vực này nên làm gì?

- Một trong những nguyên tắc chung trong việc cứu người là không được làm tăng thêm số lượng nạn nhân. Khi phát hiện có người bị đuối nước, người cứu hộ hoặc người có mặt tại khu vực cần bình tĩnh xác định nguy cơ tai nạn từ đâu, bản thân người muốn hỗ trợ thấy mình đã đủ năng lực để cứu người một cách an toàn hay không. Bởi thực tế, đã có không ít vụ người có mặt tại hiện trường vì nhiệt tình hỗ trợ nhưng không có kiến thức, không có kỹ năng cứu và sơ cấp cứu nạn nhân nên không cứu được người bị nạn mà còn làm trầm trọng thêm những tổn thương cho nạn nhân, thậm chí chính người cứu cũng tử vong.

Do đó, khi phát hiện hoặc thấy tín hiệu kêu cứu của người đuối nước, người không có kỹ năng cứu người an toàn thì không nên nhảy xuống cứu người mà nên hô hoán để có thêm người đến hỗ trợ.

Theo Bộ LĐ-TBXH, hiện tỷ lệ trẻ em biết bơi ở Việt Nam chỉ chiếm 30%. Cho nên, mỗi năm có hơn 2 ngàn trẻ dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước, đứng hàng đầu khu vực Đông Nam Á và thứ hai trên thế giới về số vụ trẻ tử vong do đuối nước và cao gấp 10 lần các nước phát triển. Trẻ bị đuối nước ở nông thôn cao gấp 4 lần trẻ ở thành thị.

* Theo ông, thời gian vàng đối với những trường hợp đuối nước là bao lâu? Làm sao có thể cứu sống nạn nhân mà không để lại di chứng não?

- Một người bình thường khi bị đuối nước có thể chịu đựng được khoảng 5 phút. Đây là thời gian vàng, bởi não sẽ chết sau khoảng 5 phút khi oxy không lên não. Nếu sau “thời gian vàng” này, dù cứu sống được nạn nhân nhưng sẽ để lại di chứng não nặng nề. Do đó, khi phát hiện người đuối nước thì nên cứu hộ khẩn trương, ưu tiên việc cung cấp oxy cho nạn nhân bằng việc ép tim, hà hơi thổi ngạt. Để có thể sơ cấp cứu nạn nhân đúng cách, người cứu hộ cần được học hoặc tập huấn để thực hiện đúng cách. 

* Đã xảy ra nhiều vụ người xuống cứu người đuối nước nhưng cả hai đều tử vong, việc này liên quan đến động tác kỹ thuật cứu hộ an toàn. Ông có thể nói rõ hơn về kỹ thuật này?

- Tâm lý khi một người bị đuối nước sẽ thường quơ quào, bấu víu vào bất kỳ vật gì ở gần họ. Nếu người cứu hộ bơi đến tiếp cận nạn nhân ở phía trước, chắc chắn sẽ bị nạn nhân ôm rất chặt, khiến người cứu hộ bị khóa cứng hoặc hoạt động của đôi tay hạn chế dẫn đến không bơi vào được. Do đó, người cứu hộ cần tiếp cận nạn nhân từ phía sau để bảo đảm hai tay của nạn nhân không bấu víu và dìm mình xuống, đồng thời khống chế nạn nhân ở nửa phần thân trên bằng việc vòng tay qua nách - ngực để đưa nạn nhân vào bờ và tiến hành sơ cấp cứu ngay cho nạn nhân.

* Hiện dân gian có những cách cứu người đuối nước như cho người chết đuối vào lu đốt lửa xung quanh rồi lăn đi lăn lại hoặc vác xốc người đuối nước trên vai chạy nhiều vòng. Theo ông, phương pháp sơ cứu người đuối nước này có đúng không và nó có tác dụng gì đối với nạn nhân?

- Về chuyên môn, cả hai phương pháp trên hoàn toàn không có cơ sở khoa học và được khuyến cáo không nên thực hiện trong việc sơ cấp cứu người đuối nước. Đối với một người đuối nước, nguyên nhân tử vong là do bị ngạt nước dẫn đến thiếu oxy, việc đầu tiên cần làm là cung cấp ngay oxy cho họ và việc này diễn ra chỉ trong từ 1-3 phút sau khi cứu được nạn nhân lên bờ. Các cách dân gian nêu trên chỉ làm mất đi “thời gian vàng” trong việc cấp cứu nạn nhân. Chưa nói những cách đó không có tác dụng giúp nạn nhân hồi tỉnh mà còn có khả năng làm bệnh nhân bị bỏng, não bị tổn thương thêm.

* Để hạn chế tình trạng đuối nước nói chung và đuối nước ở trẻ em nói riêng, ông có khuyến cáo gì?

- Tai nạn xảy ra là bất ngờ và việc của chúng ta là phòng tránh để tai nạn không xảy ra hoặc hạn chế xảy ra. Đối với đuối nước ở trẻ em thì việc đầu tiên là nên cho trẻ học bơi; trẻ đi bơi ở ao, hồ, sông, suối, biển hoặc tiếp cận với nước thì nên cho trẻ mặc áo phao, có người lớn đi kèm, ở hồ bơi thì có nhân viên cứu hộ. Ngoài ra, đối với những trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thì người lớn nên che đậy các thau, thùng, lu, phuy chứa nước; rào chắn những vũng nước lớn khi ở gần các công trình xây dựng và hướng dẫn trẻ các kỹ năng khi tiếp xúc với nước cũng như khi bị đuối nước.

* Xin cảm ơn ông!

Phương Liễu (thực hiện)

 

Tin xem nhiều