Hơn 2 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9-7 đến nay, không ít đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội (MXH) để lan truyền các tin giả, sai sự thật liên quan tới dịch bệnh Covid-19.
Hơn 2 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ từ ngày 9-7 đến nay, không ít đối tượng đã lợi dụng mạng xã hội (MXH) để lan truyền các tin giả, sai sự thật liên quan tới dịch bệnh Covid-19.
Thanh tra Sở TT-TT phối hợp cùng Công an TP.Biên Hòa làm việc với anh N.M.T. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật. Ảnh: Công an cung cấp |
Để ngăn chặn tình trạng này, trong thời gian qua, Thanh tra Sở TT-TT phối hợp với cơ quan chức năng liên tục phát hiện, xử phạt nghiêm các đối tượng lan truyền tin giả, sai sự thật liên quan đến dịch bệnh Covid-19, gây hoang mang dư luận.
* Phát hiện nhiều vụ vi phạm
Từ ngày 9-7 đến nay, Thanh tra Sở TT-TT phối hợp với công an các địa phương xử lý 8 vụ việc đưa thông tin sai sự thật, tin bịa đặt liên quan đến dịch bệnh Covid-19 trên MXH. Qua đó, xử phạt 7 vụ với tổng số tiền 40 triệu đồng (1 vụ nhắc nhở).
Gần nhất, vào ngày 9-9, Sở TT-TT đã xử phạt chị N.P.P.S. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) 7,5 triệu đồng vì nhiều lần đưa thông tin sai sự thật về thuốc chữa bệnh Covid-19 lên MXH.
Trước đó, chị N.P.P.S đã có nhiều bài chia sẻ trên Facebook, Zalo với nội dung: “Xuyên tâm liên - Bài thuốc quý trong điều trị Covid 19; Xuyên tâm liên chứa 2 nhóm hoạt chất chính là diterpen lacton và Flavonoid có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn; kháng vi sinh vật (vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, chống oxy hóa, ung thư…” và thêm những chia sẻ về: “Dương tính Covi uống thuốc nhà em 1 tuần, cả 2 vợ chồng đều âm tính 100%…”.
Tương tự, ngày 4-9, Sở TT-TT cũng xử phạt N.M.T. (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) 5 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật về tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên MXH. Cụ thể, vào chiều 1-9, trên MXH Facebook lan truyền thông tin về một người bị sốc phản vệ sau khi khi tiêm vaccine ngừa Covid-19 VeroCell của Sinopharm. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, khi sử dụng Facebook, N.T.M. thấy có người đăng hỏi vụ việc nên vào bình luận: “Ở khu 8, chích xong rút kim ra giãy đành đạch”. Tuy nhiên, theo cơ quan công an xác định, đây là thông tin sai sự thật, gây hoang mang dư luận, khiến nhiều người lo lắng về tác dụng phụ của vaccine ngừa Covid-19.
Sau khi bị xử phạt hành chính, cả chị N.P.P.S. và anh N.M.T. phải tháo gỡ thông tin giả, sai sự thật đã đưa, đồng thời xin lỗi công khai trên MXH.
Theo Thanh tra Sở TT-TT, các thông tin giả, tin sai sự thật trong thời điểm dịch bệnh hiện nay chủ yếu tập trung vào đưa thông tin sai về người nhiễm, thuốc chữa bệnh và hoạt động tiêm vaccine ngừa Covid-19. Người đưa thông tin này lợi dụng sự hiếu kỳ, tâm lý lo lắng của người dân về dịch bệnh để lan truyền tin giả, tin sai sự thật làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống dịch bệnh của lực lượng chức năng; gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân về tác dụng phụ của vaccine ngừa Covid-19, cũng như gây ngộ nhận về công dụng của các loại thuốc, bài thuốc điều trị Covid-19 chưa được kiểm chứng.
Chánh thanh tra Sở TT-TT Nguyễn Thanh Hương cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở TT-TT tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Đồng thời, Sở TT-TT cũng được giao phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời xác minh đối tượng phát tán tin giả, xử lý theo quy định; phối hợp các đơn vị chức năng của Bộ TT-TT, Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn nội dung vi phạm trên không gian mạng.
* Cảnh giác với tin giả
Nhằm kịp thời ngăn chặn tình trạng tin giả, tin sai sự thật trên MXH, ngay từ đầu tháng 8-2021, Sở TT-TT đã giới thiệu thông tin về Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT-TT) đến các địa phương trong tỉnh; thường xuyên có khuyến cáo cán bộ, công chức, viên chức, người dân truy cập vào trang web của Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam để được hướng dẫn cách nhận biết, phòng tránh tin giả, tin sai sự thật.
Theo Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam, các bước kiểm chứng tin giả rất đơn giản. Người dân cần kiểm tra nơi đưa nguồn tin, tác giả có đáng tin cậy hay không; hình ảnh, đường dẫn có hữu ích hay không; bản thân có đang định kiến với đối tượng nào không. Đồng thời, phải kiểm tra xem có phải tin tức cũ được đăng lại hay không; tỉnh táo xác định trò đùa hay thông tin thật; nếu có khả năng hãy tham khảo ý kiến các chuyên gia có uy tín về vấn đề đang được lan truyền trên MXH.
Về phía chính quyền các địa phương, lãnh đạo một số UBND phường tại TP.Biên Hòa đề nghị, cần tăng cường đăng tải thông tin về xử phạt người đưa tin giả, tin sai sự thật về các vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để tăng tính răn đe, giáo dục nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật. Ngoài ra, hiện nay các đường dây nóng về an sinh xã hội, y tế của từng xã, phường đã được thiết lập, vì vậy khi có yêu cầu hỗ trợ về an sinh xã hội hoặc thắc mắc liên quan đến dịch bệnh, người dân hãy gọi ngay cho đường dây nóng để có được thông tin chính xác.
Sở TT-TT khuyến cáo người dân không chia sẻ tin giả, tin sai sự thật, nhất là khi các tin tức đó xuất phát từ nguồn không đáng tin cậy. Khi đọc, chia sẻ thông tin trên MXH nên chọn những thông tin chính thống từ các kênh báo chí chính thống, các website đáng tin cậy. Mỗi người dân cần có trách nhiệm với cộng đồng khi chia sẻ hay bình luận trên MXH, để tránh tiếp tay cho thông tin giả, thông tin sai sự thật bị phát tán.
Theo Sở TT-TT, khi phát hiện những tin tức nghi ngờ là tin giả, tin sai sự thật trên MXH, người dân có thể phản ánh đến Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam tại địa chỉ www.tingia.gov.vn. hoặc qua đường dây nóng Sở TT-TT bằng số điện thoại: 0908.889.086 (giờ hành chính); hoặc email: duongdaynongbaochi@dongnai.gov.vn. |
Đăng Tùng