Thời tiết ở Đồng Nai đang dần chuyển sang mùa mưa nên thường xuất hiện các cơn mưa to, kèm gió lớn vào buổi chiều, tối; tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người dân khi tham gia giao thông, trong đó có việc các cây xanh ven đường bất ngờ gãy, đổ.
Thời tiết ở Đồng Nai đang dần chuyển sang mùa mưa nên thường xuất hiện các cơn mưa to, kèm gió lớn vào buổi chiều, tối; tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người dân khi tham gia giao thông, trong đó có việc các cây xanh ven đường bất ngờ gãy, đổ.
Một cây lớn bên trong phần đất tư nhân đổ ra tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) ngày 23-3 đã được Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa thu dọn. Ảnh: Minh Thành |
Đáng quan tâm, trên địa bàn TP.Biên Hòa có nhiều cây trồng lớn ven đường nhưng nằm trên đất của người dân nên ít được chăm sóc, cắt tỉa định kỳ, dễ bị gãy, đổ khi có mưa to, gió lớn.
* Bất an khi lưu thông lúc giao mùa
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, tại TP.Biên Hòa, các cây xanh trên đất của người dân được hình thành, tồn tại dưới 2 dạng chính là cây trồng lâu đời trên đất và cây lớn được chủ đất mua về, trồng mới. Đặc biệt là tại các khuôn viên biệt thự, nhà hàng, quán cà phê vườn đông đúc khách ra vào trồng nhiều cây xanh. Đa phần cây xanh ở đây to lớn nhưng đều được chủ cơ sở mua từ nơi khác về trồng trong thời gian ngắn nên độ bám chắc của rễ cây không nhiều, nguy cơ gãy đổ ra đường khi có mưa to, gió lớn là rất cao. Cụ thể như những cây xanh tại quán cà phê G. (P.Thống Nhất), nhà hàng K. (P.Quyết Thắng)...
Không chỉ ở phần đất đang kinh doanh dịch vụ ăn uống mà người dân còn lo ngại ngay tại các công ty, trụ sở cơ quan cũng có các hàng cây cao, trồng sát đường. Như hàng cây cau trước khách sạn Đ. (P.Tân Tiến), trước trụ sở cũ của Cục Thuế Đồng Nai (P.Hòa Bình)... Trước những nơi này là con đường đông đúc người và phương tiện qua lại mỗi ngày, nếu cây bị ngã sẽ dễ xảy ra hậu quả đáng tiếc.
Ông Nguyễn Văn Hiếu (ngụ P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho rằng: “Với cây xanh đô thị còn được cơ quan chức năng chăm sóc, có gãy đổ thì còn có người chịu trách nhiệm. Nhưng với các cây trên đất tư nhân, trong các hàng quán, trước cơ quan, công ty... liệu có được chăm sóc, kiểm tra định kỳ hay không. Nếu như có sự cố cây gãy, đổ gây ảnh hưởng tính mạng, tài sản thì sao”.
Lo lắng của người dân là có căn cứ khi mới đây, sau cơn mưa lớn chiều 23-3, 1 cây xanh cao khoảng 8m nằm trên đất của người dân (vốn là quán cà phê vừa ngưng kinh doanh) ven đường Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) đột ngột gãy đổ xuống con đường ra vào Trường THPT Nam Hà có nhiều phương tiện đi lại. Dù may mắn không gây thiệt hại về người nhưng đã dẫn tới ùn tắc giao thông ở khu vực này.
Chủ tịch UBND P.Hiệp Hòa Triệu Ngọc Phước cho hay, để xử lý sự cố trên, đã có nhiều lực lượng phối hợp vừa giải tỏa, điều tiết giao thông, vừa cắt điện và cắt phần cây ngã ra đường. Nhờ vậy, sau hơn 1 giờ, tuyến đường được giải tỏa lưu thông.
* Chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm
Luật sư Vy Thị Nhung (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, việc bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra được nêu rõ tại Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 là chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại.
Tuy nhiên, tại Khoản 2, Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 lại nêu rõ, người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Mà theo Khoản 1, Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.
Do đó, cần xác định rõ cá nhân, tập thể (chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, đơn vị được giao quản lý) chịu trách nhiệm trông coi đã làm hết trách nhiệm chưa khi có sự cố cây gãy đổ. Nếu những cá nhân, tập thể đó đã có các biện pháp (chăm sóc, cắt tỉa, cảnh báo…) phù hợp mà sự cố vẫn xảy ra, dẫn đến thiệt hại phát sinh thì có thể xem đó là sự kiện bất khả kháng.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương cấp xã cần rà soát các hộ dân, cơ sở kinh doanh trên địa bàn có cây xanh lớn hiện hữu trong khuôn viên đất để yêu cầu họ phải có trách nhiệm kiểm tra định kỳ trước khi mùa mưa bắt đầu. Từ đó, phát hiện các bệnh của cây, các nguy cơ gãy, đổ để sớm có biện pháp can thiệp, hạn chế nguy cơ tai nạn xảy ra khi thời tiết vào mùa mưa.
Theo Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa, toàn thành phố có hơn 15 ngàn cây xanh trồng ở vỉa hè, dải phân cách cứng... do Công ty CP Môi trường Sonadezi và Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa chịu trách nhiệm chăm sóc. Các cây này được 2 đơn vị cắt tỉa liên tục, bất kể mùa khô hay mùa mưa. Trung tâm đang đẩy nhanh tiến độ cắt tỉa cây xanh để đảm bảo an toàn cho người dân khi lưu thông trong mùa mưa bão sắp đến. |
Minh Thành