Theo phản ảnh của nhiều bạn đọc Báo Đồng Nai, hiện nay một số nhà thuốc ở TP.Biên Hòa đang 'rục rịch' tăng giá bán một số loại thuốc như: thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc trị ho, dị ứng và các loại vitamin…
Theo phản ảnh của nhiều bạn đọc Báo Đồng Nai, hiện nay một số nhà thuốc ở TP.Biên Hòa đang 'rục rịch' tăng giá bán một số loại thuốc như: thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc kháng viêm, thuốc trị ho, dị ứng và các loại vitamin…
Thuốc chống dị ứng Fexofenadine đang bị một số nhà thuốc ở TP.Biên Hòa đẩy giá từ 55 ngàn đồng lên 180 ngàn đồng/hộp. Ảnh: N.L |
* Nhiều loại thuốc tăng giá
Lo lắng trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều người dân đã tìm mua một số loại thuốc và vitamin để dự phòng. Nhu cầu mua thuốc có chiều hướng tăng khi toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, nhất là khi nhiều địa phương áp dụng biện pháp phong tỏa để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Chị Q. (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) cho biết, bình thường tủ thuốc gia đình chị thường trữ sẵn một ít thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc dị ứng, băng cá nhân, thuốc sát trùng vết thương, thuốc trị bỏng… để đề phòng khi cần. Mới đây, khi thấy phường kế bên bị phong tỏa, chị Q. vội ra nhà thuốc gần nhà để mua thêm thuốc dự trữ và khá bất ngờ vì giá thuốc tăng cao. “Thuốc dị ứng tên Fexofenadine bình thường tôi mua có 55 ngàn đồng/hộp nhưng nay cũng loại thuốc này, cùng một công ty sản xuất họ bán đến 180 ngàn đồng/hộp, cao gấp 3 lần bình thường” - chị Q. cho biết.
Tương tự, chị P.T.N. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết, mới đây chị ghé một nhà thuốc ở P.Tân Mai mua thuốc tiêm tiểu đường Lilly Humulin 70/30 cho mẹ thì tá hỏa khi thuốc tăng từ 150 ngàn đồng lên 200 ngàn đồng/cây. Khi chị thắc mắc thì nhà thuốc này giải thích do giãn cách xã hội, vận chuyển không được nên khan hàng, giá tăng.
Qua khảo sát giá bán tại một số nhà thuốc trên địa bàn TP.Biên Hòa ngày 18-7 cho thấy, ngoài loại thuốc trên, giá một số loại thuốc có thành phần chính là paracetamol giúp giảm đau hạ sốt, các loại vitamin, nhất là vitamin C, nước muối sinh lý dùng để súc miệng, cồn… đang được một số nhà thuốc tại TP.Biên Hòa bán giá cao hơn so với bình thường từ 5-20 ngàn đồng/vỉ/lọ/chai. Riêng thuốc Fexofenadine có nhà thuốc nâng giá nhưng cũng có nơi bán đúng giá niêm yết là 55 ngàn đồng/hộp.
Đại diện một điểm bán thuốc của hệ thống nhà thuốc có thương hiệu tại Đồng Nai cho biết, hiện nay các loại thuốc kể trên đang bán rất chạy. Tuy nhiên, giá các mặt hàng này ổn định, nguồn cung vẫn còn. Có thể do nhu cầu tăng nên một số nhà thuốc lợi dụng việc này tăng giá bán để kiếm lời.
* Báo ngay cho cơ quan chức khi phát hiện nhà thuốc nâng giá bán
Liên quan đến tình trạng tăng giá bán thuốc, Phó cục trưởng phụ trách Cục Quản lý thị trường Đồng Nai Nguyễn Thanh Lâm cho biết, đã chỉ đạo các đội quản lý thị trường tại các huyện, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn được phân công quản lý, phát hiện và kịp thời xử lý hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá bán hàng kém chất lượng, thu lợi bất chính. “Trường hợp người dân phát hiện các nhà thuốc bán giá cao hơn giá niêm yết cần giữ lại hóa đơn và báo ngay cho lực lượng chức năng hoặc điện thoại số đường dây nóng của Cục Quản lý thị trường 0251-3822242 để xử lý” - ông Lâm nói.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 và phát huy vai trò của hệ thống cơ sở bán lẻ thuốc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Phó giám đốc Sở Y tế Lê Quang Trung cho biết, trước đó Sở Y tế đã có văn bản yêu cầu các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn nghiêm túc thực hiện các tiêu chuẩn Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc (GPP). Bảm bảo cung ứng đủ thuốc, vật tư y tế… phục vụ người dân. Khi mua bán phải có hóa đơn chứng từ hợp lệ. Thực hiện đúng các quy định về quản lý giá, niêm yết công khai giá bán và bán không cao hơn giá niêm yết. Nghiêm cấm việc đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao để trục lợi. Trường hợp bán thuốc không kê đơn, nhân viên bán lẻ cần thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước của quy trình bán thuốc, thông tin, tư vấn hướng dẫn sử dụng thuốc không kê đơn, khai thác rõ các thông tin tiền sử bệnh của người bệnh.
Ngoài ra, đối với trường hợp có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở... đến mua thuốc, Sở Y tế cũng yêu cầu cơ sở bán lẻ thuốc cần hướng dẫn người bệnh khai báo y tế điện tử hoặc liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, hướng dẫn. Đồng thời, cơ sở bán lẻ thuốc thực hiện việc báo cáo cho cơ quan y tế chức năng trên địa bàn hoặc qua đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh Covid-19 để tiến hành theo dõi, giám sát
“Để không xảy ra các trường hợp vi phạm nêu trên, Sở Y tế chỉ đạo phòng y tế các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, hậu kiểm việc duy trì thực hiện nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc; việc thực hiện các quy định về quản lý giá thuốc tại các cơ sở bán lẻ thuốc trên địa bàn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm” - ông Trung nhấn mạnh.
Để đảm bảo cung ứng thuốc trong thời điểm phòng, chống dịch Covid-19, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở kinh doanh thuốc (cơ sở sản xuất, nhà thuốc, quầy thuốc... ) triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá kê khai, kê khai lại đã công bố); không được lợi dụng tình hình dịch Covid-19 để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao. |
Kim Liễu