Đồng Nai đang triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Giải đáp các thắc mắc của phụ huynh liên quan đến việc đảm bảo an toàn tiêm chủng, Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN HỮU TÀI lưu ý: Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý cẩn thận, chăm sóc và theo dõi trẻ trước, trong và sau quá trình tiêm chủng để kịp thời phát hiện, ứng phó nếu có những triệu chứng bất thường.
Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài |
Đồng Nai đang triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi. Giải đáp các thắc mắc của phụ huynh liên quan đến việc đảm bảo an toàn tiêm chủng, Phó giám đốc Sở Y tế NGUYỄN HỮU TÀI lưu ý:
Các bậc phụ huynh cần đặc biệt chú ý cẩn thận, chăm sóc và theo dõi trẻ trước, trong và sau quá trình tiêm chủng để kịp thời phát hiện, ứng phó nếu có những triệu chứng bất thường.
* Những trẻ đã khỏi Covid-19, có tiền sử bệnh tật, dị ứng, bệnh mạn tính... có nên tiêm vaccine ngừa Covid-19 không, thưa ông?
- Đối với những trẻ thuộc trường hợp nêu trên cần thận trọng khi tiêm. Các cháu có bệnh lý mạn tính nên được tiêm, song một số trẻ đang có bệnh cấp tính hoặc đợt cấp của bệnh mạn tính đang phải điều trị thì nên để tiêm sau và cần tư vấn của nhân viên y tế để được tiến hành tiêm ngay khi có thể. Trường hợp này, khi tiến hành tiêm và sau tiêm nên được theo dõi sát sao tại cơ sở y tế. Phụ huynh cần theo dõi sát sao trẻ trong những ngày đầu sau tiêm, khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường hoặc biểu hiện bệnh cũ nặng lên cần đến bệnh viện khám và đánh giá ngay.
Đối với những trẻ có tiền sử dị ứng cần được tư vấn, đánh giá của các bác sĩ để có hướng dẫn cụ thể, đảm bảo quyền lợi được tiêm phòng cho các cháu.
Riêng trường hợp trẻ đã khỏi Covid-19 vẫn nên được tiến hành tiêm chủng. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, sau 3 tháng nhiễm Covid-19, trẻ nên được tiêm phòng. Tuy nhiên, tùy tình trạng sức khỏe, yếu tố nguy cơ của trẻ có thể tiến hành sớm hơn, cần phải được tư vấn cụ thể của các nhân viên y tế trong những trường hợp cụ thể.
* Phụ huynh cần lưu ý gì trước khi đưa con đi tiêm ngừa, thưa ông?
- Trước tiên, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý thật tích cực cho trẻ, đồng thời trẻ ăn uống đầy đủ trước và sau khi tiêm. Việc để trẻ tiêm vaccine trong tình trạng đói hay quá no đều không tốt. Khi đến các điểm tiêm chủng, phụ huynh cần thực hiện đúng các hướng dẫn của cán bộ y tế.
Sau khi tiêm xong phải ở lại điểm tiêm 30 phút và thông báo ngay với cán bộ y tế khi trẻ có dấu hiệu bất thường.
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho học sinh lớp 6 chưa đủ 12 tuổi tại Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Biên Hòa). Ảnh: Kim Liễu |
* Nhiều phụ huynh không biết nên cho trẻ ăn uống gì trước và sau khi tiêm, ông có thể cho lời khuyên?
- Phụ huynh cứ cho trẻ ăn uống như bình thường, bởi không có bất kỳ loại thực phẩm cụ thể nào có thể giúp cho vaccine hoạt động tốt hơn. Để đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ trước và sau tiêm, phụ huynh nên cho con ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo lành mạnh và protein. Bên cạnh đó, lưu ý cho trẻ uống đủ nước, có thể nước lọc, nước trái cây, nước dừa…, đặc biệt là trong ngày tiêm phòng. Cung cấp đủ nước giúp chống lại sự mệt mỏi và đau nhức cơ bắp, 2 tác dụng phụ tiềm ẩn khi tiêm chủng.
Sau tiêm có thể có phản ứng sốt, đây là phản ứng thường gặp của hệ miễn dịch sau khi tiêm vaccine. Nếu bị sốt, cơ thể dễ mất nước, nên cần phải cho trẻ uống bù nước.
* Trẻ sẽ gặp những phản ứng nào sau tiêm vaccine, cách xử lý ra sao?
- Phản ứng sau tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi cũng giống như các phản ứng ghi nhận ở đối tượng từ 12 tuổi trở lên. Sau khi về nhà, để trẻ nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh, tập thể thao trong 3 ngày sau tiêm, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đủ dinh dưỡng.
Nếu trẻ sốt, sưng, đau tại vết tiêm thì đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine. Nếu trẻ sốt cao trên 38,50C thì cho trẻ hạ sốt theo hướng dẫn của cán bộ y tế.
Khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như: lừ đừ, bỏ bữa, đau bụng nhiều, đau ngực, trống ngực, mệt lả, vã mồ hôi, khó thở khi hoạt động bình thường và khi nằm, sốt cao khó hạ nhiệt độ hoặc kéo dài hơn 24 giờ, vân tím, phát ban trên da thì phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
* Có trường hợp phụ huynh mách nhau nên cho trẻ uống thuốc giảm đau, giảm sốt ngay sau tiêm để ngăn ngừa các phản ứng phụ, việc này có nên hay không thưa ông?
- Không nên cho trẻ uống các loại thuốc paracetamol, acetaminophen hoặc ibuprofen… trước khi tiêm chủng với ý tưởng ngăn ngừa các triệu chứng mà chỉ nên cho trẻ uống thuốc giảm đau, hạ sốt khi cần thiết sau khi trẻ tiêm vaccine. Nếu trẻ sưng đau nhiều hay sốt cao, phụ huynh cho con uống thuốc giảm đau, hạ sốt thông thường như paracetamol với liều lượng mỗi lần 15mg/kg cân nặng của trẻ, có thể uống 3-4 lần/ngày.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)