Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểu đúng về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19

10:11, 19/11/2021

Hiện nay, có tình trạng một bộ phận người dân sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh vì nghĩ rằng đã có "lá chắn" vaccine nên không cần thực hiện giải pháp 5K theo quy định... 

Hiện nay, có tình trạng một bộ phận người dân sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 đã chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh vì nghĩ rằng đã có “lá chắn” vaccine nên không cần thực hiện giải pháp 5K. Đến khi có thông tin một số trường hợp người mắc Covid-19 ở TP.HCM và Đồng Nai đã tiêm vaccine phòng Covid-19 nhưng vẫn có diễn biến nặng dẫn đến tử vong, nhiều người lại lo lắng, thậm chí nghi ngờ hiệu quả của vaccine phòng Covid-19.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, TS-BS Phan Huy Anh Vũ. Ảnh: P.Liễu
Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, TS-BS Phan Huy Anh Vũ. Ảnh: P.Liễu

Để giúp bạn đọc hiểu đúng hơn về hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19, phóng viên Báo Đồng Nai đã có cuộc trao đổi với TS-BS PHAN HUY ANH VŨ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai về vấn đề này.

* Sau khi tiêm vaccine ngừa Covid-19, vaccine sẽ bảo vệ người được tiêm ngừa ra sao, thưa ông?

- Cũng giống như các loại vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine ngừa Covid-19 giúp cơ thể con người phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh.

Hiện nay, không có loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%, sau khi tiêm chủng vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp vẫn bị mắc bệnh. Tuy nhiên, đối với người đã tiêm chủng đầy đủ, nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề.

Vaccine ngừa Covid-19 ngoài tác dụng giảm số người nhiễm virus, làm giảm số trường hợp bị biến chứng nặng do mắc bệnh còn giúp giảm số người phải nhập viện điều trị do bệnh thường diễn biến nhẹ. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng rộng thì nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ giảm và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Hiện nay, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine tại Đồng Nai khá cao nhưng không vì thế mà mọi người chủ quan, cần phải thực hiện biện pháp 5K trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng.

* Về các trường hợp F0 dù đã tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn tử vong, ông có thể giải thích để người dân không hiểu sai về hiệu quả của vaccine?

- Như đã nói ở trên, vaccine ngừa Covid-19 không bảo vệ tuyệt đối, người đã tiêm đủ 2 mũi vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Những trường hợp F0 tử vong tại TP.HCM và Đồng Nai vừa qua tập trung ở những người lớn tuổi mắc các bệnh nền, bệnh mãn tính.

Người bệnh nặng tử vong không phải tình huống bất thường hay phản ánh vaccine kém hiệu quả, bởi mục đích của tiêm vaccine là để giảm số ca bệnh trong cộng đồng chứ không phải không còn bệnh. Vaccine góp phần giảm lây lan, giảm bệnh chứ không thể ngăn chặn triệt để và giúp người bệnh không bị nặng, chứ không phải miễn nhiễm với virus SARS-CoV-2.

Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Hạnh Dung
Y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Ảnh: Hạnh Dung

* Sau khi tiêm vaccine, một số người test nồng độ kháng thể và tỏ ra hoang mang khi thấy kết quả xét nghiệm cho chỉ số thấp. Ông có thể nói rõ hơn để người dân yên tâm về việc này?

- Theo Bộ Y tế, xét nghiệm huyết thanh học phát hiện kháng thể không sử dụng để xác định một người đang nhiễm virus và không giúp xác định hiệu quả bảo vệ đối với bệnh Covid-19, mà chủ yếu phục vụ trong nghiên cứu, đánh giá dịch tễ, điều trị. Do đó, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan về việc không sử dụng xét nghiệm kháng thể SARS-CoV-2 sai mục đích, không cần thiết, gây tốn kém và có thể gây tâm lý chủ quan trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Hiểu đơn giản, kháng thể là các protein đặc biệt do cơ thể sản sinh ra để chống lại các bệnh nhiễm trùng, bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus. Có thể chia thành 2 loại: kháng thể liên kết (gồm IgM, IgG…) và kháng thể trung hòa. Ngoài ra, một phòng tuyến cực kỳ quan trọng trong cơ thể, đó chính là các tế bào nhớ, khi virus hay một phần virus xâm nhập vào cơ thể, những tế bào nhớ sẽ được sinh ra và tồn tại rất lâu, chúng sẽ ghi nhớ bộ mặt virus hoặc kháng nguyên. Vì vậy, nếu chỉ dựa vào chỉ số IgG, IgM đơn độc để đánh giá tình trạng miễn dịch là không có nhiều ý nghĩa.

Sau khi tiêm ngừa, cơ thể sẽ có kháng thể giúp bảo vệ cơ thể trước sự lây nhiễm của Covid-19, nhưng không hoàn toàn giúp chúng ta miễn dịch hẳn với virus này và lượng kháng thể SARS-CoV sẽ giảm dần theo thời gian. Dù ít hay nhiều kháng thể, nếu đã tiêm đủ 2 liều vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh, chúng ta đã có một hệ thống miễn dịch trong cơ thể để chống lại virus ở lần tấn công sau.

* Xin cảm ơn ông!

Kim Liễu (thực hiện)

 

Tin xem nhiều