Gần 3 tháng kể từ khi cuộc sống bước sang giai đoạn bình thường mới, nhiều người tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ sau những tháng ngày làm việc đầy áp lực và vất vả.
Gần 3 tháng kể từ khi cuộc sống bước sang giai đoạn bình thường mới, nhiều người tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ sau những tháng ngày làm việc đầy áp lực và vất vả.
Tình nguyện viên tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Ảnh: Phương Liễu |
Theo nhiều nhân viên y tế, tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch, việc góp sức với tỉnh và TP.Biên Hòa trong công tác phòng, chống dịch trước hết là trách nhiệm và sự tình nguyện của bản thân. Tuy nhiên, nếu Chính phủ đã có chế độ hỗ trợ thì nên thực hiện sớm, đúng và đủ.
* Chậm chi trả tiền hỗ trợ
Bản thân là dược sĩ cao đẳng, còn em trai là dược sĩ đại học, những ngày tham gia công tác tình nguyện phòng, chống dịch (từ ngày 25-8 đến 31-10-2021) ở TP.Biên Hòa đối với chị em N.C.A. (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) là quãng thời gian khó quên. Trên tinh thần tự nguyện tham gia phòng, chống dịch, chị N.C.A. và em trai cũng không đặt nặng chuyện có hay không được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo chị N.C.A., nếu chính sách hỗ trợ của Chính phủ áp dụng toàn quốc thì nên được thực hiện đúng và đủ.
Chị N.C.A. cho biết, theo quy định, những tình nguyện viên có chuyên môn y tế làm công tác truy vết, lấy mẫu thì được hỗ trợ 300 ngàn đồng/ngày. Nhưng khi tính tiền chi hỗ trợ cho chị em N.C.A., TP.Biên Hòa thông báo sẽ trừ 80 ngàn đồng tiền cơm/người/ngày trong suốt 65 ngày tham gia chống dịch. Dù đã bị trừ tiền, nhưng đến nay chị N.C.A. và người em trai vẫn chưa được nhận số tiền hỗ trợ còn lại.
Cũng nhiệt tình với công tác tình nguyện chống dịch từ ngày 25-9 đến 25-11-2021, anh V.V.T. (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) cho biết, chỉ được hưởng mức hỗ trợ 130 ngàn đồng/ngày chứ không phải 300 ngàn đồng/ngày như quy định và cũng bị cấn trừ tiền cơm. Vì thế, 60 ngày tham gia chống dịch, đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, số tiền ít ỏi còn lại chỉ khoảng 3 triệu đồng, nhưng đến nay anh vẫn chưa nhận được số tiền này.
Không chỉ nhóm tình nguyện viên chậm được chi trả tiền hỗ trợ mà còn có nhiều nhân viên y tế từng “căng mình” chống dịch tại các bệnh viện dã chiến (BVDC) chưa được nhận hoặc đã nhận, nhưng chỉ được nhận một phần tiền hỗ trợ.
Gửi con cho người thân để đi làm nhiệm vụ phòng, chống dịch theo sự phân công suốt 6 tháng liên tục (từ tháng 6 đến 12-2021), nguyên giám đốc một BVDC ở TP.Biên Hòa cho biết, ông cũng mới chỉ nhận được 4 tháng tiền hỗ trợ. Vị bác sĩ này cho biết, được phân công và vì trách nhiệm mà làm nên ông không nghĩ nhiều đến tiền hỗ trợ. Tuy nhiên, đến nay nhiều bác sĩ, nhân viên y tế trong BVDC nơi ông được tăng cường chống dịch trước đây cũng chưa được nhận tiền hỗ trợ, trong khi công việc của họ vất vả, áp lực, nhiều người phải xa gia đình, gác lại việc riêng để tập trung cho công tác phòng, chống dịch.
“Đã có chế độ hỗ trợ thì nên ưu tiên chi trả sớm cho đội ngũ này, nhất là những bác sĩ trẻ chưa có tích lũy, đội ngũ điều dưỡng vốn thu nhập thấp..., nhằm bù đắp một phần những vất vả cũng như động viên anh em xông pha nơi tuyến đầu chống dịch” - vị bác sĩ này kiến nghị.
Tham gia tăng cường công tác phòng, chống dịch, điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 nặng tại một BVDC khác ở TP.Biên Hòa nhưng sau hơn 3 tháng tham gia, bác sĩ trưởng khoa của một bệnh viện tuyến tỉnh cho hay, ông và một số đồng nghiệp cũng chưa nhận tiền hỗ trợ. “Thời gian công tác tại BVDC của tôi rất rõ ràng, có quyết định tăng cường của bệnh viện, về thủ tục gần như không vướng gì, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ” - vị bác sĩ này cho hay.
* Vẫn còn bất cập...
Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhất là thời điểm từ tháng 6 đến tháng 9-2021, nguồn nhân lực y tế trên địa bàn thiếu trầm trọng nên việc huy động nhiều tầng lớp xã hội tham gia vào công tác phòng, chống dịch là cần thiết để sớm khống chế dịch bệnh. Tuy nhiên, việc chi chế độ hỗ trợ cho đội ngũ tình nguyện viên cũng còn nhiều bất cập.
