Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách bảo trợ xã hội hướng về trẻ em

11:07, 30/07/2021

Từ ngày 1-7-2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với nhóm người được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em tăng từ 270 ngàn đồng/tháng lên 360 ngàn đồng/tháng.

Từ ngày 1-7-2021, mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với nhóm người được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em tăng từ 270 ngàn đồng/tháng lên 360 ngàn đồng/tháng.

Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với trẻ em góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) giúp trẻ ăn trưa (ảnh chụp tháng 4-2021)
Việc nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội đối với trẻ em góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc các đối tượng bảo trợ xã hội. Trong ảnh: Nhân viên Trung tâm Nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) giúp trẻ ăn trưa (ảnh chụp tháng 4-2021). Ảnh: Văn Chính

Đây là một trong những quy định mới nổi bật của Nghị định 20/2021/NĐ-CP ngày 15-3-2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (gọi tắt là Nghị định 20). Tùy theo điều kiện của từng tỉnh, thành phố có thể áp dụng mức chuẩn cao hơn.

* Mở rộng đối tượng trẻ em được hỗ trợ

Điều 5 của Nghị định 20 mở rộng 3 nhóm đối tượng trẻ em  dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc diện trợ cấp hằng tháng. Thứ nhất, trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp dưới đây: bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Theo Sở LĐ-TBXH, ngoài đối tượng trẻ em, Nghị định 20 còn quy định rõ đối tượng được bảo trợ xã hội gồm: người đơn thân nghèo đang nuôi con, người cao tuổi, người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hằng tháng như: tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng…

Ngoài ra, Nghị định 20 cũng quy định các trường hợp trẻ được bảo trợ xã hội như: cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; cả cha và mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; cả cha và mẹ đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Trẻ em thuộc các trường hợp sau cũng được bảo trợ xã hội theo Nghị định 20: cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội; cha hoặc mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cha hoặc mẹ đang hưởng chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội và người còn lại đang trong thời gian chấp hành án phạt tù tại trại giam hoặc đang chấp hành quyết định xử lý vi phạm hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Nhóm đối tượng thứ hai là những người thuộc nhóm đối tượng 1 nêu trên đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

Nhóm đối tượng thứ ba, trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

* Chia sẻ và nhân văn

Nghị định 20 quy định, tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ có mức trợ cấp xã hội hằng tháng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng. Mức hệ số áp dụng từ mức 1-2,5 (tùy theo từng trường hợp cụ thể).

Ông Nguyễn Văn Phương, Cán bộ phụ trách công tác thương binh và xã hội xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) bày tỏ, xã Phú Hội có trên 20 trẻ em thuộc diện được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay, việc tăng mức chuẩn trợ cấp xã hội rất có ý nghĩa đối với nhóm người được hưởng chính sách bảo trợ xã hội, nhất là trẻ em.

Tương tự, ông Trần Bình (ngụ xã La Ngà, H.Định Quán) cho rằng, với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc Nghị định 20 nâng mức trợ cấp xã hội cho đối tượng trẻ em giúp công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em thuộc các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng, các trung tâm nuôi dưỡng được tốt hơn.

 Tuy nhiên, để mọi đối tượng trẻ em được hưởng đúng, đủ, kịp thời chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định 20, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương phải rà soát, bổ sung kịp thời những đối tượng trẻ em mới phát sinh để đưa vào danh sách. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, cụ thể, rõ ràng Nghị định 20 để người dân biết mà kê khai, làm thủ tục hưởng chính sách, giám sát việc địa phương thực hiện chính sách có đúng không.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích