Từ lâu nay, tình trạng các đường hẻm tại TP.Biên Hòa bị một số hộ dân lấn chiếm làm mục đích riêng diễn ra khá phổ biến. Những hành vi này vẫn chưa được xử lý triệt để dù không ít lần người dân đã lên tiếng phản ảnh tới cơ quan chức năng.
Từ lâu nay, tình trạng các đường hẻm tại TP.Biên Hòa bị một số hộ dân lấn chiếm làm mục đích riêng diễn ra khá phổ biến. Những hành vi này vẫn chưa được xử lý triệt để dù không ít lần người dân đã lên tiếng phản ảnh tới cơ quan chức năng.
Hẻm 77, đường Đồng Khởi (P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) thường xuyên có 2 hàng xe ô tô đậu song song hai bên thành hàng dài, khiến không gian lưu thông bị thu hẹp. Ảnh: Đ.Hồ |
* Muôn kiểu lấn chiếm hẻm
Tại nhiều con hẻm đông dân cư ở các phường nội thành Biên Hòa, mọi người có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng lấn chiếm không gian chung của hẻm, chủ yếu là một số hành vi thường gặp như: đậu xe, bày bàn ghế để buôn bán, kê chậu trồng rau, để vật liệu xây dựng…, khiến việc đi lại của người khác gặp khó khăn, cản trở.
Cụ thể như tại hẻm 1, hẻm 77, đường Đồng Khởi (P.Tam Hòa) thường xuyên có 2 hàng xe ô tô đậu song song hai bên đường hẻm khiến không gian lưu thông bị bó hẹp. Hoặc hẻm 20, đường Võ Thị Sáu (P.Quyết Thắng); hẻm 152, đường 30-4 (P.Trung Dũng); một số hẻm không tên sau Sở Xây dựng (P.Quang Vinh) thường xuyên được một số hộ kinh doanh “tận dụng” làm nơi để xe máy của khách…
Chị N.C.V. (ngụ P.Tam Hòa, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Tôi sống ở một chung cư trong hẻm 77, đường Đồng Khởi, sáng nào đi làm cũng rất bực bội khi đường hẻm bị nhiều xe ô tô đậu hai bên khiến lối đi bị thu hẹp, nhiều khi đi có một đoạn mà phải chờ một lúc lâu vì bị kẹt xe trong hẻm khi có thêm vài xe nữa đi vào. Đặc biệt, lúc này học sinh đã đi học trở lại nên vào buổi sáng, đường hẻm đông đúc. Việc các hộ dân để xe ô tô như vậy rất ảnh hưởng đến việc đi lại chung”.
Không chỉ vậy, một số đường hẻm ở TP.Biên Hòa còn bị người dân đặt các chậu cây kiểng, đá quanh tường nhà nhằm hạn chế việc xe đậu sát tường nhà mình. Thậm chí, không ít nhà dùng hẻm làm nơi tập kết vật liệu xây dựng nhưng không che chắn, khiến cát, đá tràn ra đường, gây nguy hiểm cho người khác.
Anh N.V.Q. (ngụ P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) cho rằng, việc xây dựng nhà cửa phải “mượn tạm” không gian công cộng để đặt vật liệu là điều khó tránh khỏi, điều này những người cùng sống trong hẻm rất thông cảm. Tuy vậy, chính chủ nhà phải có ý thức nhắc đơn vị thi công sau mỗi ngày phải thu dọn vật liệu, nhất là cát, đá vì đây là những thứ thường tràn ra đường gây trơn trượt cho các phương tiện lưu thông trên đường.
* Cần thêm không gian chung
Lãnh đạo một số phường nội thành Biên Hòa nhận định, tình trạng lấn chiếm hẻm chung dùng cho mục đích cá nhân hiện khá phổ biến, nhưng rất khó để xử lý dứt điểm. Phần lớn người dân chọn biện pháp giải quyết nội bộ như: nhắc nhở, đề nghị chấn chỉnh tại các buổi họp khu dân cư để tránh mất hòa khí. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm vỉa hè xảy ra ngay tại các tuyến đường chính, đường lớn trong địa phương còn chưa thể dẹp được vì lực lượng chức năng “mỏng” nên với các đường hẻm lại càng không đủ người để đi kiểm tra, nhắc nhở.
Ngoài ra, UBND các phường cũng cho rằng, với các hẻm dân cư sinh sống lâu đời vốn nhỏ hẹp, bản thân diện tích mỗi nhà cũng hẹp, nhưng theo thời gian nhu cầu kinh doanh, mua sắm xe ô tô ngày một nhiều nên khó tránh khỏi việc các hẻm bị lấn chiếm. Tuy nhiên, việc lấn chiếm trên cũng chỉ diễn ra trong thời gian có hạn như các hộ kinh doanh hay đông khách vào buổi sáng, chiều tối; một số hộ có xe ô tô nhưng không có chỗ đậu cũng chỉ đậu ngoài hẻm chủ yếu vào buổi tối. Riêng các hộ dân xây dựng nhưng vật liệu tập kết không quy củ, tràn ra đường sẽ nhanh chóng được UBND địa phương nhắc nhở khi kiểm tra xây dựng.
Trước thực tế trên, một số người dân đề xuất các giải pháp để giải bài toán không gian hẻm đô thị. Đối với việc lấn chiếm không gian chung của hẻm để kinh doanh, đặt vật dụng, cây kiểng thì cần có biện pháp nhắc nhở, xử phạt. Riêng để hạn chế việc đậu xe (nhất là xe ô tô cá nhân) trong thời gian dài thì nên có những bãi đậu xe thu phí gần khu dân cư; việc này không chỉ hạn chế tình trạng xe đậu lấn hẻm mà còn góp phần tái tạo “bộ mặt” khang trang cho không gian công cộng.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, tại Điều 18 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nêu rõ, người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đậu xe song song với một xe khác đang dừng, đậu; nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5m tính từ mép đường giao nhau; nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe… Nếu vi phạm, sẽ bị phạt theo quy định tại Điểm e, Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 31-12-2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, với mức phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 1 triệu đồng. |
Đông Hồ