Những ngày qua, trong khu nhà trọ lao động gần nhà tôi trong 1 tuần có tới 3 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 2 trẻ em và 1 người lớn. Ai cũng biết rằng, bệnh SXH có nguyên nhân từ muỗi vằn và nơi khu trú "yêu thích" của muỗi chính là các vùng sình lầy, nước đọng, bụi cây rậm rạp.
Những ngày qua, trong khu nhà trọ lao động gần nhà tôi trong 1 tuần có tới 3 ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 2 trẻ em và 1 người lớn. Ai cũng biết rằng, bệnh SXH có nguyên nhân từ muỗi vằn và nơi khu trú “yêu thích” của muỗi chính là các vùng sình lầy, nước đọng, bụi cây rậm rạp. Thế nhưng, nhiều người lại không quan tâm đến việc phòng tránh dịch bệnh này.
Một nghịch lý hiện nay là, nếu hỏi người dân về tác nhân gây ra bệnh SXH, các giải pháp phòng tránh dịch bệnh SXH thì ai cũng rất “thuộc bài”… Song điều cần hơn cả là hành động để tránh dịch bệnh SXH bằng việc làm sạch các khu vực ao tù nước đọng, dọn dẹp các vật dụng có chứa đọng nước mưa, phát quang bụi rậm nơi sinh sống… thì nhiều người không làm.
Gia đình tôi có cháu nhỏ và bản thân tôi cũng ý thức được dịch bệnh SXH đang lây lan nhanh và gây nguy hiểm đến tính mạng người nhiễm… nên ngay từ đầu mùa mưa, tôi đã tự tay dọn dẹp khu vực quanh nhà tôi rất sạch sẽ và vận động các nhà trọ lân cận cùng nhau dọn dẹp môi trường nơi sinh sống, nhưng không mấy người nhiệt tình hưởng ứng. Trong khi đó, những khu nhà trọ ẩm thấp, những bãi rác tự phát gần đó là nơi trú ẩn của ruồi muỗi, chuột bọ, có nhiều vật dụng chứa đựng nước là nơi muỗi sinh sản nhưng ít ai chịu dọn dẹp bên ngoài.
Phòng dịch rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Nếu một người, một nhà giữ môi trường sạch sẽ nhưng những người, những nhà bên cạnh không cùng thực hiện thì việc phòng, chống dịch nói chung và bệnh SXH nói riêng cũng sẽ thất bại. Bởi môi trường là không biên giới, con muỗi gây bệnh có thể bay từ nhà này sang nhà kia, từ khu vực này sang khu vực nọ để truyền bệnh.
Đồng Nai đang là một trong số những địa phương có số ca mắc SXH cao, trong đó có những ca biến chứng nặng và cũng đã có ca tử vong. Thực tế, bệnh SXH là bệnh có thể không gây nguy hiểm cho nhiều người, nhưng sẽ là đặc biệt nguy hiểm với thể trạng của một số người. Bệnh tuy chưa có vaccine phòng ngừa, nhưng lại hoàn toàn có thể phòng tránh được chỉ bằng những hành động đơn giản mà ai cũng có thể làm được là dọn dẹp, loại bỏ những vật dụng chứa nước, làm sạch những vùng lầy nước đọng để muỗi không còn nơi trú ẩn, sinh sôi, phát tán mầm bệnh. Việc này, cộng đồng phải cùng nhau hành động thì việc phòng, chống bệnh SXH mới hiệu quả và chúng ta sẽ không phải hối tiếc khi điều không may xảy đến với người thân chỉ vì không quan tâm đến công tác phòng dịch.
Hương Lan (ngụ TP.Biên Hòa)