Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều quy định mới trong phòng, chống HIV/AIDS

10:07, 28/07/2021

Từ ngày 1-7, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi) chính thức có hiệu lực, nhiều hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đã được khắc phục.

Từ ngày 1-7, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (gọi tắt là Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi) chính thức có hiệu lực, nhiều hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đã được khắc phục.

Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều trị thuốc kháng HIV cho một bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: T.Tâm
Bác sĩ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh điều trị thuốc kháng HIV cho một bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: T.Tâm

Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 16-11-2020 tại Kỳ họp thứ 10 nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS.

* Bổ sung nhiều quy định mới, sát thực tiễn

Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi đã sửa đổi, bổ sung 15 điều và bãi bỏ 2 điều so với Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006. 2 điều được bỏ là Điều 42 (áp dụng pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, xử lý vi phạm hành chính đối với người bị xử lý hình sự, hành chính mà bị bệnh AIDS giai đoạn cuối) và Điều 44 (Quỹ Hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV).

Một số điểm mới khác đáng chú ý của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi là bổ sung nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo tình trạng nhiễm cho người sống chung như vợ chồng (ngoài các trường hợp vợ, chồng, người dự định kết hôn như quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006).

Luật này cũng bổ sung một số đối tượng được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS gồm: người chuyển đổi giới tính; vợ/chồng của người sử dụng ma túy, người bán dâm, người có quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển đổi giới tính; phạm nhân, người bị tạm giam, trại viên cơ sở giáo dục bắt buộc, học sinh trường giáo dưỡng, học viên cơ sở cai nghiện ma túy…

Ngoài ra, Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi còn bổ sung trường hợp cơ quan thông tin đại chúng thực hiện thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS được thu phí thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ có bố trí kinh phí của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; hợp đồng với chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS hoặc do tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tài trợ. Đây là quy định được đánh giá phù hợp với thực tiễn hiện nay, tránh các hoạt động tuyên truyền mang tính hình thức, dù miễn phí nhưng hiệu quả không cao.

* Tăng quyền tiếp cận thông tin

Nhờ tính sát thực, giải quyết được các bất cập đặt ra trong thực tiễn hiện nay nên các điều, khoản được sửa đổi, bổ sung trong Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi đã nhận được nhiều sự đồng tình của các cấp, các ngành.

Ngày 30-6, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Nghị định này cũng có hiệu lực từ ngày 1-7, góp phần đưa Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi sớm đi vào thực tiễn.

Theo một bác sĩ tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, việc thêm đối tượng được thông báo tình trạng nhiễm (của người bị nhiễm), được ưu tiên các biện pháp tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS… là những sửa đổi, bổ sung cần thiết để góp phần bảo vệ các cá nhân có nguy cơ nhiễm cao và giảm nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS từ người nhiễm qua quan hệ tình dục. Nhất là hiện nay nguy cơ lây nhiễm qua đường tình dục vẫn còn cao.

Ngoài ra, việc bổ sung người bị phơi nhiễm với HIV, bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn vào danh sách đối tượng Nhà nước cấp miễn phí thuốc kháng HIV cũng nhận được nhiều ý kiến đánh giá là nhân văn. Nhất là khi thời gian qua, trên cả nước xảy ra nhiều sự cố cháy, nổ, tai nạn giao thông, sập đổ công trình… khiến người tham gia cứu nạn (lực lượng chức năng, lực lượng bán chuyên trách, người dân, người có mặt tại hiện trường) dễ va chạm với vết thương hở của nạn nhân là bệnh nhân HIV, dẫn tới nguy cơ phơi nhiễm cao.

Theo đánh giá của Phòng LĐ-TBXH TP.Biên Hòa, việc giảm độ tuổi xét nghiệm phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ từ đủ 16 tuổi xuống đủ 15 tuổi là phù hợp với quyền được chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Vì hiện nay, ở độ tuổi này, trẻ đã phát triển thể chất, tâm sinh lý và nhận thức sớm hơn so với giai đoạn trước, bối cảnh xã hội cũng có thay đổi hơn trước và đối tượng nhiễm có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Đông Hồ

Tin xem nhiều