(ĐN) - Từ ngày 1-9, nhiều quy định mới liên quan đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhất là lao động nữ như: các chính sách trợ cấp một lần, bảo vệ sức khỏe NLĐ, vấn đề sức khỏe sinh sản cho lao động nữ… sẽ chính thức có hiệu lực. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sống cho NLĐ, nhất là với lao động nữ.
(ĐN) - Từ ngày 1-9, nhiều quy định mới liên quan đến quyền lợi của người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhất là lao động nữ như: các chính sách trợ cấp một lần, bảo vệ sức khỏe NLĐ, vấn đề sức khỏe sinh sản cho lao động nữ… sẽ chính thức có hiệu lực. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sống cho NLĐ, nhất là với lao động nữ.
Từ ngày 1-9, nếu người vợ sinh con mà không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng (nếu đóng bảo hiểm xã hội đủ 6 tháng trong 12 tháng trước khi vợ sinh con) sẽ được hưởng trợ cấp một lần. Ảnh minh họa: Phương Liễu |
Các quy định mới này được nêu rõ tại Thông tư 06/2021/TT-BLĐTBXH ngày 7-7-2021 của Bộ LĐ-TBXH về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc (gọi tắt là Thông tư 06).
* Mở rộng quyền lợi về hưởng chế độ thai sản cho lao động nữ
Thông tư 06 có nhiều sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc so với Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH (Thông tư 59), đặc biệt là các chính sách liên quan đến sức khỏe sinh sản của lao động nữ.
Theo Giám đốc BHXH tỉnh PHẠM MINH THÀNH, Việt Nam đang phát triển và hội nhập với thị trường lao động quốc tế, các chính sách pháp luật về lao động vẫn đang tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế. Chế độ chính sách đối với NLĐ, nhất là NLĐ tham gia BHXH bắt buộc gắn liền với quyền lợi thiết thân của NLĐ. Do đó, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ chính là góp phần nâng cao chất lượng sống cho NLĐ, tạo sự tin tưởng và gắn bó hơn của NLĐ đối với doanh nghiệp của mình. |
Về điểm mới trong thời gian hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ được nêu cụ thể tại Khoản 6, Điều 1 Thông tư 06 quy định, nếu có con bị chết hoặc chết lưu thì thời gian hưởng trợ cấp thai sản khi sinh con và trợ cấp một lần khi sinh con được tính theo số con được sinh ra, bao gồm cả con bị chết hoặc chết lưu. Trong khi theo Khoản 3, Điều 10 Thông tư 59 đang áp dụng hiện hành thì chế độ thai sản chỉ được giải quyết đối với trường hợp khi sinh con và con còn sống.
Riêng với chế độ trợ cấp một lần khi sinh con, tại Khoản 5, Điều 1 Thông tư 06 quy định, trong trường hợp trợ cấp một lần khi sinh con, nếu chỉ có cha tham gia BHXH thì cha được trợ cấp một lần bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Như vậy, trường hợp cả hai vợ chồng cùng tham gia BHXH mà người vợ không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì người chồng đóng BHXH đủ 6 tháng trong 12 tháng trước khi sinh con, sẽ được hưởng trợ cấp một lần khi sinh con bằng 2 tháng lương cơ sở tại tháng sinh con cho mỗi con. Việc bổ sung quy định này nhằm làm rõ quy định về trợ cấp một lần khi sinh con tại Điều 38 Luật BHXH năm 2014.
Anh Phan Quốc Vinh (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa), nhân viên kiểm soát của một công ty sản xuất phụ kiện xe ô tô ở Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) cho rằng, quy định chồng được nghỉ thai sản và hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con là rất hợp lý, đảm bảo quyền lợi của NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, cả nữ lẫn nam. Nhất là trong trường hợp người vợ tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản hoặc vợ không tham gia BHXH bắt buộc.
* Tăng quyền lợi về bảo đảm sức khỏe người lao động
Thông tư 06 có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung cho Thông tư 59 theo hướng tạo thuận lợi cũng như tăng thêm quyền lợi về bảo đảm sức khỏe cho NLĐ thông qua các mức hưởng chế độ ốm đau.
Đối với trường hợp NLĐ nghỉ việc do mắc một trong những bệnh thuộc danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày (gồm 332 bệnh theo Thông tư số 34/2013/TT-BYT về Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày của Bộ Y tế) thì Điểm b, Khoản 2, Điều 1 Thông tư 06 sửa đổi Điểm b, Khoản 2, Điều 6 Thông tư 59 về bổ sung quy định mức hưởng chế độ ốm đau của những ngày lẻ không trọn tháng tối đa bằng mức trợ cấp ốm đau 1 tháng. Cụ thể, trong khi theo Thông tư 59, chế độ ốm đau chỉ tính trên số ngày thực nghỉ thì Thông tư 06 đã cho phép tính luôn làm tròn tháng đối với những trường hợp nghỉ ốm đau nhưng còn một vài ngày mới tròn tháng. Và toàn bộ thời gian nghỉ bệnh (được làm tròn tháng) của NLĐ được hưởng chế độ bằng 75% lương tháng BHXH bắt buộc mà NLĐ đóng.
Đối với các trường hợp NLĐ thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc bị ốm đau, tai nạn mà không phải tai nạn lao động, hoặc phải nghỉ việc để chăm sóc con dưới 7 tuổi bị ốm đau mà thời gian nghỉ việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng (bao gồm cả trường hợp nghỉ việc không hưởng lương), thì Khoản 3, Điều 1 Thông tư 06 đã bổ sung vào Khoản 3, Điều 6 của Thông tư 59 mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc. Trường hợp các tháng liền kề tiếp theo NLĐ vẫn tiếp tục bị ốm và phải nghỉ việc, thì mức hưởng chế độ ốm đau được tính trên tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc.
Những sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách đối với NLĐ theo hướng bảo đảm sức khỏe cũng như quyền lợi của NLĐ đang được nhiều người quan tâm.
Chị Nguyễn Trúc Quỳnh Phương (ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa), công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Amata đang tạm ngừng việc do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 cho biết, chị rất mừng vì nhiều chính sách liên quan đến quyền lợi NLĐ, nhất là quyền lợi lao động nữ được hoàn thiện dần, phù hợp với thực tế. Việc này đã tạo niềm tin cho NLĐ vào sự bảo vệ của pháp luật đối với các chính sách về lao động.
Phương Liễu