Tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh các cơ quan, đơn vị chức năng như: công an, ngân hàng, điện lực… nhắn tin, gọi điện đe dọa, lừa đảo người dùng điện thoại diễn ra lâu nay. Mặc dù cơ quan chức năng, nhà mạng, cơ quan truyền thông đã nhiều lần có cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ồ ạt và có xu hướng gia tăng vào dịp Tết.
Tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh các cơ quan, đơn vị chức năng như: công an, ngân hàng, điện lực… nhắn tin, gọi điện đe dọa, lừa đảo người dùng điện thoại diễn ra lâu nay. Mặc dù cơ quan chức năng, nhà mạng, cơ quan truyền thông đã nhiều lần có cảnh báo nhưng tình trạng này vẫn diễn ra ồ ạt và có xu hướng gia tăng vào dịp Tết.
Người dân nên cảnh giác, không làm theo hướng dẫn từ những tin nhắn có nội dung như trên để tránh bị lừa đảo. Ảnh chụp màn hình |
Chia sẻ với phóng viên Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc cho biết, gần đây hay nhận được tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại không quen biết.
* 1.001 kiểu “giăng bẫy”
Chị Yến nhà ở P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) chia sẻ, mới đây chị nhận được cuộc điện thoại từ người lạ thông báo chị trúng thưởng 1 máy rửa mặt trị giá 1,2 triệu đồng vì trước đó chị đã mua 1 áo len ở shop thời trang online. Sau khi giới thiệu về công dụng, tính năng của máy, người gọi yêu cầu chị gửi trước 500 ngàn đồng chi phí nhận thưởng và hứa sẽ hoàn lại các chi phí sau khi phần thưởng được gửi đến nhà.
“Không hiểu vì sao đối tượng biết rõ các thông tin cá nhân của tôi như: họ tên, số điện thoại, địa chỉ nhà và mặt hàng tôi mua trên shop online. Chính vì vậy, lúc đầu tôi cũng tưởng mình trúng thưởng thật. Tuy nhiên, khi nghe tới đoạn chuyển tiền trước, nhận hàng sau là tôi nghi ngay thủ đoạn lừa đảo. Tôi đoán các thông tin cá nhân bị lọt lộ khi tôi đặt mua hàng online vì đối tượng mô tả sản phẩm tôi mua rất chính xác, chi tiết” - chị Yến nói.
Cảnh giác trước cuộc gọi quốc tế Theo khuyến cáo của Bộ TT-TT, người dân cần cảnh giác với cuộc gọi có số điện thoại từ quốc tế nhằm tránh bị lợi dụng, lừa đảo tống tiền. Để bảo vệ quyền lợi và tránh thiệt hại không đáng có, người dân cần lưu ý: các cuộc gọi, tin nhắn từ quốc tế về sẽ hiển thị dấu cộng (+) hoặc 00 ở đầu và 2 số tiếp theo không phải là 84 (mã nước Việt Nam). Đối với các cuộc gọi nhá máy từ số quốc tế, không nên gọi lại, chỉ nên gọi lại khi biết chắc chắn đó là số điện thoại của người thân ở nước ngoài. Đối với các cuộc gọi giả danh công an, viện kiểm sát, ngân hàng hoặc thông báo có quà từ bưu điện…, người nghe tuyệt đối không thực hiện bất cứ yêu cầu nào. Không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại, cần tắt máy ngay và trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý hoặc thông báo đến số điện thoại trực ban hình sự 0692348560 của Cục Cảnh sát hình sự (C02 - Bộ Công an) để được hướng dẫn kịp thời. |
Tương tự, chị Liên (ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom) kể, mới đây chị nhận được cuộc điện thoại lạ gọi cho chị và xưng là người ở Bộ Công an nói rằng thẻ ATM của chị đang bị ai đó lợi dụng, lừa đảo nên giờ chị đang dính vào một vụ điều tra… Lúc đầu nghe dính líu đến pháp luật chị thấy hơi lo, nhưng bình tĩnh hỏi kỹ lại chị thấy vô lý vì cả năm nay chị không hề dùng đến thẻ ATM, nghi ngờ có người muốn lừa đảo nên chị cúp máy.
