Từ ngày 1-1-2021, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới về thu phí gom rác thải theo khối lượng. Với những quy định này sẽ góp phần hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn.
Từ ngày 1-1-2021, Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 chính thức có hiệu lực với nhiều quy định mới về thu phí gom rác thải theo khối lượng. Với những quy định này sẽ góp phần hình thành thói quen phân loại rác thải tại nguồn.
Chậm nhất là ngày 31-12-2024 sẽ áp dụng giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Trong ảnh: Một xe thu gom rác sinh hoạt tại P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: M.Thành |
* Cụ thể hóa quản lý chất thải rắn sinh hoạt
Luật BVMT năm 2020 gồm 16 chương, 171 điều (giảm 4 chương, tăng 1 điều so với Luật BVMT năm 2014). Trong đó, đáng chú ý là mục 2, chương VI về quản lý chất thải rắn sinh hoạt quy định những điểm mới trong việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích đã phân loại. Hay quy định phân loại, lưu giữ, chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt cụ thể đối với hộ gia đình tại đô thị và hộ gia đình tại nông thôn.
Khoản 1, Điều 77 Luật BVMT năm 2020 nêu rõ, UBND các cấp lựa chọn cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt thông qua hình thức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu; trường hợp không thể lựa chọn thông qua hình thức đấu thầu thì thực hiện theo hình thức đặt hàng hoặc giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. |
Cụ thể, với giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được tính toán theo căn cứ phù hợp với quy định của pháp luật về giá; dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý.
Ngoài ra, Luật BVMT năm 2020 còn quy định rõ điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải có các khu vực khác nhau để lưu giữ các loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, bảo đảm không để lẫn các loại chất thải đã được phân loại với nhau. Ngoài ra UBND các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT theo quy định của Bộ TN-MT.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết thêm, trong 5 điều của mục 2, chương VI Luật BVMT năm 2020 còn có những điểm mới như: nêu rõ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại theo nguyên tắc chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác (Khoản 1, Điều 75). Hay theo Khoản 2, Điều 77 Luật BVMT năm 2020, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác).
* Góp phần hình thành thói quen tốt cho người dân
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, các quy định tại mục 2, chương VI Luật BVMT năm 2020 sẽ giúp hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn của người dân. Để kịp thời áp dụng thu phí gom, vận chuyển, xử lý dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại chậm nhất là ngày 31-12-2024, thời gian qua, Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố xây dựng Đề án Quản lý thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt.
Phó giám đốc Sở TN-MT Trần Trọng Toàn cho hay, để làm được điều này đòi hỏi phải nâng cao năng lực của các cơ sở vận chuyển, xử lý chất thải. Đồng thời, phải triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên toàn tỉnh, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho các hoạt động thu gom, quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đặc biệt, các cơ sở xử lý chất thải phải áp dụng công nghệ xử lý chất thải tiên tiến, đảm bảo xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng tiết giảm, tái chế, tái sử dụng và phần còn lại là đốt thu hồi năng lượng phát điện.
Bên cạnh đó, để Luật BVMT năm 2020 đi vào cuộc sống, UBND các phường của TP.Biên Hòa cũng đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về phân loại rác thải tại nhà bằng các hình thức như: trang bị thùng rác, đặt các bảng tuyên truyền tại khu dân cư… Tính đến cuối năm 2021, toàn TP.Biên Hòa đã có hơn 200 ngàn hộ đăng ký, đóng tiền thu gom rác và hơn 135 ngàn hộ tham gia phân loại rác.
Bà Nguyễn Thị Hòa, công chức môi trường UBND P.Hòa Bình (TP.Biên Hòa) cho rằng, quy định mới của Luật BVMT năm 2020 về phí thu gom rác thải theo khối lượng và thể tích đã phân loại sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại rác tại nhà. Đáng chú ý, thông qua quy định rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại (chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác) sẽ góp phần giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn, bởi nếu không thực hiện việc này thì chi phí xử lý rác thải phải nộp sẽ cao.
Minh Thành