Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Cẩm Mỹ đẩy mạnh thu gom rác tại nhà

10:02, 09/02/2022

Gần 7 năm áp dụng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, đến nay H.Cẩm Mỹ đã giảm thiểu được tình trạng xả thải ra môi trường; đồng thời, xây dựng thói quen bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân.

Gần 7 năm áp dụng mô hình thu gom rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, đến nay H.Cẩm Mỹ đã giảm thiểu được tình trạng xả thải ra môi trường; đồng thời, xây dựng thói quen bỏ rác đúng nơi quy định cho người dân.

Công nhân thu gom rác tại xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: M.Thành
Công nhân thu gom rác tại xã Bảo Bình (H.Cẩm Mỹ). Ảnh: M.Thành

* Hình thành thói quen tốt

H.Cẩm Mỹ là vùng nông thôn với đặc thù nhiều gia đình có đất vườn, rẫy rộng nên nhiều năm về trước không ít người có thói quen đốt rác, chôn rác thải sinh hoạt hằng ngày ngay sau vườn nhà hoặc bỏ ra các suối. Việc này gây ảnh hưởng đến môi trường sống, cụ thể là nguồn nước suối, nước ngầm, khói khí độc từ việc đốt rác ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người dân xung quanh.

Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, thói quen này đã thay đổi khi H.Cẩm Mỹ áp dụng mô hình thu gom rác tại các hộ gia đình trên cả 12 xã và TT.Long Giao với mức phí mỗi hộ phải trả hằng tháng khoảng 25-30 ngàn đồng.

Từ năm 2018 đến ngày 31-5-2021, rác sinh hoạt toàn H.Cẩm Mỹ sau khi thu gom được vận chuyển về Khu xử lý chất thải ở xã Xuân Mỹ (Công ty TNHH Thương mại - môi trường Thiên Phước làm chủ đầu tư). Nhưng sau vụ cháy tại khu xử lý chất thải này vào cuối năm 2020, hệ thống lò đốt rác ngưng hoạt động, dẫn đến hơn 8,5 ngàn tấn rác sinh hoạt còn tồn đọng, ảnh hưởng đến môi trường, nguồn nước ngầm. H.Cẩm Mỹ vừa kiến nghị Sở TN-MT hướng dẫn, phối hợp UBND huyện xử lý dứt điểm lượng rác còn tồn đọng nêu trên, không để ô nhiễm kéo dài.

Bà Nguyễn Kiều Thư (ngụ xã Sông Ray) cho biết: “Từ ngày có xe đi thu gom rác, gia đình tôi hạn chế hẳn việc đốt rác sinh hoạt, nhà cửa cũng sạch sẽ hơn vì rác được tập trung, thu gom đều đặn. Việc này giúp chúng tôi nâng cao chất lượng cuộc sống, hạn chế các loại chuột, bọ phát sinh từ rác thải không được xử lý đúng cách”.

Nhờ công tác thu gom rác tại nhà mà đến nay, sau mỗi ngày, người dân các địa phương trong huyện đã hình thành thói quen bỏ rác vào thùng trước nhà hoặc đặt ở một vị trí cố định để xe đi thu gom. Đặc biệt, với các nhà sống ngay ven đường, ven các suối, việc thu gom rác tại nhà giúp gia đình họ đỡ bị ảnh hưởng bởi các đống rác tự phát, các bao rác trôi gây nghẽn suối, bốc mùi như nhiều năm trước đây.

Để nhận được sự ủng hộ của người dân, cơ quan chức năng đã phối hợp cùng chính quyền các xã tuyên truyền, vận động, áp dụng thí điểm trước một số nơi. Sau khi nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân, mô hình thu gom rác tại hộ gia đình đã được áp dụng rộng rãi.

Anh Nguyễn Song Toàn (ngụ xã Xuân Tây) đề nghị, để việc thu gom rác tại hộ gia đình được thực hiện liên tục, hiệu quả, cơ quan chức năng cần lưu ý, nhắc nhở các đơn vị thu gom đảm bảo lộ trình, thời gian thu gom. Trong quá trình di chuyển rác, không được để nước rỉ rác, rác rơi vãi xuống đường, gây ảnh hưởng đến người dân.

* Hạn chế xả thải ra môi trường

Theo Phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ, trung bình mỗi ngày khối lượng rác thải sinh hoạt toàn huyện khoảng 87,5 tấn. Để thu gom kịp thời số lượng rác thải này, hiện H.Cẩm Mỹ có 5 đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt với 8 xe ép rác chuyên dụng, thu gom đều đặn mỗi tuần 3 lần. Nhờ đó, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%, trong đó tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt khoảng 14,7%, tương đương với 12,94 tấn/ngày.

Lãnh đạo Phòng TN-MT H.Cẩm Mỹ cho hay, đối với người dân, việc thu gom rác tại hộ gia đình đã giúp hạn chế việc xả rác thải sinh hoạt ra môi trường. Các đơn vị thu gom rác phải đảm bảo thu gom rác đều đặn, đảm bảo vệ sinh trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng đã nhận được phản ảnh việc một số đơn vị còn để rỉ nước rác ra đường, không thu gom đúng thời gian… nên đã yêu cầu khắc phục, nghiêm túc chấn chỉnh.

Bên cạnh đó, với các hộ sống sâu bên trong các rẫy có mật độ dân cư thưa thớt, quãng đường di chuyển xa nếu thu phí đều đặn như tại các khu đông đúc thì chi phí sẽ tăng cao. Do đó, sau khi lắng nghe kiến nghị từ người dân và các đơn vị thu gom, cơ quan chức năng đã chọn phương án đẩy mạnh phân loại rác tại nguồn ở từng hộ gia đình. Cụ thể, với các loại rác hữu cơ (như thức ăn thừa hằng ngày, phế phẩm sau khi chế biến rau củ quả) thì các hộ có thể dùng làm thức ăn chăn nuôi, chôn lấp thành phân bón; riêng các rác khó phân hủy (như vỏ bao bì nhựa) sẽ được thu gom theo từng tuần.

Minh Thành

Tin xem nhiều