Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều người vẫn "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, mạng xã hội.
Dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng liên tiếp trong thời gian gần đây, nhiều người vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo qua các cuộc gọi, tin nhắn điện thoại, mạng xã hội. Kẻ xấu luôn biết biến hóa các chiêu thức cũ (gửi các đường link giả mạo qua tin nhắn; mạo danh ngân hàng, nhà mạng và các cơ quan chức năng nhắn tin, gọi điện) thành những nội dung mới để dẫn dụ người dùng để nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng.
Các tin nhắn mạo danh ngân hàng do đối tượng lừa đảo gửi đến người dùng điện thoại nhằm dẫn dụ họ truy cập vào các đường link giả mạo để chiếm đoạt tiền. Ảnh chụp màn hình |
Để giúp người dùng điện thoại không bị “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, nhiều bạn đọc đã chia sẻ với Báo Đồng Nai kinh nghiệm ứng phó các chiêu lừa đảo để giúp mọi người nâng cao cảnh giác, tránh mất tiền oan.
* Không buông lỏng cảnh giác
Một trong những chiêu trò lừa đảo nổi lên trong thời gian gần đây là đối lượng lừa đảo làm giả tin nhắn giống hệt cách nhắn tin của ngân hàng, lập app giả cho vay tiền để nhử “con mồi” hoặc vờ chuyển tiền nhầm để lừa tiền của các chủ tài khoản.
Nhờ cảnh giác nên chị H. (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) đã không bị lừa. Chị H. cho biết, mới đây chị nhận được tin nhắn SMS từ số lạ có nội dung: "VCB Digibank tran trong thong bao tai khoan cua quy khach hien tai da bi khoa. Dang nhap www.vcbielbiok.com de xac thuc ngay hom nay". Bán tính bán nghi, chị H. mở ứng ứng dụng VCB Smartmobile thì thấy ngay cảnh báo của ngân hàng về việc ngân hàng không nhắn tin SMS cho khách hàng với nội dung trên và khẳng định tin nhắn trên là lừa đảo.
“Đọc báo tôi được biết có một trường hợp ở TP.HCM đăng nhập vào đường link trong tin nhắn do người lạ chuyển đến và tài khoản bị “bốc hơi” hơn 42 triệu đồng. Do đó, tôi không nhấp vào bất cứ đường link nào do số lạ gửi đến. Đối với các giao dịch liên quan đến tiền bạc thông qua các ứng dụng điện tử thì càng phải cẩn trọng” - chị H. chia sẻ.
Mới đây, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã gửi email cho khách hàng cảnh báo thủ đoạn "chuyển tiền nhầm" vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền. Việc chuyển tiền "nhầm" qua tài khoản là thủ đoạn lừa đảo khá tinh vi. Nếu người nhận được tiền vội vã trả tiền lại cho người tự xưng là đã gửi nhầm cho mình mà không xác minh rõ số tài khoản ngân hàng, chứng từ chuyển khoản thì sẽ rất phức tạp.
Chia sẻ kinh nghiệm ứng phó chiêu chuyển tiền nhầm, chị L. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lưu ý: “Tiền không phải của mình thì tất nhiên phải trả lại, nhưng chỉ trả khi người gửi cung cấp chứng từ chứng minh họ là chủ tài khoản đã chuyển nhầm. Nếu mình yêu cầu mà họ lặn mất tăm thì biết là họ lừa đảo rồi. Lúc đó mình phải ra ngân hàng yêu cầu kiểm tra xem ai chuyển tiền rồi chuyển trả ngay cho chính chủ” - chị L nói.
Theo chị L., cách làm này đã giúp chị tránh được các rắc rối phát sinh, vì đối tượng chuyển tiền nhầm qua tài khoản ngân hang của chị đã ghi nội dung là: "Cho L. vay với thời hạn 45 ngày". Theo cách giải thích của ngân hàng, nếu chị không chuyển trả thì sau thời gian nêu trên, chủ tài khoản đó sẽ xuất hiện và đòi khoản tiền đã cho vay cộng lãi suất "trên trời".
Cũng có trường hợp kẻ gian cố tình gửi tiền nhầm, sau đó điện thoại cho người nhận và viện lý do đang ở nước ngoài, rồi yêu cầu chủ tài khoản đăng nhập vào dịch vụ chuyển tiền quốc tế qua một đường link do họ gửi để chuyển trả. Nếu người nhận không tìm hiểu kỹ mà làm theo các thao tác mà họ chỉ dẫn thì tài khoản cá nhân có thể bị họ rút sạch.
* Yêu cầu người gọi chứng minh nhân thân
Anh Trần Huy Tân (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho biết, gần đây anh nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ, người gọi tự xưng là nhân viên của MobiFone giới thiệu sẽ giúp anh chuyển sim từ 3G lên 4G rồi yêu cầu anh đọc số chứng minh nhân dân và ngày, tháng, năm, sinh rồi yêu cầu nhắn tin theo cú pháp mà họ gửi đến...
“Các thông tin cá nhân tôi đã cung cấp cho nhà mạng khi đăng ký mua sim, nếu là nhân viên nhà mạng thì sao họ không nắm? Tôi liền hỏi ngược lại, yêu cầu người gọi đến cung cấp tên để tôi liên hệ tổng đài nhà mạng để xác minh, bỗng dưng đầu dây bên kia cúp máy liền, rõ ràng họ có tật giật mình” - anh Tân kể.
Nhờ cảnh giác mà anh Tân đã không dính bẫy các đối tượng lừa đảo, thực chất đây là “chiêu” chiếm đoạt sim. Nếu nhắn tin theo cú pháp đối tượng lừa đảo cung cấp, chủ thuê bao sẽ mất quyền kiểm soát sim. Khi đối tượng lừa đảo trở thành "chính chủ" họ dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử… của nạn nhân.
Chị Lê Mỹ Huyền (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) chia sẻ: “Tôi và bạn bè thỉnh thoảng cũng có nhận cuộc gọi từ số lạ, người gọi tự xưng là nhân viên điện lực, ngân hàng, công an, tòa án… Khi đó, tôi yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân của họ trước như: tên họ, địa chỉ cơ quan, số điện thoại… để tôi trực tiếp đến làm việc. Thường khi nghe vậy là họ tự ngắt liên lạc”.
Kinh nghiệm đúc kết của nhiều người thì dấu hiệu để nhận biết tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo là đối tượng thường mạo danh đơn vị, cơ quan chức năng gửi các đường link, điện thoại yêu cầu người nhận đăng nhập, cung cấp thông tin cá nhân, hay mã OTP của điện thoại, email hay tài khoản ngân hàng…
“Theo quy định, để giải quyết hành vi vi phạm hay có việc liên quan, bất kỳ cơ quan nhà nước nào cũng chỉ làm việc trực tiếp với người dân và không bao giờ làm việc qua điện thoại. Vì vậy, khi nhận tin nhắn, cuộc gọi như thế người nhận nên báo công an hoặc cơ quan chủ quản đơn vị dịch vụ, ngân hàng nơi mình mở tài khoản hoặc chặn liên lạc” - chị Lê Thị Cẩm Hà (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ.
Kim Liễu