Vụ cháy tại Trường tiểu học Phù Đổng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) ngày 14-4 đã một lần nữa đặt ra vấn đề bổ sung kỹ năng thoát hiểm an toàn trong môi trường học đường.
Vụ cháy tại Trường tiểu học Phù Đổng (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) ngày 14-4 đã một lần nữa đặt ra vấn đề bổ sung kỹ năng thoát hiểm an toàn trong môi trường học đường. Vì thực tế hiện nay các trường học đều được xây cao tầng (nhất là các trường khu vực đô thị) với cơ bản gồm 1 trệt, 2 lầu (hoặc cao hơn). Dù không gian các trường thường có sân rộng, thoáng nhưng nếu không biết cách thoát hiểm an toàn vẫn có thể xảy ra sự cố ngạt khói, giẫm đạp, gây thương tích cho các em.
Công an TP.Biên Hòa hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm cho các em tại một trường mầm non ở P.Trảng Dài. Ảnh: Đăng Tùng |
Do đó, tôi kiến nghị, ngoài việc chủ động phòng cháy trong các trường học, ngành Giáo dục cũng cần thường xuyên phối hợp với cơ quan công an tổ chức cho các em học sinh tập cách thoát hiểm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. Vì khi có cháy, việc tự thoát thân đến nơi an toàn là quan trọng nhất với các em.
Cụ thể, với học sinh, các em cần được dạy cách nhận biết hướng thoát hiểm an toàn, các bước phòng, chống ngạt khói cơ bản với khăn được thấm nước, cách cảnh báo cháy đến những người xung quanh. Với giáo viên, cần được hướng dẫn cách dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ, cách hướng dẫn học sinh thoát hiểm an toàn, điểm danh lại học sinh sau khi thoát hiểm...
Ngoài việc phối hợp với cơ quan công an, các trường có thể dành một buổi ngoại khóa mỗi tháng hoặc lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chung ở sân trường vào đầu tuần, đầu tháng để hướng dẫn học sinh kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, nổ. Nên chăng kỹ năng này được dạy từ lúc các em còn học mầm non để dần hình thành thói quen, phản xạ, không chỉ áp dụng khi tại trường mà còn cả lúc ở nhà.
Trần Thanh Trúc (TP.Biên Hòa)