Năm học 2021-2022 là năm có nhiều thách thức, thay đổi trong ngành Giáo dục: trên khắp cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, rất nhiều trường học đã khai giảng trực tuyến và học xuyên suốt như thế trong hơn nửa năm.
Năm học 2021-2022 là năm có nhiều thách thức, thay đổi trong ngành Giáo dục: trên khắp cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, rất nhiều trường học đã khai giảng trực tuyến và học xuyên suốt như thế trong hơn nửa năm. Qua màn ảnh máy tính hằng giờ liền mỗi ngày và với đường truyền mạng thường trong trạng thái quá tải, chập chờn ở cả phía người dạy và người học, giáo viên THCS và THPT phải nỗ lực rất nhiều để truyền tải đến học sinh những nội dung, kiến thức trọng tâm sau khi những nội dung khác đã được tinh giản.
Theo Công văn 4040 ngày 16-9-2021 của Bộ GD-ĐT về hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, THPT ứng phó với dịch bệnh Covid-19 năm học 2021-2022, môn Tiếng Anh “tinh giản” thể hiện ở việc một số bài học liên quan đến kỹ năng nghe, nói được chuyển sang hình thức “học sinh tự đọc”; “học sinh tự thực hiện”; “học sinh tự làm”.
Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát năm 2021, việc dạy học trong thời dịch rất khó khăn. Giáo viên thì chật vật, quay cuồng với việc dạy trực tiếp - trực tuyến. Nhiều học sinh hư máy tính, điện thoại, camera, micro, không thể tương tác với giáo viên nên việc tinh giản một số tiết học, kỹ năng học, trong đó có kỹ năng nghe, nói tiếng Anh là cần thiết, thích ứng linh hoạt với tình hình dạy và học khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Do đó, việc Sở GD-ĐT gửi Công văn 1294/SGDĐT-NV1 ngày 12-4 yêu cầu đề kiểm tra học kỳ 2 môn ngoại ngữ ở khối THCS và THPT phải có cả kỹ năng nghe, nói khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Đến ngày 15-4, Sở GD-ĐT có Công văn 1367/SGDĐT-NV1 gửi các phòng đào tạo điều chỉnh công văn kiểm tra học kỳ 2 năm học 2021-2022, nhưng vẫn yêu cầu đề kiểm tra học kỳ 2 môn ngoại ngữ ở các khối lớp 7, 8 phải có cả kỹ năng nghe, nói. Như vậy, theo 2 công văn trên, đề kiểm tra học kỳ 2 môn ngoại ngữ các khối lớp 7, 8, 10, 11 vẫn phải có kỹ năng nghe, nói. Quy định này liệu có khác với tinh thần linh hoạt của Bộ GD-ĐT và có vô hình trung tạo thêm áp lực cho giáo viên và học sinh?
Dù Công văn 4040 của Bộ GD-ĐT chưa làm rõ các khái niệm “tự đọc”; “tự thực hiện”; “tự làm…”, nhưng tinh thần linh hoạt trong thích ứng với dịch bệnh Covid-19 đã được Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: Không kiểm tra, đánh giá định kỳ đối với những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện.
Học online đã là phương án tốt nhất trong khi dịch bệnh còn hoành hành. Nhưng khi chấp nhận phương án này, chúng ta cũng đồng thời chấp nhận hạn chế ở tương tác thầy - trò, hạn chế ở sự chênh lệch công nghệ do hoàn cảnh kinh tế gia đình học sinh khác nhau, hạn chế ở cơ sở vật chất và tài nguyên giáo dục của từng trường, hạn chế ở chỗ học online lâu dài có thể ảnh hưởng khả năng tiếp thu bài của học sinh và gây căng thẳng. Hạn chế này thể hiện rõ nhất ở việc dạy và học online nghe, nói môn ngoại ngữ. 2 kỹ năng nghe, nói tiếng Anh muốn thi đạt hiệu quả phải cần rất nhiều thời gian và tương tác trực tiếp giữa học sinh với nhau và với giáo viên.
Việc học sinh không có cơ hội được giáo viên dạy nghe, nói trên lớp bài bản mà kiểm tra định kỳ lại có những kỹ năng này, liệu có công bằng cho học sinh, đặc biệt là những học sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện, thiết bị để học nghe, nói từ khi trước dịch? Điều này liệu có gây áp lực học tập cho học sinh?
B.N (TP.Biên Hòa)