Thời gian tới, các quy định liên quan đến thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc sẽ có nhiều thay đổi khi quy định này được cập nhật, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Thời gian tới, các quy định liên quan đến thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc sẽ có nhiều thay đổi khi quy định này được cập nhật, bổ sung phù hợp với thực tiễn.
Một tiết học tại Trường Giáo dưỡng số 4 của Bộ Công an tại TP.Biên Hòa. Ảnh tư liệu: Tố Tâm |
Đến ngày 16-9 sẽ kết thúc thời hạn lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc (gọi tắt là dự thảo). Dự thảo do Bộ Công an xây dựng nhằm thay thế Nghị định 02/2014/NĐ-CP ngày 10-1-2014 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc.
* Khắc phục bất cập trong thực tiễn
Dự thảo được xây dựng với 4 chương, 53 điều, quy định chi tiết thủ tục lập hồ sơ đề nghị, thi hành, chế độ quản lý, giáo dục… và trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) chỉ ra một số điểm mới của dự thảo (quy định hiện hành không nêu) là đặt ra quy định chi tiết về quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc trong thời gian lập hồ sơ; thi hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc… Ngoài ra, dự thảo đã quy định trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định, trưởng công an cấp huyện phải tổ chức đưa đối tượng vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc (nếu cần thời gian để tiến hành thủ tục thì phải tạm giữ đối tượng).
Đáng chú ý, dự thảo đã quy định chi tiết những người nằm trong danh sách thân nhân của học sinh, trại viên là vợ hoặc chồng; ông bà nội ngoại, cha mẹ đẻ, cha mẹ kế, cha mẹ nuôi hợp pháp; con đẻ; người trực tiếp nuôi dưỡng; anh, chị, em ruột. Theo đó, quy định về giải quyết trường hợp cho trại viên/học sinh về gia đình khi có việc tang của thân nhân hoặc trường hợp khó khăn đặc biệt đã rõ ràng hơn nghị định hiện hành. Riêng với học sinh trường giáo dưỡng, khi giải quyết cho về gia đình, đại diện thân nhân gia đình học sinh (có tên trong sổ thăm gặp và đủ 18 tuổi) phải đến nhận học sinh và viết cam kết quản lý cũng như đưa học sinh về trường đúng hạn.
Ngoài ra, dự thảo đã thay đổi khái niệm “lập công” từ các hành động như: “tố cáo hành vi phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng; dũng cảm cứu người, cứu tài sản có giá trị lớn của Nhà nước, có thành tích trong phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và được nhận giấy khen của chủ tịch UBND cấp huyện trở lên…” thành “cung cấp nguồn tin giúp ngăn chặn âm mưu, hành động gây mất an ninh trật tự; giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.
* Phù hợp các quy định pháp luật hiện hành
Qua việc bám sát thực tiễn và các quy định pháp luật hiện hành, dự thảo đã nhận được nhiều sự đồng tình, góp ý, đánh giá cao của các cơ quan chức năng, nhất là cấp cơ sở. Nhất là khi dự thảo bổ sung một số nội dung mới phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 và Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016, phù hợp với đời sống xã hội hiện nay.
Điển hình như việc dự thảo nêu rõ, trong trường hợp nếu chống đối thì người nhận quyết định sẽ “bị khóa, trói tay” thay vì nêu chung chung “áp dụng biện pháp ngăn chặn và cưỡng chế cần thiết theo quy định của pháp luật và hướng dẫn” như quy định hiện hành. Theo cán bộ công an một số phường ở TP.Biên Hòa, quy định này sẽ giúp người thực thi nhiệm vụ dễ dàng làm việc hơn và biết được những hành động nào được phép thực hiện trong khống chế người chống đối.
Bên cạnh đó, chế độ chăm sóc vật chất và tinh thần đối với học sinh của trường, trại viên của cơ sở cũng được chú ý hơn. Khi chế độ ăn, chế độ mặc và đồ dùng sinh hoạt của học sinh, trại viên đều được điều chỉnh tăng; đặc biệt đồ chống lạnh được cấp cho trại viên...
Ngoài ra, dự thảo còn cho phép cả học sinh và trại viên theo tôn giáo đều được dùng kinh sách (xuất bản hợp pháp) 1 lần/tuần (ngoài thời gian học, lao động) tại địa điểm quy định. Các sách này được trường, cơ sở quản lý, kiểm duyệt trước khi đưa cho học sinh, trại viên sử dụng.
Theo Bộ Công an, việc xây dựng Nghị định quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc mới sẽ khắc phục những tồn tại, phát sinh trong thực hiện các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi năm 2020 để hoạt động thống nhất nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh sự chồng chéo mâu thuẫn giữa các văn bản pháp luật khác có liên quan, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện. |
Minh Thành