Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều quy định mới bảo vệ quyền lợi người lao động

10:02, 13/02/2022

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ), mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Nghị định 12).

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động (NLĐ), mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định 12/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội (BHXH), NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Nghị định 12).

Người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: An Nhiên
Người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp tại trụ sở Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: An Nhiên

Nghị định 12 tăng mức xử phạt lên nhiều lần đối với những hành vi làm sai quy định của chủ sử dụng lao động, nhằm hạn chế tình trạng các doanh nghiệp không tuân thủ quy định pháp luật về lao động cũng như bảo vệ NLĐ.

* Nhiều chế tài đối với chủ sử dụng lao động

Nghị định 12 ban hành ngày 17-1-2022, có hiệu lực cùng ngày được cho là một bước tiến mới trong việc xử lý sai phạm của người sử dụng lao động. 

Thời gian qua, có nhiều trường hợp chủ doanh nghiệp không chốt sổ BHXH cho NLĐ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ, thì nay hành vi này sẽ bị xử phạt khá nặng. Điều 39, Nghị định 12 quy định những mức phạt mà người sử dụng lao động không thực hiện các nghĩa vụ của mình đối với NLĐ liên quan đến việc đóng và chốt sổ BHXH.

Cụ thể, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho NLĐ, để NLĐ hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN. Trước đây (tại Nghị định 28/2020/NĐ-CP ngày 1-3-2020 về quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, BHXH, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), hành vi này chỉ bị phạt từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng nên chưa đủ sức răn đe.

Ngoài ra, hành vi không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của NLĐ do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định; không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BHTN của NLĐ khi NLĐ hoặc tổ chức Công đoàn yêu cầu, chủ doanh nghiệp cũng sẽ bị phạt từ 1-3 triệu đồng, trong khi trước đó, hành vi này không bị xử lý.

Điểm đáng chú ý trong Nghị định 12 là đối với các hành vi như: chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN; đóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; đóng BHXH, BHTN không đủ số người mà không phải là trốn đóng… sẽ bị phạt rất nặng.

Cụ thể, chủ sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 12-15% trên tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Tại Điều 39, Nghị định 12 cũng quy định mức phạt tiền từ 50-75 triệu đồng khi chủ doanh nghiệp có một số hành vi như: trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu vi phạm những hành vi trên, ngoài mức phạt tiền thì chủ sử dụng lao động còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đóng đủ số tiền BHXH bắt buộc, BHTN phải đóng cho cơ quan BHXH.

Ngoài ra, theo Nghị định 12, chủ sử dụng lao động không trả sổ BHXH cho NLĐ sẽ bị phạt tiền từ 2-4 triệu đồng khi vi phạm với mỗi NLĐ nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng. Trên đây là mức phạt tiền đối với cá nhân, còn với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt sẽ là gấp đôi.

Những điểm mới về tăng mức xử phạt tại Nghị định 12 sẽ hạn chế được tình trạng chủ sử dụng lao động chiếm dụng, chiếm đoạt, chậm nộp về cơ quan BHXH, khiến NLĐ thiệt thòi khi thôi việc cũng như hưởng các chính sách liên quan đến BHXH.

* NLĐ đồng thuận

Tăng mức xử phạt, chế tài nặng đối với chủ sử dụng lao động có hành vi vi phạm pháp luật về lao động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ là chủ trương rất đúng đắn và kịp thời, được nhiều NLĐ đồng thuận. Việc này không chỉ tạo hành lang pháp lý để buộc các doanh nghiệp tôn trọng pháp luật, mà còn giúp cho mối quan hệ giữa chủ sử dụng lao động và NLĐ trở nên minh bạch hơn, bền vững hơn.

Anh Phạm Vinh, công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho biết, trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vào năm 2021, tháng 9-2021 công ty cho công nhân nghỉ việc và không đóng BHTN tháng này, nên khi xem xét điều kiện hưởng hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 từ Quỹ BHTN, anh và nhiều công nhân trong công ty không đủ điều kiện, vì theo quy định phải đóng BHTN đến ngày 30-9. Vợ anh làm cùng công ty nên hai vợ chồng bị “vuột” mất gần chục triệu đồng. Thời dịch nhiều khó khăn, mất số tiền đó là một thiệt thòi lớn của gia đình anh.

“Tôi mong rằng, những quy định mới này sẽ buộc chủ doanh nghiệp phải thực hiện đúng quy định, như thế quyền lợi của NLĐ mới được bảo đảm” - anh Vinh cho hay.

Bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ cũng là vấn đề rất được pháp luật về lao động quan tâm. Một thực tế hiện nay là còn không ít công ty chưa thực sự quan tâm và tuân thủ những quy định về chăm sóc sức khỏe sinh sản đối với lao động nữ. Do đó, Nghị định 12 đã tăng mức xử phạt đối với những chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định này là một trong những giải pháp bảo vệ NLĐ, đặc biệt là lao động nữ.

Chị Nguyễn Kim Nhung (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa), công nhân một công ty gia công hàng may mặc ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2 cho biết, làm việc trong môi trường nhiều bụi vải, lại phải ngồi may hàng giờ nên trong những ngày “đèn đỏ”, chị rất mệt mỏi. Theo quy định, lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian hành kinh, thế nhưng hầu như lao động nữ không được nghỉ. Bởi may theo dây chuyền, người ở chuyền này làm việc thì người ở chuyền kế tiếp mới có hàng để làm tiếp nên hầu như không ai được nghỉ. Theo quy định mới, nếu công ty không thực hiện quy định trên sẽ bị phạt nặng. Có như vậy, lao động nữ mới được hưởng quyền mà pháp luật lao động đã dành cho mình.

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, những điểm mới trong Nghị định 12 là hành lang pháp lý, làm cơ sở để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đầy đủ quyền lợi cho NLĐ. Thực tế, trước đó cũng có chế tài xử phạt những chủ doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng BHXH, BHYT, nhưng mức phạt nhẹ, không đủ sức răn đe. Nay tăng mức xử phạt nặng hơn, cao hơn sẽ khiến doanh nghiệp e ngại, đồng thời cũng tạo cơ sở pháp lý cho cơ quan chức năng xử lý dễ dàng hơn.

Nghị định 12/2022 quy định, chủ doanh nghiệp sẽ bị phạt từ 10-20 triệu đồng nếu vi phạm những quy định sau: không cho lao động nữ nghỉ 30 phút trong thời gian “đèn đỏ”; sắp xếp lao động nữ mang thai từ tháng thứ 6 trở đi, lao động nữ nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm thêm giờ, làm ca đêm hoặc đi công tác xa (trừ khi được NLĐ đồng ý); không lắp đặt phòng vắt, bảo quản sữa mẹ tại nơi làm việc đối với doanh nghiệp có  từ 1 ngàn công nhân trở lên.

An Nhiên

Tin xem nhiều