Từ ngày 16-8, Đồng Nai khởi động chiến dịch xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng với việc lấy mẫu 2,1 triệu người dân trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại về nguy cơ lây nhiễm tại một số điểm lấy mẫu,...
Từ ngày 16-8, Đồng Nai khởi động chiến dịch xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng với việc lấy mẫu 2,1 triệu người dân trên địa bàn toàn tỉnh, nhằm bóc tách F0 khỏi cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại về nguy cơ lây nhiễm tại một số điểm lấy mẫu, nhất là từ nhân viên lấy mẫu.
Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ. Ảnh: Phương Liễu |
Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, Giám đốc Sở Y tế, TS-BS PHAN HUY ANH VŨ cho biết, ngành Y tế sẽ bảo đảm công tác tổ chức lấy mẫu, xét nghiệm diễn ra an toàn, cố gắng đến mức thấp nhất xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo tại các điểm lấy mẫu.
* Trong 15 ngày khẩn trương lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nhằm bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, công tác này được triển khai như thế nào, thưa ông?
- “Chiến dịch” bóc tách F0 ra khỏi ra cộng đồng là một cuộc “ra quân” toàn diện, khẩn trương, được triển khai “thần tốc” trong 15 ngày (từ ngày 16 đến 31-8). Qua đánh giá mức độ diễn biến dịch bệnh tại các địa phương dựa trên nguy cơ dịch bệnh sát với tình hình thực tế, Sở Y tế phân chia 11 huyện, thành phố ra 4 mức độ gồm: nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, nguy cơ và bình thường đến từng ấp/khu phố trong tỉnh. Việc này có ý nghĩa rất quan trọng, vì liên quan trực tiếp đến tần suất xét nghiệm và các đối tượng được xét nghiệm diện rộng.
Để phục vụ cho chiến dịch này, ngành Y tế đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đặc biệt về nguồn nhân lực y tế hỗ trợ công tác lấy mẫu xét nghiệm. Ngành đã huy động nhân lực lấy mẫu xét nghiệm từ các cơ sở y tế nhà nước, tư nhân, y tế học đường, y tế doanh nghiệp, điều phối nhân lực y tế từ Bộ Y tế, các tỉnh, thành phố đến hỗ trợ Đồng Nai về các địa phương tham gia triển khai kế hoạch.
Ngoài ra, UBND tỉnh, thành phố cũng huy động nhân lực hỗ trợ từ cán bộ, công chức, viên chức các phòng, ban các cơ quan đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, tình nguyện viên tham gia hỗ trợ lấy mẫu xét nghiệm như: ghi chép, nhập liệu, truyền thông, phân luồng và các hoạt động khác trong thời gian triển khai kế hoạch. Đảm bảo chuẩn bị đủ cơ số dụng cụ y tế, sinh phẩm, hóa chất phục vụ cho công tác lấy mẫu và xét nghiệm...
Giám đốc Sở Y tế, TS-BS PHAN HUY ANH VŨ khuyến cáo, trong thời gian lấy mẫu trên diện rộng tại tất cả các xã, phường, thị trấn người dân thấy nhân viên điểm lấy mẫu nào không thực hiện đúng những quy định trên, đề nghị báo ngay về đường dây nóng theo số điện thoại 0967.891717 để ngành Y tế kịp thời xử lý. |
* Qua phản ảnh của người dân, tại một số điểm lấy mẫu trên địa bàn TP.Biên Hòa, đã có tình trạng nhân viên y tế “quên” sát khuẩn tay sau mỗi lần lấy mẫu, có nhân viên chỉ dùng một đôi găng tay cho nhiều lần lấy mẫu... Việc này tạo tâm lý lo ngại về nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, ông nói gì về vấn đề này?