Nhiều tình nguyện viên trong tỉnh thắc mắc, những tình nguyện viên tỉnh bạn tăng cường cho Đồng Nai chống dịch, ngoài chế độ hỗ trợ thì được lo ăn, chỗ ở, còn tình nguyện viên trong tỉnh thì không được tiền ăn, có nơi tình nguyện viên còn phải tự trả tiền ở khách sạn (do tiếp xúc nhiều với F0 nên các tình nguyện viên này không thể về nhà hằng ngày). Ngay cả tiền hỗ trợ cũng chỉ được chi ở mức thấp nhất, dù Chính phủ đã có nghị quyết mới điều chỉnh, bổ sung, tăng mức hỗ trợ cho đội ngũ tham gia chống dịch.
Cụ thể, theo Nghị quyết 16/NQ-CP ngày 8-2-2021 của Chính phủ quy định về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19 thì các tình nguyện viên và nhân viên y tế không hưởng lương tham gia phòng, chống dịch được hưởng 130 ngàn đồng/người/ngày. Thế nhưng, ngày 19-11-2021, Chính phủ đã có Nghị quyết số 145/NQ-CP về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số chế độ, chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 thì mức hưởng đối với đối tượng này được nâng lên 300 ngàn/người/ngày, đồng thời được hưởng 80 ngàn đồng tiền ăn và 40 ngàn đồng phí sinh hoạt/người/ngày (theo Khoản 5, Điều 1 Nghị quyết số 145/NQ-CP). Nhưng khi chi trả tiền hỗ trợ, một số địa phương lại áp dụng mức cũ là 130 ngàn đồng/người/ngày theo Nghị quyết 16/NQ-CP mà không áp dụng mức hưởng mới đã được điều chỉnh tăng mức hưởng.
Ngoài ra, một số tình nguyện viên cho rằng, quy định đối tượng hưởng hỗ trợ phòng, chống dịch cũng chưa sát với thực tế. Việc này vướng khá nhiều ở các trung tâm y tế, khiến không ít nhân viên y tế thường xuyên làm các công việc có nguy cơ lây nhiễm cao nhưng không có chế độ gì. Đặc biệt, tại các trung tâm y tế ở những địa bàn đông dân, có dịch bệnh diễn biến phức tạp như TP.Biên Hòa, các huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu...
Giám đốc Trung tâm Y tế H.Vĩnh Cửu Hồ Văn Hoài cho hay, hiện các nhân viên y tế được tăng cường trong các đội, tổ truy vết, lấy mẫu, tiêm vaccine thì được hưởng hỗ trợ, nhưng những nhân viên y tế làm trong các ban hậu cần, ban vật tư chống dịch cũng rất vất vả nhưng lại không thuộc diện được hưởng hỗ trợ.
Theo BS Hồ Văn Hoài, những nhân viên y tế trong các ban hậu cần, ban vật tư cũng rất nhiều việc phải lo toan như: mỗi ngày phải làm báo cáo; soạn vật tư, chuẩn bị vaccine, kit test, sinh phẩm, dụng cụ y tế cho các đội, tổ phòng dịch; đưa vaccine đến cấp phát cho các trạm y tế; cấp phát túi thuốc, túi an sinh... cũng rất vất vả. Trong thời gian cao điểm dịch bệnh, trung tâm đã huy động tất cả nhân viên để chạy việc, nhiều người phải làm việc thâu đêm, làm ngoài giờ. “Nếu tính tiền ngoài giờ cho những nhân viên này cũng vướng quy định “không quá 200 giờ/năm”, trong khi anh em làm việc với công suất gấp 2-3 lần bình thường. Chưa kể tình trạng áp lực gia tăng khi nhiều nhân viên y tế không chịu nổi vất vả đã xin nghỉ việc, nên người ở lại phải choàng gánh công việc rất nhiều, rất áp lực. Mà nguồn chi thêm cho những nhân viên này trung tâm cũng không có do dịch bệnh, hoạt động khám chữa bệnh hầu như bị tạm ngưng nên không có nguồn để hỗ trợ anh em” - BS Hồ Văn Hoài cho biết.
Vì vậy, mong muốn của nhiều bệnh viện, trung tâm y tế là tỉnh nên có chính sách hỗ trợ cho những nhân viên y tế tham gia chống dịch ngoài những đối tượng được Chính phủ quy định nhằm động viên, khuyến khích các nhân viên y tế gắn bó với công việc vốn đã quá nhiều vất vả trong thời gian dịch bệnh xảy ra.
Theo Giám đốc Sở Y tế PHAN HUY ANH VŨ, hiện nay tiền hỗ trợ phòng, chống dịch cho các nhóm đối tượng đã được cấp về các bệnh viện, các trung tâm y tế cũng như các địa phương. Riêng ở các bệnh viện, việc chi trả diễn ra khá nhanh chóng, còn tại các trung tâm y tế có phần chậm hơn vì nhiều đoàn, nhóm, đội, tổ, đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch hồ sơ bị vướng chứng từ, cần phải có thời gian bổ sung. Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị phải hoàn tất việc chi trả chế độ hỗ trợ cho tất cả các đối tượng trong thời gian sớm nhất có thể. |
Phương Liễu