Vừa qua, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã công bố những biểu hiện 'báo hóa' một số tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Đáng chú ý là một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã có những 'chiêu trò' khiến nhiều người hiểu lầm đây là báo chính thống, từ đó đăng tải lại thông tin giật gân, thiếu kiểm chứng.
Vừa qua, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã công bố những biểu hiện “báo hóa” một số tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội. Đáng chú ý là một số trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội đã có những “chiêu trò” khiến nhiều người hiểu lầm đây là báo chính thống, từ đó đăng tải lại thông tin giật gân, thiếu kiểm chứng.
Một số trang thông tin điện tử tổng hợp cố tình đặt tên, thiết kế giao diện giống báo điện tử khiến người đọc bị nhầm lẫn với báo chí chính thống. Ảnh: M.Thành |
* Nhan nhản “mạo danh” báo chí
Đại diện Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đã nêu rõ, với trang thông tin điện tử tổng hợp, các biểu hiện “báo hóa” dễ nhận diện là cố tình đặt tên giống với cơ quan báo chí. Đồng thời, các giao diện, chuyên mục cũng được sắp xếp giống với báo điện tử nhưng thông tin, hình ảnh được đăng tải theo hướng giật gân, “câu view”. “Cao tay” hơn, có trang thông tin điện tử tự sản xuất tin, bài rồi gửi cho cơ quan báo chí phát hành trên mạng, sau đó trang thông tin điện tử trên đăng tải lại ngay để hợp thức hóa nguồn tin.
Với mạng xã hội, biểu hiện “báo hóa” cũng nằm ở giao diện, cách bố trí chuyên mục, tự tổ chức sản xuất, tổng hợp tin, bài, hoạt động như trang thông tin điện tử tổng hợp, báo điện tử…
Tại tọa đàm Nhận diện “báo hóa” tạp chí, “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và “tư nhân hóa” báo chí do Bộ TT-TT tổ chức vừa qua, lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) khẳng định đây là vấn đề nhức nhối, gây bức xúc trong chính giới báo chí và dư luận xã hội, cần phải xử lý quyết liệt, triệt để. |
Nguyên nhân của tình trạng trên được Bộ TT-TT chỉ ra là do các quy định của pháp luật chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng một số trang tin tổng hợp, mạng xã hội lợi dụng các kẽ hở này để “mạo danh” báo chí.
Thực tế trên cũng được nhiều bạn đọc chỉ rõ, một số trang thông tin điện tử được các tài khoản mạng xã hội “rải” link khắp các trang, nhóm mạng xã hội với lời lẽ giật gân, đánh vào tâm lý tò mò của người đọc. Lâu dần, nhiều người lầm tưởng đây là báo chí chính thống và tiếp tục phát tán các link này cho bạn bè, người thân. Nhất là khi có các sự kiện nổi bật, được dư luận quan tâm như: tai nạn giao thông, cháy nổ, vi phạm xây dựng hoặc đất đai, môi trường…
Bạn đọc Nguyễn Công Hoàng (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Người đọc thường không quan tâm các cơ quan chủ quản của trang thông tin điện tử mà chỉ chú ý thông tin được đăng tải. Do cách viết, hình ảnh, bố trí quá giống các báo điện tử nên chúng tôi thấy thông tin gì đáng chú ý là bấm vào đọc thôi. Nhiều khi người đọc không phân biệt được tin giả, tin không đúng sự thật, chưa kiểm chứng trên một số trang thông tin điện tử, mạng xã hội, lại chia sẻ cho bạn bè, thật quá nguy hiểm”.
Mong sớm triển khai các biện pháp chấn chỉnh
Lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ TT-TT) cho hay, trên thực tế hiện nay, quy định pháp luật để điều chỉnh, hạn chế tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội đã được nêu trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Trong năm 2021, Bộ TT-TT cũng lấy ý kiến góp ý rộng rãi cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng và Nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 1-3-2018 sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Trong đó, đặt ra những quy định siết chặt, hạn chế tình trạng “báo hóa” diễn ra ở các trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội.
Cụ thể như quy định các kênh, tài khoản mạng xã hội có lượng theo dõi/đăng ký dưới 10 ngàn người dù không phải thông báo với Bộ TT-TT, nhưng nếu muốn live stream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu phải thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ TT-TT. Với các trang thông tin điện tử tổng hợp, phải đưa tin chậm hơn 30 phút so với tin gốc; đặt đường dẫn gốc ngay dưới bài dẫn lại...
Một số bạn đọc đề nghị các cơ quan chức năng, Chính phủ cần sớm xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Nghị định 27/2018/NĐ-CP. Từ đó, cơ quan chức năng sẽ có thêm “công cụ” để quản lý, siết chặt hoạt động của trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, nhất là ngăn tình trạng “báo hóa” ở các loại hình trên, giúp người dân hạn chế tiếp cận các thông tin sai lệch, không đúng sự thật.
Minh Thành