Còn chị Nguyễn Thanh Thảo (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay, thỉnh thoảng chị có nhận tin nhắn: “Chúng tôi phát hiện tài khoản của bạn đang tiêu dùng ở nước ngoài, nếu không phải là bạn đang tiêu dùng vui lòng nhấp vào đây”, kèm theo là một đường link. Do trước đó đã được cảnh báo về tình trạng mạo danh ngân hàng để lừa người nhận nhấp vào các link của các trang web lừa đảo nhầm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng nên chị Thảo đã không làm theo hướng dẫn của kẻ gian.
Ngoài các “chiêu lừa” trên, nhiều bạn đọc chia sẻ, thỉnh thoảng nhận được các cuộc từ người lạ tự xưng là nhân viên điện lực thông báo đang nợ tiền điện, nhân viên chuyển phát thông báo có gói quà từ nước ngoài, nhân viên ngân hàng thông báo đang thiếu nợ, cảnh sát thông báo lỗi vi phạm giao thông hoặc liên quan đến các vụ án đang điều tra như: buôn bán ma túy, rửa tiền xuyên quốc gia... Thủ đoạn bọn lừa đảo thường dùng là đánh vào tâm lý người nghe rồi yêu cầu kê khai tài sản, tiền mặt hiện có, tiền trong các tài khoản ngân hàng và tìm cách hù dọa, chiếm đoạt tài sản của người bị hại.
* Làm sao để tránh bị lừa?
Thực tế đã có không ít người đã “sập bẫy” từ những cuộc gọi, tin nhắn như trên. Để không bị lừa, theo các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân không nên tin vào các tin nhắn, cuộc gọi lạ. Dấu hiệu nhận biết là kẻ gian khi liên hệ thường yêu cầu người nhận điện thoại cung cấp thông tin cá nhân, dẫn dụ người nhận truy cập vào đường link do họ cung cấp, cung cấp mã OTP, hù dọa hoặc hứa hẹn những món quà “từ trên trời rơi xuống”… Do đó, người dân cần nâng cao cảnh giác với những cuộc gọi lạ, nhất là vào dịp cuối năm.
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Biên Hòa lưu ý, người dân tuyệt đối không nên làm theo bất kỳ yêu cầu nào từ tin nhắn, cuộc gọi của người lạ mà phải có sự xác minh lại với các tổ chức, cơ quan Nhà nước có liên quan. Theo quy định, để giải quyết hành vi vi phạm hay có việc liên quan, bất kỳ cơ quan Nhà nước nào cũng chỉ làm việc trực tiếp với người dân và không bao giờ làm việc qua điện thoại. Hơn nữa, Viện KSND, cơ quan công an không bao giờ yêu cầu nộp tiền qua tài khoản cá nhân.
Theo Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), trong năm 2021, cơ quan này đã xử lý gần 1,1 triệu sim có dấu hiệu thông tin thuê bao không đúng quy định. Đồng thời, ngăn chặn hơn 78 triệu cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo và xử lý 227 ngàn thuê bao phát tán cuộc gọi rác. Dù vậy, tình trạng người dùng bị quấy nhiễu vẫn còn. Nhiều người cho rằng, cơ quan chức năng cần phải mạnh tay hơn nữa trong quản lý, xử lý vi phạm thì mới mong ngăn chặn được tình trạng trên.
“Khi có ai đó bị lừa, nhiều ý kiến cho rằng do nạn nhân mất cảnh giác hoặc thiếu hiểu biết. Nhưng nếu cứ đổ lỗi cho nạn nhân là chưa thỏa đáng, bởi kẻ gian thường ở trong bóng tối và luôn có muôn hình vạn trạng kiểu “giăng bẫy” người dùng điện thoại và trên các không gian mạng. Vì vậy, ngoài nỗ lực tự bảo vệ chính mình của người dùng, rất cần các giải pháp ngăn chặn từ gốc qua công tác quản lý SIM rác, xử lý mạnh tay tình trạng mua bán, trao đổi thông tin cá nhân của người khác… từ các cơ quan chức năng” - ông Nguyễn Văn Như Sơn (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) kiến nghị.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Kiều Diễm (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) cho rằng: “Bản thân mỗi người cần luôn tỉnh táo, đừng tò mò, đừng nhấn vào link lạ, đừng tham trúng thưởng… Song song đó, cơ quan chức năng cần siết chặt hơn nữa việc quản lý SIM rác, có các biện pháp quản lý và kỹ thuật để ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo làm phiền người dân”.
Kim Liễu