Thời gian tới, các mức phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể là việc điều chỉnh một số mức phạt tiền; sửa đổi, bãi bỏ một số hành vi vi phạm để phù hợp với quy định về quản lý PCCC, sát với thực tiễn.
Thời gian tới, các mức phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy (PCCC) sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể là việc điều chỉnh một số mức phạt tiền; sửa đổi, bãi bỏ một số hành vi vi phạm để phù hợp với quy định về quản lý PCCC, sát với thực tiễn.
Theo quy định mới, hành vi không kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn sẽ bị phạt 1-2 triệu đồng. Trong ảnh: Công an TP.Biên Hòa kiểm tra hệ thống đèn chiếu sáng sự cố tại một chung cư ở P.Hòa Bình. Ảnh: Đ.Tùng |
* Điều chỉnh các mức xử phạt vi phạm hành chính
Ngày 1-1-2022, Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực (gọi tắt là Nghị định 144) và thay thế Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013. Nghị định 144 bao gồm 4 chương, 82 điều (nhiều hơn 8 điều so với Nghị định 167/2013/NĐ-CP), trong đó, hành vi vi phạm về PCCC và cứu nạn, cứu hộ được quy định tại Mục 3, Chương II gồm 23 điều (từ Điều 29 - Điều 51) với tổng số 184 hành vi vi phạm hành chính.
Nghị định 144 còn bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Trưởng phòng Nghiệp vụ của Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an. Ngoài ra, nghị định đã quy định thẩm quyền xử phạt cho Thanh tra Bộ Tài chính, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đối với doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc có hành vi vi phạm quy định tại Điều 49, Nghị định 144 (vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc). |
Đáng chú ý, một số nội dung mới ở lĩnh vực PCCC trong Nghị định 144/2021/NĐ-CP như quy định thêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực cứu nạn, cứu hộ; sửa đổi, bãi bỏ một số hành vi vi phạm để phù hợp với quy định về quản lý nhà nước đối với công tác PCCC. Cụ thể, bổ sung mới các hành vi vi phạm: “Sử dụng người thực hiện chuyên trách nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ khi chưa được cấp chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ hoặc chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ cứu nạn, cứu hộ đã hết thời hạn” và “Không bố trí, duy trì thang máy chữa cháy, phòng trực điều khiển chống cháy theo quy định của pháp luật”…
Ngoài ra, Nghị định 144/2021/NĐ-CP còn điều chỉnh mức phạt tiền theo hướng tăng cao đối với một số hành vi vi phạm hành chính cho phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm… Đáng chú ý, hành vi “Không tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC” tại quy định cũ chỉ phạt 300-500 ngàn đồng thì nay mức phạt tăng lên gấp 10 lần là 3-5 triệu đồng. Hay hành vi “Hàn, cắt kim loại mà không có biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC theo quy định” tại quy định cũ chỉ phạt 2-5 triệu đồng thì mức phạt hiện hành đã lên 10-15 triệu đồng.
Nghị định 144 cũng bổ sung thêm một điều hoàn toàn mới về các hành vi vi phạm trong khai báo cơ sở dữ liệu về PCCC và truyền tin báo sự cố (Điều 43). Đáng chú ý, Nghị định 144 đã bãi bỏ hình thức phạt trục xuất (dành cho người nước ngoài) đối với một số hành vi vi phạm không mang tính nguy hiểm, chưa đến mức phải trục xuất.
* Phù hợp với điều kiện thực tế
Theo Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, Nghị định 144 đã có nhiều thay đổi sát với thực tế, về lâu dài sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước của lực lượng chức năng cũng như tự quản lý của cơ sở về PCCC có nhiều thuận lợi hơn.
Đặc biệt, một trong những thay đổi theo hướng tích cực, phù hợp với kiến nghị của Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ suốt những năm qua chính là bổ sung hình thức phạt “cảnh cáo” (bên cạnh mức phạt tiền) với vi phạm quy định an toàn PCCC để xảy ra cháy, nổ tại hộ gia đình mà gây thiệt hại về tài sản từ 50 triệu đến dưới 100 triệu đồng. Vì thực tế nhiều gia đình sau khi xảy ra hỏa hoạn đã kiệt quệ, không còn khả năng đóng phạt tiền nên việc có thêm hình thức “cảnh cáo” sẽ phù hợp, nhân văn.
Về phía các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC đều nhận định, các thay đổi trong Nghị định 144 cũng cụ thể hơn so với Nghị định 167/2013/NĐ-CP theo hướng sát thực tế, tăng tính răn đe. Đại diện Ban Quản lý chợ Long Bình Tân (TP.Biên Hòa) cũng cho rằng, các quy định mới về công tác PCCC trong Nghị định 144 rất phù hợp khi thực tế nhiều vụ cháy xảy ra xuất phát từ các sự cố, nguyên nhân chủ quan không đáng có. Mà nếu người đứng đầu cơ sở phát huy hết trách nhiệm thì có thể sẽ không xảy ra cháy. Vì vậy, việc nâng một số mức phạt hoặc cụ thể hóa các hành vi vi phạm hành chính trên lĩnh vực PCCC sẽ giúp người đứng đầu nắm rõ quy định, biết e ngại mức phạt mà quan tâm hơn, làm tốt hơn công tác PCCC, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ xảy ra.
Đăng Tùng