Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã có các hành vi trục lợi…
Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, 19 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có Đồng Nai phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã có các hành vi trục lợi như: nâng giá bán một số mặt hàng thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu; ghi sai ngày lấy mẫu và trả kết quả trên giấy xét nghiệm Covid-19…
Do nhu cầu mua thực phẩm cao, nhất là rau xanh, các gian hàng bán rau xanh ở các siêu thị thường xuyên hết hàng. Trong ảnh: Một gian hàng bán rau của một siêu thị ở TP.Biên Hòa hết hàng. Ảnh: Kim Liễu |
Những hành vi lợi dụng dịch bệnh để trục lợi đã gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai bày tỏ mong muốn cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, tăng mức xử phạt nhằm răn đe các đối tượng vi phạm.
* Lợi dụng nâng giá các mặt hàng thiết yếu
Tích trữ nhiều lương thực, thực phẩm để dùng dần, cũng như để phòng khi chẳng may khu vực nơi mình sinh sống bị phong tỏa để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 là cách mà nhiều gia đình đang áp dụng. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, cộng với việc một số chợ truyền thống ở TP.Biên Hòa tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, một số đối tượng đã nâng giá bán một số mặt hàng thiết yếu như: thịt, cá, rau củ, trứng… lên gấp nhiều lần so với ngày thường gây khó khăn, bức xúc cho người tiêu dùng.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, BĐ Lê Kim Hạnh (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) cho rằng, hành vi nâng giá bán thực phẩm để trục lợi trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp của một số người là rất đáng phê phán, cách ngăn chặn tốt nhất là người dân khi phát hiện nên báo cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, việc người dân đổ xô mua hàng dự trữ với khối lượng lớn sẽ dẫn đến lãng phí, làm mất cân đối cung - cầu… cũng góp phần đẩy giá thực phẩm tăng lên.
Tương tự BĐ Hoàng Bảo Ngọc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) chia sẻ, đọc tin trên báo thấy ở TP.HCM có tình trạng một số người xếp hàng trong siêu thị để mua nhiều mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm với giá thấp, sau đó mang ra ngoài bán với giá cao hơn nhằm trục lợi... bà rất bức xúc. Dù hiện tại ở Đồng Nai gần đây lực lượng chức năng chưa phát hiện và xử lý hành vi vi phạm nào nhưng hiện tượng lợi dụng dịch bệnh trục lợi vẫn xảy ra. Đơn cử như sáng 16-7, một điểm bán rau, củ trên lề đường Huỳnh Văn Lũy (TP.Biên Hòa) bán bí đỏ với giá 80 ngàn đồng/kg, cao gấp nhiều lần so với trước đây. Trong khi một số nơi giá bán cao nhất của mặt hàng này cũng chỉ 40 ngàn đồng/kg. Ở một số điểm bán khác trên đường Võ Thị Sáu, Cách Mạng Tháng Tám (TP.Biên Hòa), các mặt hàng như: gừng, chanh, sả cũng bị người bán hét giá cao gấp đôi, gấp ba so với giá trong siêu thị khi cùng lúc có nhiều người hỏi mua.
“Trong thời điểm này, người dân cả nước đang chung tay, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tương thân tương ái, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh vậy mà có một số người dựa vào khó khăn của người khác để thu lợi, thật đáng phê phán” - bà Ngọc bộc bạch.
* Tăng mức xử phạt để răn đe
Một số BĐ kiến nghị cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính và các hành vi vi phạm gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh tại địa phương.
Mới đây, phản hồi trên fanpage Báo Đồng Nai khi đọc tin Phạt 15 triệu đồng đối với phòng khám trả kết quả xét nghiệm Covid-19 không đúng với ngày lấy mẫu đăng trên Báo Đồng Nai ngày 16-7, nhiều BĐ cho rằng, mức xử phạt trên là quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
Phản hồi của bạn đọc trên fanpage Báo Đồng Nai đề nghị tăng mức phạt đối với các hành vi vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh |
Ngày 11-7, khi kiểm tra giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 dạng test nhanh của 2 công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa), lực lượng chức năng phát hiện trên phiếu ghi ngày lấy mẫu và nhận mẫu là 12-7 không đúng với ngày lấy mẫu trên thực tế. Phòng khám Đa khoa quốc tế Sỹ Mỹ (P.An Bình, TP. Biên Hòa) là cơ sở lấy mẫu test nhanh, trả kết quả xét nghiệm cho 2 công nhân trên. Điều đáng nói là việc lấy mẫu được phòng khám thực hiện vào ngày 9-7, trả kết quả xét nghiệm vào ngày 10-7. Thế nhưng trong giấy báo kết quả xét nghiệm lại ghi ngày 12-7.
Cho rằng hành vi vi phạm trên có thể làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch của cả nước, bởi nếu người được lấy mẫu nhiễm bệnh mà vẫn di chuyển nhiều nơi thì có thể làm lây lan ra cộng đồng khi ngày lấy và trả kết quả xét nghiệm không chính xác. “Sơ hở một cái là có thể lây lan dịch bệnh khắp nơi, lúc đó tốn công tốn của Nhà nước và nhân dân… Mức xử phạt của cơ quan chức năng là quá nhẹ, liệu có đủ sức răng đe hay không?” - BĐ Nguyễn Hoàn Quân viết.
Còn BĐ Nam Văn thì cho rằng: “Phòng khám gian dối có khác gì làm giấy tờ giả, nhất là mùa dịch đang bùng phát mà xử phạt 15 triệu đồng là không cân xứng…”.
Đồng quan điểm trên, gần 40 phản hồi của BĐ về bản tin nói trên đều cho rằng, kiểu ghi ngày “trừ hao” trên giấy kết quả xét nghiệm Covid-19 để qua mặt lực lượng kiểm tra là hành vi có thể gây nguy hiểm cho cộng đồng, nên tăng mức xử phạt để răn đe.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, hành vi đầu cơ hàng hóa là vi phạm pháp luật, có thể xử phạt theo Điều 31, Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 28-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Mức phạt tiền từ 5-100 triệu đồng (tùy vào hành vi vi phạm). Hình phạt bổ sung tịch thu tang vật, tước giấy phép kinh doanh, đình chỉ hoạt động… Ngoài ra, đối với các cơ sở bán hàng, siêu thị nếu có hành vi găm hàng thì sẽ bị xử phạt lên tới 30 triệu đồng.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh cho biết, hành vi đầu cơ, gom các mặt hàng thiết yếu để bán với giá cao trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay rất đáng lên án và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đầu cơ theo Điều 196, Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu hàng hóa trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1,5 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. |
Kim Liễu