Vụ án bé gái V.A. (8 tuổi, ngụ TP.HCM) bị người tình của cha đánh đập, bạo hành đến tử vong gây phẫn nộ cho toàn xã hội. Người phụ nữ đánh bé V.A. đã bị bắt để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Sau đó, cha của cháu bé cũng bị bắt để điều tra về hành vi hành hạ, ngược đãi con.
Vụ án bé gái V.A. (8 tuổi, ngụ TP.HCM) bị người tình của cha đánh đập, bạo hành đến tử vong gây phẫn nộ cho toàn xã hội. Người phụ nữ đánh bé V.A. đã bị bắt để điều tra về hành vi hành hạ người khác. Sau đó, cha của cháu bé cũng bị bắt để điều tra về hành vi hành hạ, ngược đãi con.
Tôi đau xót vô cùng khi nghĩ đến cảnh bé phải sống trong “địa ngục trần gian” hơn 1 năm, bị “dì ghẻ” đánh đập, hành hạ hết sức dã man với nhiều vết thương tại những vùng nguy hiểm trên cơ thể, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Người ta đã lợi dụng quan điểm “Thương cho roi cho vọt” để ngang nhiên bạo hành cháu bé; ngăn cản mẹ ruột thăm nom; thậm chí, xóa cả camera để che giấu những hành vi tàn bạo đối với sức chịu đựng của một đứa trẻ…
Tôi cũng lấy làm tiếc khi trong suốt hơn 1 năm cháu bé bị bạo hành nhưng hàng xóm, trường học, hội đoàn, công an, địa phương đều không hề hay biết. Hoặc hàng xóm có biết nhưng vì nghĩ “đèn nhà ai nấy sáng”, “thương cho roi cho vọt” nên cũng không quan tâm, vô cảm trước việc một cháu bé bị đánh đập, hành hạ nhiều lần.
Để không tái diễn những vụ việc đau lòng như của bé V.A. thì theo tôi:
Thứ nhất, những cơ quan bảo vệ quyền trẻ em phải thường xuyên tuyên truyền, tiếp nhận, khuyến khích người dân phát hiện hoặc nghi ngờ khả năng trẻ bị bạo hành, xâm hại ở bất kỳ địa chỉ nào, báo ngay với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn.
Thứ hai, trẻ em phải được dạy dỗ để biết các em có quyền sống, quyền được bảo vệ, có kỹ năng tự bảo vệ mình khi bị người lớn bạo hành, xâm hại. Nếu bị bạo hành, xâm hại, các bé biết cần gọi cho ai, cơ quan nào để được hỗ trợ, bảo vệ. Phải triệt để phá bỏ, lên án cách giáo dục lỗi thời “Thương cho roi cho vọt”. Thân thể, tâm hồn trẻ em là bất khả xâm phạm dù kẻ xâm phạm là cha mẹ ruột hay bất kỳ ai.
Thứ ba, đã có mô hình Nhà tạm lánh cho phụ nữ bị bạo hành gia đình, có các trường giáo dưỡng nuôi dạy, giáo dục thanh thiếu niên hư hỏng, vi phạm pháp luật. Nhưng đã đến lúc cần có thêm các trung tâm xã hội chuyên biệt như các nước phát triển vẫn làm để giáo dưỡng trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi hay bạo hành, tạm thời cho đến khi môi trường sinh hoạt, giáo dục của các em đủ điều kiện đảm bảo mới trả về cho gia đình.
Hy vọng vụ việc thương tâm của bé V.A. để lại cho chúng ta bài học vô giá cùng lời cảnh tỉnh lương tri cho tất cả mọi người. Chúng ta không được phép để tái diễn cảnh trẻ em bị bạo hành, bị ngược đãi, để bé V.A. yên lòng ra đi …
Thy Đường (TP.Biên Hòa)