Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Đồng Nai (cùng với TP.HCM) là địa phương có tuổi thọ trung bình cao nhất nước với 76,5 tuổi.
Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam giai đoạn 2016-2020. Theo đó, Đồng Nai (cùng với TP.HCM) là địa phương có tuổi thọ trung bình cao nhất nước với 76,5 tuổi.
Nhiều người dân có thói quen rèn luyện thân thể hằng ngày tại Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh (TP.Biên Hòa). Ảnh: Phương Liễu |
Kết quả này cho thấy, thành tựu trong chăm sóc sức khỏe người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội đã góp phần làm tăng tuổi thọ trung bình của người Việt Nam nói chung và người dân Đồng Nai nói riêng. Tuy nhiên, nhiều khảo sát của các chuyên gia cho thấy, tuổi thọ người Việt Nam tang nhưng tuổi sống khỏe không tăng tỷ lệ thuận.
* Tuổi thọ cao, sức khỏe chưa cao
Theo Tổng cục Thống kê, tuổi thọ trung bình của người dân Đồng Nai đang dẫn đầu cả nước với 76,5 tuổi, cao hơn tuổi thọ trung bình của cả nước (75,4 tuổi) là 1,1 tuổi. Đây là một tín hiệu vui, phản ánh nhiều yếu tố tích cực: mức sống của người dân đã cao hơn, đời sống tinh thần, hoạt động chăm sóc y tế, dinh dưỡng tốt hơn, người dân chăm chỉ rèn luyện thể thao, môi trường thiên nhiên và cộng đồng an toàn hơn... Tất cả những yếu tố này đã đưa tuổi thọ trung bình của người dân Đồng Nai cao hơn so với nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, tại hội nghị Lão khoa quốc gia lần thứ II (tháng 11-2021) với chủ đề Phát triển chính sách trong hệ thống y tế lão khoa tại Việt Nam (do Hội Lão khoa Việt Nam và Bệnh viện Lão khoa trung ương tổ chức), một số chuyên gia đánh giá tuổi thọ của người Việt Nam trong những thập niên gần đây đã tăng cao đáng kể, nhưng thời gian sống khỏe của người Việt Nam không tăng theo tỷ lệ thuận.
Cụ thể, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam trong 30 năm (từ 1989-2019) đã tăng từ 65,2 lên 73,6 tuổi - là mức tăng cao so với nhiều nước trong khu vực, nhưng số năm sống khỏe mạnh của người Việt Nam vẫn chỉ khoảng 64 năm. Thời gian sống khỏe mạnh lại thấp hơn so với nhiều quốc gia, trong đó phụ nữ có trung bình 11 năm sống trong bệnh tật, còn nam giới là 8 năm.
Cũng từ một khảo sát của Hội Lão khoa Việt Nam về vấn đề này cho thấy, có đến 96% người dân sau tuổi 64 mang gánh nặng bệnh tật kép, chủ yếu là bệnh mạn tính không lây. Khảo sát trên nhóm người từ 65-79 tuổi, kết quả có đến 96% số người bị mắc 3 loại bệnh tật; với nhóm người trên 80 tuổi trung bình mỗi người mắc 6,9 loại bệnh tật. Các loại bệnh tật ở người sau 64 tuổi thường gặp là các bệnh về mạch vành, tăng huyết áp, tiểu đường, thoái hóa khớp, ung thư... Ngoài ra, còn có các hội chứng đặc trưng ở người lớn tuổi như: suy giảm nhận thức, lú lẫn, trầm cảm, suy giảm trí nhớ..., khiến thời gian sống khỏe thực sự của người Việt Nam ngắn hơn rất nhiều so với việc tuổi thọ tăng cao.
* Để sống khỏe ở tuổi cao
Tuổi thọ trung bình của con người phụ thuộc vào nhiều yếu tố, thay đổi qua các thời kỳ với xu hướng ngày càng tăng lên. Trong nhiều thập niên qua, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng cao, nhưng tuổi thọ tăng cần đi đôi với một sức khỏe tốt mới là điều đáng quan tâm. Sự song hành này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng theo các chuyên gia, các yếu tố chính là chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể thao và lối sống lành mạnh.
