Báo Đồng Nai điện tử
En

Cụ thể hóa quy định về danh tính điện tử

09:02, 22/02/2022

Từ ngày 24-1 đến 24-3, Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử. Đây là dự thảo nghị định hoàn toàn mới vừa được Bộ Công an xây dựng.

Từ ngày 24-1 đến 24-3, Bộ Công an lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử. Đây là dự thảo nghị định hoàn toàn mới vừa được Bộ Công an xây dựng.

Sắp tới, danh tính điện tử của công dân Việt Nam cũng bao gồm các thông tin trong căn cước công dân Trong ảnh: Công an TP.Biên Hòa làm thủ tục thu nhận thông tin làm căn cước công dân cho người dân. Ảnh: Minh Thành
Sắp tới, danh tính điện tử của công dân Việt Nam cũng bao gồm các thông tin trong căn cước công dân Trong ảnh: Công an TP.Biên Hòa làm thủ tục thu nhận thông tin làm căn cước công dân cho người dân. Ảnh: Minh Thành

Theo đó, việc giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử sẽ được đảm bảo hơn khi các quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử được triển khai thực hiện.

* Nhiều quy định mới

Dự thảo Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử được Bộ Công an xây dựng gồm 5 chương với 46 điều. Trong đó, đáng chú ý là chương II về danh tính điện tử, định danh điện tử (gồm 21 điều) quy định rõ danh tính điện tử của công dân Việt Nam, của người nước ngoài, nơi tiếp nhận hồ sơ đăng ký tài khoản định danh điện tử, trình tự thủ tục đăng ký tài khoản…

Danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân; họ, tên đệm và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; nơi đăng ký thường trú; hình chân dung và vân tay. Đồng thời, để có tài khoản định danh điện tử, người từ đủ 14 tuổi trở lên đăng ký thông qua ứng dụng VNEID hoặc đến cơ quan công an (nơi tiếp nhận đề nghị cấp căn cước công dân) đề nghị cấp tài khoản. Đối với người chưa đủ 14 tuổi, người được giám hộ thì đăng ký theo tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Luật sư Lê Quang Y, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh cho hay, dự thảo nói trên cũng quy định tài khoản định danh điện tử còn được chia làm 2 mức với một số giới hạn khác nhau.

Tài khoản định danh điện tử mức 1 được tạo lập trong trường hợp đã đăng ký thành công tài khoản ứng dụng VNEID trên thiết bị di động và được xác minh bằng ảnh chân dung trùng khớp với cơ sở dữ liệu căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Ở mức này, tài khoản sẽ hiển thị các thông tin cá nhân, các thông tin liên quan đến phòng chống thiên tai, dịch họa (nếu có); thực hiện thanh toán các hóa đơn; an sinh xã hội.

Riêng tài khoản định danh điện tử mức 2 được tạo lập trong trường hợp thông tin danh tính điện tử trùng khớp với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin sinh trắc học của công dân được xác minh trùng khớp với Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Để được tài khoản mức 2 và xác thực điện tử, người từ đủ 14 tuổi phải đăng ký tại cơ quan công an. Ở mức độ này, tài khoản có giá trị sử dụng như thẻ căn cước công dân, có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin của cá nhân, tổ chức đã được xác thực trong các giao dịch trên môi trường điện tử…

* Phù hợp thực tế ứng dụng công nghệ

Theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi tham gia giao dịch trên môi trường mạng, góp phần đảm bảo an toàn thông tin. Đồng thời, nghị định sẽ khắc phục được những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai ứng dụng công nghệ thông tin; hướng tới phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Để dự thảo Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử được thông qua, nghị định sớm đi vào thực tiễn, đến nay Bộ Công an đã xây dựng xong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Trong đó, có việc đầu tư trang thiết bị cho lực lượng công an Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã để thực hiện việc quản lý dân cư.

Theo các cơ quan chức năng, việc định danh điện tử, danh tính điện tử nếu sớm được áp dụng thì người dân có thể giảm bớt việc mang theo các loại thẻ ra đường, thay vào đó là điện thoại thông minh có cài đặt ứng dụng VNEID. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần tổ chức tập huấn, hướng dẫn để người dân có thể nắm bắt được cách dùng, sử dụng rộng rãi và an toàn như với PC-Covid hoặc Sổ sức khỏe điện tử.

Theo dự thảo Nghị định quy định về danh tính điện tử, định danh điện tử, danh tính điện tử của công dân Việt Nam là tập hợp dữ liệu số trong Cơ sở dữ liệu định danh điện tử quốc gia được so sánh thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân cho phép xác định duy nhất một cá nhân trên môi trường điện tử. Định danh điện tử là hoạt động tạo lập, gắn danh tính điện tử với chủ thể danh tính điện tử dựa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh và cơ sở dữ liệu có liên quan.

Minh Thành

Tin xem nhiều