- Không chỉ trong chiến dịch này, mà từ khi dịch bệnh bùng phát, đội ngũ nhân viên y tế tham gia lấy mẫu đều đã được tập huấn về quy định, quy trình, kỹ thuật lấy mẫu theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến công tác bảo đảm tuyệt đối an toàn cho cả nhân viên y tế lẫn người lấy mẫu, nhằm tránh tình trạng điểm lấy mẫu trở thành “ổ dịch” lây nhiễm chéo. Đồng thời, Sở Y tế cũng đã yêu cầu giám đốc, thủ trưởng các đơn vị tăng cường công tác đôn đốc, nhắc nhở nhân viên y tế lấy mẫu cần thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật khi lấy mẫu bệnh phẩm giám sát Covid-19.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong quá trình lấy mẫu, nhân viên có thể sử dụng 1 đôi găng tay y tế và khử khuẩn găng tay bằng dung dịch sát khuẩn nhanh sau mỗi lần lấy mẫu; thay găng tay sau khi khử khuẩn tối đa 6 lần hoặc khi găng tay bị rách, hỏng. Mặt khác, nhân viên tham gia lấy mẫu bệnh phẩm tuyệt đối tuân thủ quy trình mặc và cởi bỏ phương tiện phòng hộ cá nhân; trong quá trình lấy mẫu không thực hiện các hoạt động khác (như: ăn, uống, bắt tay...).
Quy định đã rất cụ thể, nếu nhân viên nào không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ, chủ quan, vô ý làm sai quy định và nguyên tắc an toàn để dịch phát tán sẽ bị xử lý rất nghiêm.
Nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm diện rộng người dân P.Bửu Hòa (TP.Biên Hòa). Ảnh: HUY ANH |
* Chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiến hành nhiều ngày nữa, vậy ngành Y tế có những giải pháp nào để tránh tình trạng lây nhiễm chéo tại các điểm lấy mẫu?
- Để bảo đảm an toàn cho công tác lấy mẫu xét nghiệm, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thường xuyên và tiếp tục tập huấn, hướng dẫn nhắc lại đối với đội ngũ nhân viên y tế tham gia chiến dịch phải thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật, bảo đảm an toàn mọi khâu trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm giám sát phòng dịch Covid-19.
Sở cũng tổ chức các đoàn giám sát công tác an toàn, trật tự tại các điểm lấy mẫu, đảm bảo ngăn chặn kịp thời nguy cơ xảy ra lây nhiễm chéo trong quá trình tổ chức lấy mẫu xét nghiệm. Quy trách nhiệm cho lãnh đạo y tế địa phương, nếu để xảy ra tình trạng sơ suất của nhân viên y tế dẫn đến phát sinh ổ dịch trong quá trình lấy mẫu, bao gồm cả việc xử lý nghiêm những nhân viên y tế không thực hiện đúng nguyên tắc an toàn khi lấy mẫu, dẫn đến làm lây lan dịch bệnh.
* Do lo sợ lây nhiễm Covid-19, trước và sau khi đi lấy mẫu xét nghiệm, nhiều người dân đã nhỏ mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý. Theo ông, việc này có nên không? Người dân cần làm gì để tránh bị lây nhiễm chéo tại các điểm lấy mẫu?
- Rửa mũi, súc họng bằng nước muối là việc cần làm thường xuyên trong suốt mùa dịch bệnh Covid-19 chứ không chỉ khi đi lấy mẫu xét nghiệm. Bởi, mũi và họng là con đường lây nhiễm chính của dịch bệnh Covid-19, do đó việc thường xuyên súc họng, rửa mũi bằng nước muối sinh lý mang đến hiệu quả cao trong việc phòng, chống dịch. Trong phòng, chống dịch, nguyên tắc đầu tiên khi xử lý một yếu tố gây hại bất kỳ là phải giảm được số lượng của virus trong thời gian nhanh nhất, không để virus sinh sôi đạt đến số lượng đủ để gây nguy hiểm. Do đó, nước muối sinh lý có thể rửa trôi virus bám trên bề mặt khoang mũi, niêm mạc họng khi vừa nhiễm sẽ làm giảm khả năng lây nhiễm. Do đó, việc người dân rửa mũi, súc họng trước và ngay sau khi lấy mẫu cũng là việc nên làm.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong vùng phong tỏa tại P.Long Bình. Ảnh: Hoàn Lê |
Ngoài ra, để tránh lây nhiễm chéo tại các điểm lấy mẫu trong trường hợp có F0, người dân cần thực hiện nguyên tắc 5K của Bộ Y tế gồm: mang khẩu trang đúng cách, khai báo y tế, sát khuẩn tay, thực hiện giãn cách tối thiểu 2m và tránh tụ tập trò chuyện trong khi chờ tới lượt. Ngoài ra, để an toàn hơn, khi về nên tắm rửa ngay, thay quần áo và không dùng lại khẩu trang đã đeo đến nơi lấy mẫu... nhằm tránh phát tán virus trong trường hợp không may tiếp xúc với F0 tại điểm lấy mẫu.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)