Rèn luyện thể thao mỗi ngày là một trong những yếu tố quan trọng giúp cơ thể tăng sức chống chọi với bệnh tật. Và rất mừng khi phong trào rèn luyện thân thể trên địa bàn Đồng Nai đang được rất nhiều người dân hưởng ứng.
Chú trọng đời sống tinh thần Theo một số chuyên gia y tế, ngoài chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thân thể thì đời sống tinh thần cũng góp phần đáng kể vào việc duy trì sức khỏe và cân bằng trong đời sống. Thực tế đã chứng minh, những người làm việc khoa học, sống lạc quan, có lòng bao dung, cũng như có đời sống hôn nhân hạnh phúc... thường có khuynh hướng sống lâu, sống khỏe mạnh hơn. |
Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Xuân Thanh cho rằng, thể thao là nguồn mạch của sức khỏe. Để đáp ứng nhu cầu luyện tập cũng như thúc đẩy sự phát triển của phong trào thể dục - thể thao trong cộng đồng, nhiều địa phương đã đầu tư, cải tạo và xây dựng mới nhà thi đấu, sân tập ở các công viên, khu vui chơi cộng đồng..., tạo điều kiện cho nhiều người rèn luyện thể thao, bảo vệ sức khỏe. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh phong trào luyện tập thể thao tại các thiết chế văn hóa, thực hiện đề án lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời để các tầng lớp nhân dân đều tham gia luyện tập.
Sáng sớm cũng như chiều tối, tại các công viên: Biên Hùng, Nguyễn Văn Trị, Trung tâm Hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh (Quảng trường tỉnh), cũng như khu vực công cộng ở TP.Biên Hòa thường có rất đông người đi tập thể dục. Đặc biệt, vào buổi sáng tại Quảng trường tỉnh và Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh không khí rất sôi động khi nhiều nhóm thể dục cộng đồng, khiêu vũ tập thể nhiệt tình tập theo tiếng nhạc. Cùng với đó, người dân ở nhiều lứa tuổi khác nhau luyện tập với các máy tập, chạy xe đạp, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, bóng chuyền... rất nhộn nhịp và khí thế.
Hoạt động thể thao không chỉ thu hút người trẻ tham gia mà cả những người cao tuổi cũng tiếp tục sự nghiệp “đãi vàng”. Một trong những cụ ông điển hình về chăm chỉ luyện tập thân thể ở P.Tân Mai
(TP.Biên Hòa) là ông Nguyễn Văn Lữ. Năm nay đã 96 tuổi nhưng ông Lữ còn rất khỏe mạnh, đi lại nhanh nhẹn, đặc biệt là tinh thần vẫn rất minh mẫn... Để có được tài sản “vàng ròng” này, nhiều năm qua ông Lữ đã chọn thể thao làm “người bạn” đồng hành mỗi ngày như: đi bộ, tập tại nhà với các máy đa năng, tập võ...
Ông Lữ cho hay: “Thể thao giúp tôi khỏe mạnh, hoạt bát hơn. Dù tuổi cao nhưng gần như tôi không có bệnh mạn tính nguy hiểm, ngoài việc tai hơi điếc một chút”.
Cùng với luyện tập, bảo đảm dinh dưỡng cho mỗi bữa ăn cũng đang được nhiều người dân quan tâm. Với hàng hóa thực phẩm ngày càng đa dạng, phương tiện mua bán thuận lợi nên nhiều người đã biết chọn lựa các loại thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, chế biến vệ sinh để có một bữa ăn không chỉ ngon, an toàn mà còn đủ dinh dưỡng cho các thành viên trong gia đình.
BS CKI Trần Thị Ngần, Trưởng khoa Dinh dưỡng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: “Dinh dưỡng giữ một vai trò quan trọng trong việc xây dựng và duy trì sức khỏe thể chất”. Để cơ thể cân bằng dinh dưỡng, bữa ăn hằng ngày cần phải đủ 4 nhóm thực phẩm. Cụ thể, lựa chọn loại tinh bột có chất xơ cao; ăn nhiều trái cây và rau xanh; nên ăn cá nhiều hơn ăn thịt động vật; giảm các chất béo và đường; giảm ăn các đồ chiên, xào, nướng; ăn ít muối; uống đủ nước; giữ cân nặng phù hợp và không bỏ bữa ăn sáng...
Phương Liễu